Ả Rập Xê Út bắt đầu 'thấm đòn' bởi giá dầu giảm

07/08/2015 07:01 GMT+7

(TNO) Ả Rập Xê Út - nước tích cực ủng hộ chính sách không giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - đang đối mặt với lỗ hổng lớn trong ngân sách do giá dầu giảm và chi tiêu quân sự tăng.

(TNO) Ả Rập Xê Út - nước tích cực ủng hộ chính sách không giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang đối mặt với lỗ hổng lớn trong ngân sách do giá dầu giảm và chi tiêu quân sự tăng. Theo giới phân tích, quốc gia giàu dầu thô này được cho là sẽ bị buộc đi vay từ nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

 Ả Rập Xê Út đang chật vật với giá dầu hạ thấp và chi tiêu quân sự tăng cao - Ảnh: AFP
Theo CNN, nước giàu dầu thô Ả Rập Xê Út đang chật vật với giá dầu hạ thấp và chi tiêu quân sự tăng cao.
Dự trữ ngoại tệ của nước này giảm đến 62 tỉ USD trong năm nay. Tháng vừa rồi là lần đầu tiên kể từ năm 2007, Ả Rập Xê Út phát hành trái phiếu, vay mượn 4 tỉ USD từ các ngân hàng địa phương. Thâm hụt ngân sách Ả Rập Xê Út được dự kiến lên tới 20% GDP cũng trong năm nay. Đây là mức đặc biệt cao đối với quốc gia đã từng có thặng dư.
Theo ước tính của Capital Economics, nguồn thu chính phủ nước này sẽ giảm 82 tỉ USD, tương đương 8% GDP. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì dự báo thâm hụt ngân sách sẽ kéo dài đến năm 2020.
Giá dầu thô sụt từ 107 USD/thùng hồi giữa năm ngoái xuống còn 44 USD/thùng ở thời điểm hiện tại là nguyên nhân chính dẫn đến việc này. Một nửa sản lượng kinh tế của đất nước và 80% nguồn thu chính phủ đến từ ngành công nghiệp dầu khí.
Tuy nhiên, chính Ả Rập Xê Út là nước đã và đang đấu tranh tích cực cho chính sách không giảm sản lượng, bảo vệ thị phần của OPEC - nguyên nhân chính dẫn đến mức dư cung dầu thô toàn cầu lớn.
Ngoài ra, quốc gia Trung Đông cũng đang chi nhiều cho quân sự khi can thiệp vào xung đột tại Yemen và tham gia không kích chống tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Ngân sách quân sự nước này tăng thêm 17%.
Fahad al-Mubarak, Thống đốc Cơ quan tiền tệ Ả Rập Xê Út nói: “Chúng ta sẽ chứng kiến chuyện đi vay tăng trong những tháng tới”.
Ngân hàng trung ương nước này không cho biết cụ thể về lượng trái phiếu sẽ được ban hành, nhưng giới phân tích ước tính Ả Rập Xê Út sẽ phát hành khoảng 5 tỉ USD trái phiếu mỗi tháng cho đến cuối năm, một phần trong số này dành cho nhà đầu tư ngoại. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.