Kinh tế Việt Nam trên đường “gập ghềnh”

28/05/2013 03:22 GMT+7

Chọn chủ đề “Trên đường gập ghềnh tới tương lai”, Báo cáo thường niên “Kinh tế Việt Nam năm 2013” được Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố sáng 27.5 đã nêu lên một thực tế đáng lo ngại là kinh tế VN đang “tự lựa chọn cho mình một con đường nhỏ bé, gập ghềnh, chậm chạp”.

Theo báo cáo, VN đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được 6 năm, nhưng quãng thời gian này nền kinh tế chỉ đạt tăng trưởng trung bình 5,8%/năm, lạm phát 11,5%, trong khi 6 năm trước đó (2002 - 2007), tăng trưởng trung bình đạt 7,8%, lạm phát chỉ là 7,35%. “Nền kinh tế VN đã và đang trải qua những năm tháng mà nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh đi liền với cải cách kinh tế bị bỏ lỡ…”, báo cáo nêu rõ.

Bẫy tự do thương mại

Một trong 4 nhóm vấn đề chính được nhóm tác giả báo cáo tập trung phân tích là nguy cơ “giải công nghiệp hóa” (tức công nghiệp hóa không thành công) của VN sau khi gia nhập Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Cụ thể, nhu cầu ngày càng lớn về tài nguyên, hàng hóa thô sơ của Trung Quốc đang khiến nhiều nước bị dần hút vào vòng xoáy, buông dần nguồn lực khỏi khu vực sản xuất công nghiệp, khiến đất nước mất dần khả năng cạnh tranh trong dài hạn. Về lâu dài, các nước này sẽ dần lệ thuộc vào vòng xoáy “giải công nghiệp hóa”.

Sự gần gũi về mặt địa lý, giàu tài nguyên và ở trình độ sản xuất thấp hơn Trung Quốc khiến VN cũng đang dần bị hút vào vòng xoáy này. Việc ACFTA loại bỏ thuế suất với 9.000 nhóm hàng khiến xuất khẩu nông sản trong khu vực không còn trở ngại nào. Hàng xuất khẩu của VN sang Trung Quốc vẫn chủ yếu là tài nguyên thô và sơ chế, trong khi lại nhập khẩu về hàng công nghiệp chế tạo, thiết bị linh kiện. Mô hình thương mại Việt -  Trung mang đặc điểm rõ nét của quan hệ thương mại chênh lệch về trình độ phát triển, và VN nằm ở bậc thang thấp hơn, phần nào tác động xấu tới quyết định của các tập đoàn nước ngoài trong việc lựa chọn đặt các nhà máy tại khu vực.

Kinh tế Việt Nam trên đường “gập ghềnh”
Xe tải chở nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị ách tắc kéo dài hàng km do đối tác đột ngột ngừng thu mua - Ảnh: Quang Duẩn

Phản ứng chính sách chậm trễ

TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, đại diện nhóm tác giả cho rằng, cũng tương tự năm 2012, năm 2013 tiếp tục có thêm dư địa chính sách nhờ lạm phát tương đối thấp, nhưng nhiều vấn đề vẫn rất đáng ngại như doanh nghiệp (DN) tiếp tục suy yếu, các giải pháp chính sách không đủ mạnh… cho thấy nền kinh tế vẫn tiếp tục đi ngang. VEPR cũng dự báo 2 kịch bản tăng trưởng GDP mức thấp 5,04% và mức cao là 5,35%, lạm phát cũng ổn định từ 4,95% - 6,64%.

Ủng hộ chính sách kiểm soát vàng của Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN), TS Nguyễn Đức Thành cho rằng nhiều chính sách điều hành tiền tệ đúng đắn, nhưng vấp phải phản ứng nên bị chậm trễ. Tuy nhiên, không hoàn toàn đồng tình với điều này, theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, chính sách vàng hiện nay có điểm tốt là loại vàng đi như một phương tiện thanh toán. “Nhưng giá vàng chênh lệch như vậy có phải ưu điểm không? Phong cho vàng SJC là nhãn hiệu độc quyền, NHNN là nơi quản lý chính sách lại đứng ra trực tiếp đấu thầu có tốt không?”, ông Doanh nói.

 “Con voi” nợ xấu

TS Doanh cũng cho rằng, báo cáo chưa đề cập được vấn đề nổi cộm của nền kinh tế VN, như người Mỹ vẫn thường nói là “con voi trong phòng”. Một trong số “con voi” đó là DN nhà nước nợ đến 1,34 triệu tỉ đồng, các DN tư nhân phá sản và đình chỉ hàng loạt. Đây là lý do ông Doanh lo ngại rằng, nền kinh tế 2013 sẽ còn tiếp tục khó khăn. “Cục nợ 1,34 triệu tỉ đồng sẽ biến đi đâu? Công ty quản lý tài sản với tài sản chỉ 500 tỉ đồng liệu có giải quyết được cục nợ xấu 500.000 tỉ không, trong bao lâu? TS Doanh đặt vấn đề. GS Võ Đại Lược, Giám đốc Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, thì dẫn ra ví dụ, để xử lý nợ xấu năm 1998, Indonesia đã mất tới 50% GDP, và đặt câu hỏi: VN có chịu trả giá như thế không.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, người Mỹ tốn rất nhiều tiền trong 5 năm mới làm cho “tảng băng” nhà đất dần tan trong khi chúng ta đang kỳ vọng quá giản đơn là hạ lãi suất thì “băng” tín dụng có thể tan.

Các tác giả Báo cáo khuyến nghị, về ngắn hạn nền kinh tế phải giải quyết nợ xấu, hồi phục khu vực DN, thị trường bất động sản. Về dài hạn, cần xem xét nghiêm túc mô hình kinh tế vừa qua và sớm định hình mô hình mới. Tuy nhiên, theo TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hàm lượng khuyến nghị chính sách của báo cáo còn hạn chế. Ông Ngoạn cho rằng, báo cáo cần phân tích đánh giá mặt trái các chính sách đang thực thi, tính toán giữa lợi ích và chi phí phải trả. Ví dụ tỷ giá, điểm tích cực của chính sách tỷ giá là ổn định vĩ mô, dự trữ ngoại hối, nhưng đang phải chịu những chi phí nhất định, áp dụng đồng VND cao ảnh hưởng đến sản xuất cũng như xuất khẩu.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông muốn đặt hàng các tác giả nghiên cứu sâu thêm về các vấn đề như tác động thực tế của đầu tư nước ngoài (FDI) với kinh tế VN. "Yếu tố FDI dường như đã lôi VN ra khỏi khủng hoảng kinh tế năm 1997, nhưng điều này có lặp lại trong năm 2012, 2013 không? Qua đó, làm rõ FDI có giá trị đích thực nào, những mục tiêu then chốt đặt ra với thu hút dòng vốn FDI có đạt được không, để tránh những ảo tưởng hoặc bi quan", ông Nghĩa nêu ý kiến.

Chia làm 7 chương, Báo cáo thường niên Kinh tế VN năm 2013 là báo cáo năm thứ 5 liên tiếp của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR (ĐH Quốc gia Hà Nội). Đề cập đến tổng quan kinh tế thế giới, tổng quan kinh tế VN năm 2012, báo cáo phân tích sâu đặc điểm lạm phát VN giai đoạn hậu gia nhập WTO, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại, nguy cơ “giải công nghiệp hóa” của VN sau khi gia nhập Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, sự điều chỉnh của thị trường lao động trong thời kỳ biến động kinh tế và tái cơ cấu, cũng như đưa ra viễn cảnh kinh tế năm 2013 và các khuyến nghị chính sách. Báo cáo dày 400 trang, dự kiến xuất bản vào đầu tháng 7.2013.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.