Tiết kiệm điện thành thói quen: Những chuyện hay tôi kể

Kinh nghiệm xương máu của nghề 'năng nhặt chặt bị'

Trần Văn Minh
(Hà Nội)
23/04/2024 19:10 GMT+7

Tôi là chủ một cơ sở in ấn, bên cạnh máy tính, máy in màu còn có ba chiếc máy photocopy. Đặc điểm của loại máy chuyên dụng này tiêu thụ khá nhiều điện năng. Tùy từng model máy, con số ấy dao động từ 1,5 đến 3 kWh.

Đặc trưng của khí hậu miền Bắc, có giai đoạn thời tiết nồm ẩm. Kiểu thời tiết này thường ảnh hưởng rất lớn đến các thiết bị điện tử, trong đó có máy photocopy. Vào những ngày nồm ẩm, nếu máy ngưng sử dụng quá 24 tiếng, hoặc tắt toàn bộ nguồn điện, thiết bị sấy không hoạt động được thì sáng ra máy rất dễ… bị đơ.

Cơ sở photocopy của tôi luôn ngắt nguồn điện khi đóng cửa

Cơ sở photocopy của tôi luôn ngắt nguồn điện khi đóng cửa

TGCC

Vì vậy nhiều cơ sở, đặc biệt là các cơ quan, doanh nghiệp, người sử dụng thường để máy ở chế độ chờ 24/24; có tắt máy thì cũng không rút phích ra khỏi nguồn điện để điện vào nuôi thanh sấy công suất khoảng 9W có trong mỗi khay giấy. Thanh sấy này có nhiệm vụ làm nóng giấy, tránh giấy bị hút ẩm, vì nếu giấy ẩm, khi sử dụng sẽ kẹt giấy.

Việc để máy chờ như vậy đã trở thành thói quen, nhất là ở các cơ quan, doanh nghiệp, theo đó, khi thời tiết không nồm ẩm, máy vẫn luôn được để chờ xuyên đêm rất tốn điện. Nguồn điện cung cấp cho máy photocopy thường được lấy qua thiết bị ổn áp, kể cả máy không chạy, thì một chiếc ổn áp 1 pha, công suất 25 KVA đến 30 KVA cũng tự ngốn từ 20 đến 23 số điện một tháng.

Để tiết kiệm, ở cơ sở của tôi khi hết giờ làm việc, toàn bộ nguồn điện cung cấp cho cơ sở sẽ bị ngắt cầu dao nguồn. Việc này trước hết nhằm đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ cho cơ sở, sau đó là giảm chi phí phải trả.

Nếu hôm nào thời tiết nồm ẩm, khi đóng nguồn điện lại, tôi sẽ không bật máy photocopy lên ngay, vì nếu bật sử dụng ngay rất dễ bị lỗi, có thể gây đánh lửa ở các chi tiết "nhạy cảm" như cao áp. Trước khi bật máy, tôi sử dụng một chiếc máy sấy tóc, xì khô vào các chi tiết "nhạy cảm" để tránh máy bị ẩm mà đánh lửa, như vậy máy sẽ hoạt động an toàn. Còn với giấy, vào ngày nồm không nên bóc vỏ, nên sử dụng đến đâu, bóc đến đó. Trong mỗi gram giấy đều được bao bọc bằng giấy chống ẩm (có lớp nilon phủ ngoài) nên không ngại giấy bị hút ẩm.

Tuy nhiên, việc ngắt toàn bộ thiết bị điện chỉ được thực hiện từ tối đến sáng. Nếu cơ sở nghỉ dài ngày vào dịp lễ, tết, cần bảo quản máy bằng cách dùng cuộn nilon màng mỏng bọc toàn bộ máy móc, tránh máy hút ẩm và cũng ngăn ngừa chuột bọ chui vào các khoang máy để cắn dây và các bảng mạch bên trong.

Những người làm nghề dịch vụ in ấn, photocopy thường chia sẻ với nhau là nghề "năng nhặt chặt bị". Bởi lẽ, đơn giá một tờ photocopy chỉ từ 200 đồng đến 300 đồng; trong khi có rất nhiều chi phí như mực, giấy, khấu hao, tiền điện, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng... Việc ngắt nguồn để tiết kiệm mỗi tối từ 5 đến 6 số điện (đối với cơ sở nhỏ) và hơn thế đối với cơ sở có nhiều máy sẽ góp phần tiết kiệm điện năng, đảm bảo an toàn cháy nổ và giảm thêm chi phí cho cơ sở.

Mong rằng, với kinh nghiệm nêu trên, ở các văn phòng cơ quan, công sở, nơi có điều kiện tốt hơn về mặt bằng (có phòng ốc khép kín khô ráo), được trang bị điều hòa không khí có tính năng hút ẩm... thì nên từ bỏ thói quen để máy photocopy ở chế độ chờ 24/24. Để như vậy, một số chức năng của máy vẫn hoạt động và vẫn ngốn điện năng tiêu thụ. Khi bật lên, máy vẫn phải làm nóng như khi tắt máy hẳn. Vậy nên, nếu không sử dụng máy thường xuyên trong ngày thì không nên bật chế độ như vậy.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.