5 điều có thể bạn chưa biết về TPP

05/10/2015 17:28 GMT+7

(TNO) Sau 5 năm trời ròng rã đàm phán, 12 quốc gia tham gia thảo luận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đứng trước cơ may cùng đi đến thống nhất tại vòng đàm phán ở Mỹ.

(TNO) Sau 5 năm trời ròng rã đàm phán, 12 quốc gia tham gia thảo luận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đứng trước cơ may cùng đi đến thống nhất tại vòng đàm phán ở Mỹ. Sau đây là 5 điều cần biết về TPP, theo tổng hợp của trang tin The Straits Times (Singapore):

1. TPP là gì?

Logo của TPP

TPP là một trong những thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất thế giới từ trước đến nay và hiện đang được 12 quốc gia Thái Bình Dương ngồi lại đàm phán. Các nước này gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam.

Hiệp định này được soạn ra nhằm thắt chặt quan hệ kinh tế giữa các quốc gia thành viên và được kỳ vọng sẽ dọn đường cho việc cắt giảm mạnh, thậm chí là gỡ bỏ ở một số trường hợp, hàng rào thuế quan xuất nhập khẩu và mở cửa thị trường buôn bán hàng hóa, cũng như dịch vụ.

Ngoài ra, TPP còn được mong đợi sẽ giúp thúc đẩy luồng đầu tư giữa các quốc gia thành viên và xa hơn nữa là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước này.

2. Vì sao TPP lại quan trọng đến vậy?

Đại diện các nước tham gia vòng đàm phán TPP tại thành phố Atlanta thuộc bang George (Mỹ) chụp hình chung vào hôm 1.10 - Ảnh: Reuters

Các nền kinh tế tham gia vào TPP đều là thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Tổng dân số của cả khối này đạt hơn 650 triệu người. Một hiệp ước thương mại tự do, nếu có, sẽ chiếm đến 2/5 tổng lượng giao thương toàn cầu. Nó còn có tiềm năng biến các nước tham gia thành một thị trường độc nhất cho nhiều loại hình kinh doanh khác nhau.

Và điều đặc biệt là TPP được dẫn đầu bởi Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và là quốc gia có lượng giao thương hàng đầu thế giới, cũng là nước xem châu Á-Thái Bình Dương như yếu tố then chốt đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của mình trong tương lai.

3. Các vấn đề chính của TPP là gì?

Thời hạn bảo hộ sinh dược là một trong những vấn đề chính khiến đàm phán TPP lâm vào bế tắc - Ảnh: Reuters

Căng thẳng đã phát sinh giữa các nhà thương thuyết của các nước, đặc biệt là Úc, Canada, Nhật Bản, New Zealand và Mỹ, vì họ không muốn giảm tầm quan trọng của doanh nghiệp trong nước.

Các quan chức tham gia đàm phán cho biết bế tắc chính trong đàm phán TPP chính là thời hạn bảo hộ quyền sáng chế đối với các sản phẩm sinh dược, một nhóm dược liệu được sản xuất từ sinh vật sống.

Mỹ muốn có thời gian bảo hộ dài hơn thời hạn 5 năm thông thường được quy định tại nhiều nước. Tại Mỹ, các công ty dược được bảo hộ sáng chế đến 12 năm trước khi các hãng đối thủ có thể chế ra loại sinh dược tương tự để bán với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia khác, quy định này được cho là quá lâu và quá tốn kém đối với hệ thống y tế công.

Các nước tham gia đàm phán TPP cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm các lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp và công nghiệp, cũng như hoạt động cạnh tranh với khối doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, chi tiết của các vòng đàm phán vẫn không được công khai ra công chúng, mà các nhà thương thuyết sẽ soạn ra một bộ tài liệu cho chính phủ nước họ.

Hiện một vấn đề còn vướng mắc chính là thị trường bơ sữa Canada sẽ mở cửa đến mức độ nào cho các sản phẩm đến từ Úc và New Zealand. Ngoài ra, còn một vấn đề nữa là việc thị trường xe hơi Mỹ, nơi hiện mua linh kiện và xe sản xuất tại Canada và Mexico, sẽ mở cửa đến độ nào cho xe hơi và phụ tùng Nhật Bản được sản xuất ở các nước khác.

4. Ai là những thành viên chủ chốt của TPP?

Mỹ và Nhật Bản được cho là 2 thành viên chủ chốt của TPP - Ảnh: Reuters

Mỹ và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn nhất trong TPP và cũng là 2 thành viên chủ chốt của khối. Nhật là quốc gia duy nhất chưa ký kết bất kỳ hiệp định thương mại tự do (FTA) nào với Washington.

Lý do của việc không có FTA nào giữa nền kinh lớn nhất và lớn thứ 3 thế giới là vì các quy định bảo hộ đối với các ngành chủ chốt.

Mỹ vẫn luôn tìm cách thâm nhập mạnh hơn vào thị trường xe hơi và nông nghiệp của Nhật, bất chấp việc Tokyo thề sẽ làm mọi cách để bảo vệ các sản phẩm “nhạy cảm về mặt chính trị” như thịt bò, thịt heo và gạo. Để đưa ra nhượng bộ, Nhật muốn Mỹ gỡ bỏ thuế đánh vào xe hơi và xe tải nhập khẩu.

5. Trung Quốc nói gì về TPP?

Trung Quốc xem TPP là cách Mỹ đối phố với sự trỗi dậy của nước này - Ảnh: Reuters

Truyền thông và giới chuyên gia phân tích Trung Quốc xem TPP như một nỗ lực của Mỹ dùng để đối phó với sự trỗi dậy của Bắc Kinh tại Thái Bình Dương. Mỹ vẫn luôn bác bỏ lập luận này.

Để đối phó với TPP, Trung Quốc hiện quảng bá cho Khu vực Thương mại Tự do châu Á Thái Bình Dương (FTAAP). Giới phân tích nhận định đây là “chiêu” nhằm đánh lạc hướng chú ý của cộng đồng quốc tế vào TPP của Bắc Kinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.