'Ăn đong' vốn trung dài hạn

16/03/2015 05:38 GMT+7

Có kế hoạch, có đất, có dự án nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn thúc thủ, không dám mở rộng sản xuất vì lãi vay trung - dài hạn vẫn cao.

Có kế hoạch, có đất, có dự án nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn thúc thủ, không dám mở rộng sản xuất vì lãi vay trung - dài hạn vẫn cao.

Doanh nghiệp vẫn ngại mở rộng đầu tư vì lãi vay trung, dài hạn cao

Doanh nghiệp vẫn ngại mở rộng đầu tư vì lãi vay trung, dài hạn cao - Ảnh: Chí Nhân

Ông Nguyễn Trí Kiên, giám đốc công ty may túi xách Minh Tiến, cho biết ông vừa vay mới một khoản ngắn hạn làm vốn lưu động với lãi suất 8%/năm để phủ dầy hơn các điểm bán lẻ, tăng mẫu mã và tăng xuất khẩu. Ông nói: “Đỡ rồi. Lãi suất đã dễ thở hơn nhưng ngược lại, sức mua vẫn còn yếu, người dân vẫn chi tiêu tiện tặn. Lúc trước có thể mua 2 cái cặp một năm, giờ đây họ chỉ mua 1 cái, hay 2 năm 1 cái cặp. Vì vậy phải tăng cạnh tranh ở mọi góc độ”.

Không dám mở rộng đầu tư

Ông Kiên chia sẻ, vay trung dài hạn vừa khó vay (chỉ dành cho một số hạng mục như vay đầu tư nhà xưởng...) vừa lãi suất cao nên các khoản vay của ông đa số là ngắn hạn, dưới một năm. Ông chưa dám tính đến việc mở rộng sản xuất.

Khó vay vốn trung, dài hạn đã không kích thích được họ đầu tư, sản xuất dài hạn. Điều này tôi cho rằng là tổn thất của nền kinh tế, là một yếu tố hạn chế nền kinh tế phát triển, về lâu dài làm giảm sức tăng trưởng bền vững của DN và cả nền kinh tế


Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty giấy Sài Gòn

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food cũng cho biết, bà như ngồi trên đống lửa khi giá điện vừa điều chỉnh tăng 7,5%. “Lãi suất ngắn hạn vừa giảm đỡ lo thì chi phí điện tăng thêm bình quân 100 triệu đồng/tháng, vị chi 1,2 tỉ đồng/năm”, bà than và cho hay,  Sài Gòn Food mới  mua 10.000 m2 đất, lên kế hoạch xây dựng xưởng, mua máy móc thiết bị mở rộng sản xuất, nhưng với lãi suất vay trung, dài hạn còn cao, ở mức 10 - 12%/năm thì cơ hội đầu tư, cơ hội kinh doanh cũng như tính cạnh tranh đều bị  ảnh hưởng. Bà nói: “May mà chúng tôi làm xuất khẩu nên còn có ưu  đãi, mới có sức cạnh tranh với doanh nghiệp (DN) các nước trong khu vực, khi họ được hưởng lợi với mức lãi suất thấp hơn nhiều”.

Theo ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty giấy Sài Gòn, lần gần nhất ông vay được vốn dài hạn là từ năm 2007, thời  hạn đến 12 năm. Còn mấy năm nay ngân hàng hạn chế cho vay trung dài hạn, DN không dễ vay được. Nhiều DN “ăn đong” bằng vay vốn ngắn hạn. Các phương án kinh doanh cũng theo đó thay đổi, đều mang tính ngắn hạn và thu hồi vốn nhanh. Ông Vị tiết lộ, lúc trước ông còn gỡ khó bằng cách dựa vào các công ty cho thuê tài chính của các ngân hàng để thuê thiết bị máy móc nhằm giảm chi phí. Nhưng vài năm nay các công ty cho thuê tài chính cũng hạn chế hoạt động này, khép lại “cửa” vay trung dài hạn của công ty ông cũng như nhiều DN chọn cách này.

Cũng với tâm lý này, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Pomina thừa nhận, Pomina chưa có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh một phần do lãi suất trung, dài hạn còn cao. Bây giờ cạnh tranh đã mang tính quốc tế. Lãi suất là chi phí vốn, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành. Trong khi các nước lãi suất chỉ 2 - 3% mà mình gấp đôi gấp ba là không cạnh tranh nổi.

Tăng trưởng cần vốn dài hạn

Thực tế cho thấy, vốn trung dài hạn chảy vào sản xuất hạn chế hơn so với vốn ngắn hạn. Theo khảo sát ngành ngân hàng năm 2013 của KPMG VN, hơn 60% tổng dư nợ cho vay có kỳ hạn dưới 1 năm. "Điều kiện kinh tế khó khăn khiến các ngân hàng cẩn trọng hơn khi cho vay dài hạn, nên cho vay dài hạn đã giảm 4%, từ 26% tổng dư nợ trong năm 2011 xuống còn 22% trong năm 2012”, báo cáo cho biết.

Mặt bằng lãi suất trung, dài hạn sẽ được cắt giảm thêm

Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, trong năm nay mặt bằng lãi suất trung, dài hạn sẽ được cắt giảm thêm 1 - 1,5 điểm phần trăm. Thông tư 36/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu tháng 2.2015 cho phép các ngân hàng được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn với tỷ lệ tối đa 60% (trước đây là 30%), tổ chức tín dụng phi ngân hàng được cho vay tối đa 200%. Vốn tăng và lãi suất giảm là các yếu tố góp phần cho cơ hội đầu tư, tăng trưởng của DN rộng mở hơn.

Sự thận trọng của các ngân hàng cũng ảnh hưởng lớn tới khuynh hướng đầu tư của DN. Theo ông Cao Tiến Vị, vì vay vốn dài hạn khó khăn, các DN vay vốn làm thương mại, làm vốn lưu động là nhiều chứ không chú trọng vào làm dự án đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm. "Khó vay vốn trung, dài hạn đã không kích thích được họ đầu tư, sản xuất dài hạn. Điều này tôi cho rằng là tổn thất của nền kinh tế, là một yếu tố hạn chế nền kinh tế phát triển, về lâu dài làm giảm sức tăng trưởng bền vững của DN và cả nền kinh tế”, ông nhận xét.

Theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư - tài chính ĐH Kinh tế TP.HCM, vài năm nay, nền kinh tế sức mua kém, hàng tồn kho cao, lãi suất cao, DN chỉ vay ngắn hạn mà không mặn mà vốn trung, dài hạn để mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, vay ngắn hạn chỉ giúp bổ sung vốn lưu động, giải quyết hàng tồn kho... chứ không phải là yếu tố cho tăng trưởng. Muốn tăng trưởng, DN phải đầu tư trung dài hạn, mở rộng sản xuất, và sản phẩm tạo ra phải được mua. “Trên thực tế, nhiều DN trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ cao, bất động sản… đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn trong một thời gian dài, nhưng quy mô vốn họ còn nhỏ, lại không có nguồn vốn trung dài hạn hỗ trợ, nên khả năng tham gia thị trường của họ bị hạn chế rất nhiều”, ông nói.

Các chuyên gia cho rằng, dù còn nhiều thách thức, song năm 2015 sẽ là năm quan trọng để nền kinh tế phục hồi. Cộng với các cam kết mở cửa theo các hiệp định đã ký kết sẽ là cơ sở cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tràn vào nội địa. Nếu các DN trong nước vẫn đang “giật gấu vá vai” nguồn vốn, không dám đầu tư dài hơi cho sự tăng trưởng thì sẽ đối mặt với nguy cơ mất thị phần trên chính sân chơi của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.