'Biển đỏ' ngập tràn chứng khoán toàn cầu

24/08/2015 16:29 GMT+7

(TNO) Chứng khoán Trung Quốc lao dốc mạnh nhất kể từ năm 2007, thị trường Nhật Bản rơi vào giai đoạn điều chỉnh, cổ phiếu Hồng Kông giảm chưa từng thấy từ 'thứ hai đen tối' cách đây gần 30 năm. Từ thị trường mới nổi cho đến châu Âu, tất cả ngập trong 'biển đỏ'.

(TNO) Chứng khoán Trung Quốc lao dốc mạnh nhất kể từ năm 2007, thị trường Nhật Bản rơi vào giai đoạn điều chỉnh, cổ phiếu Hồng Kông giảm chưa từng thấy từ 'thứ hai đen tối' cách đây gần 30 năm. Từ thị trường mới nổi cho đến châu Âu, tất cả ngập trong 'biển đỏ'.

Chứng khoán toàn cầu ngập tràn sắc đỏ - Ảnh: Reuters
Thị trường chứng khoán toàn cầu đang trong tình trạng báo động, theo CNN. Hơn 5.000 tỉ USD đã bị cuốn phăng khỏi chứng khoán thế giới kể từ khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ.
Theo Bloomberg, hôm nay 24.8, đồng loạt các thị trường Đại lục, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Indonesia, Brazil, Nga, Đức… đều ngập sắc đỏ.
Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất kể từ năm 2007, khởi đầu cho “làn sóng đỏ” lan ra khắp thế giới. Các biện pháp hỗ trợ thị trường của chính phủ nước này đang thất bại trong việc giảm e ngại từ giới đầu tư về mức tăng trưởng bi quan của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Chỉ số Shanghai Composite giảm mạnh 8,5% ngay sau khi mở cửa, hiện đứng ở mốc 3.209,91 điểm, mất toàn bộ số điểm đã tăng được trong năm nay. Hơn 800 mã cổ phiếu được theo dõi trong chỉ số Shanghai Composite hạ đến mức tối đa 10%.
Tại Hồng Kông, tình hình còn tồi tệ hơn. Chứng khoán ở đặc khu này đang nằm trong đợt sụt giảm tồi tệ nhất kể từ đợt lao dốc trong “ngày thứ hai đen tối” cách đây gần 30 năm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tập hợp chứng khoán doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông giảm 5,8%, về đáy kể từ tháng 3.2014. Thước đo độ biến động của chỉ số này leo lên đến điểm cao nhất kể từ tháng 10.2011.
Chỉ báo sức mạnh tương đối (RSI) của chỉ số Hang Seng ở mức 15, điểm đáy kể từ tháng 11.1987. RSI về dưới 30 đồng nghĩa với việc số nhà đầu tư bán ra cổ phiếu là rất lớn.
Chứng khoán châu Âu bước vào "thị trường con gấu" - thị trường giảm điểm - Ảnh: Reuters
Ở Đài Loan, chỉ số Taiex lao dốc 7,5%. Chỉ số Topix của Nhật Bản lao dốc 5,9% - lớn nhất kể từ tháng 5.2013 - và bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Đến Đức và châu Âu, chỉ số DAX cùng Stoxx Europe 600 cùng bước vào thị trường giảm điểm. Stoxx Europe 600 mất 3,5% trong hôm nay, làm tồi tệ hơn tuần tồi tệ nhất của chứng khoán châu Âu trong vòng 4 năm qua. DAX của Đức thì hạ 3%, cách mốc cao nhất mà chỉ số này lập ra đến 21%.
13 trong tổng số 18 thị trường chứng khoán Tây Âu đều đã giảm ít nhất 10% kể từ mức đỉnh mà nó có được trong thời gian qua.
Chỉ số MSCI Emerging Markets của các thị trường mới nổi rơi 4,5% trong hôm nay, tạo nên ngày lao dốc thứ 7 liên tiếp. Cổ phiếu Philippines tuột 6,7%, Nam Phi giảm nhẹ 2,8%.
Rúp Nga, rand Nam Phi giảm hơn 2%. Đồng ringgit nội tệ Malaysia thì đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1998, giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á.
Giá cả hàng hóa cũng không nằm ngoài đà giảm. Chỉ số Bloomberg Commodity theo dõi 22 loại hàng hóa giảm 1,6%, vì mọi loại hàng hóa từ dầu mỏ đến kim loại đều thừa cung vì kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Giá dầu Brent về dưới 45 USD/thùng lần đầu tiên trong vòng hơn 6 năm trở lại đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.