Kiểu tố tụng làm ‘teo tóp’ một vụ án buôn lậu vàng cực lớn

02/12/2013 09:00 GMT+7

Hình thành từ biên giới Campuchia, đường dây tội phạm này táo tợn chuyển vàng lậu “như chuyển củi” về TP.HCM trong suốt thời gian dài với số lượng lên đến hàng trăm ký nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm teo tóp để truy tố ra tòa án... cấp huyện.

Hình thành từ biên giới Campuchia, đường dây tội phạm này táo tợn chuyển vàng lậu “như chuyển củi” về TP.HCM trong suốt thời gian dài với số lượng lên đến hàng trăm ký nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm teo tóp để truy tố ra tòa án... cấp huyện.

Kiểu tố tụng làm ‘teo tóp’ một vụ án buôn lậu vàng cực lớn

Kiểu tố tụng làm ‘teo tóp’ một vụ án buôn lậu vàng cực lớn
Bị can Hồng Đức Sanh và chiếc xe chở vàng khi bị bắt - Ảnh: Cộng tác viên

Vụ án được phát hiện vào rạng sáng 4.2.2010, khi Công an H.Châu Thành (Tiền Giang) bắt giữ chiếc ô tô 7 chỗ ngồi hiệu Ford Everest, biển số 67M-2029, đang vận chuyển 92 kg vàng thỏi đi từ An Giang về TP.HCM. Qua điều tra mở rộng, cơ quan điều tra xác định đây là nhóm buôn lậu vàng xuyên biên giới với quy mô cực lớn, có tổ chức chặt chẽ. Chỉ chưa đầy 2 tháng đã đưa vào VN hơn 300 kg vàng dạng thỏi, mỗi thỏi 1 kg.

Buôn vàng lậu như... buôn củi

Theo lời khai của Nguyễn Ngọc Luân (là chủ tiệm cầm đồ Ngọc Anh ở P.Châu Phú A, TP.Châu Đốc) thì các phi vụ buôn vàng lậu bắt đầu từ đầu năm 2010, khi hai mẹ con một phụ nữ từ Campuchia sang làm quen, đặt vấn đề “hợp tác làm ăn” và thỏa thuận chỉ giao dịch qua điện thoại. Địa điểm giao nhận vàng là tiệm cầm đồ Ngọc Anh. Phương thức thanh toán bằng USD. Sau khi nhận vàng, Luân tổ chức đóng gói rồi thuê người mang lên TP.HCM “bỏ mối” sỉ cho các ông trùm kinh doanh vàng tại khu vực Chợ Lớn, như Phạm Tùng Nguyên và Tiêu Khai Phến...; mỗi lần từ 5 đến 35 kg cho mỗi tiệm.

Để chuyển vàng từ Châu Đốc về TP.HCM an toàn, Luân thuê người bà con bên vợ là Lê Văn Don (ngụ H.Tân Châu, An Giang) đi xe đò với giá 1,2 triệu đồng/chuyến và mỗi chuyến mang từ 5 đến 10 kg vàng. Riêng những lúc thị trường vàng trong nước “nhảy múa” thì Luân thuê hẳn xe ô tô riêng để chở Don đi. Cũng có khi Luân trực tiếp mang vàng khối tới một trạm xe khách quen ở TP.Châu Đốc để nhờ “chuyển phát nhanh” về TP.HCM. Vào đêm 3.2.2010, vì là thời điểm cận Tết Nguyên đán nên nhu cầu vàng rất lớn, vì vậy Luân thuê xe chở Don mang 62 kg vàng đi TP.HCM giao cho Phạm Tùng Nguyên và Tiêu Khai Phến. Nhưng khi xe đến địa phận xã Tam Hiệp, H.Châu Thành, Tiền Giang thì bị bắt.

Sáng 4.2.2010, khi hay tin chiếc xe chở vàng đã bị công an bắt, Nguyên và Phến vẫn buộc Luân phải giao đủ số vàng mà họ đã ứng trước tiền. Vậy là Luân cấp tốc liên lạc với đầu nậu ở Campuchia để mua 62 kg vàng khác giao cho Phến và Nguyên. Lần này, đích thân Luân mang 10 kg vàng đến một trạm xe khách ở Châu Đốc gửi đi rồi điện thoại cho Nguyên đến trạm xe ở đường Bà Hom, TP.HCM để nhận. Số vàng còn lại, Luân sai một đàn em đai trong người rồi đi xe đò về TP.HCM giao cho Nguyên tại một tiệm vàng ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3.

Riêng 30 kg vàng của Phến thì Luân chẻ nhỏ ra và cho người mang đi giao cho Phến 3 lần.

Bị bắt và... được tha

Cùng bị bắt trên chuyến xe vàng lậu nói trên còn có khối vàng của Nguyễn Thị Tuyết Vân. Vân là em vợ của Luân, đồng thời là chủ tiệm cầm đồ Tuyết Vân ở TP.Châu Đốc. Học nghề từ ông anh rể, Vân bắt mối với đầu nậu từ Campuchia và thiết lập một đường dây riêng để nhập lậu vàng vào VN. Cũng như Luân, việc giao dịch, thỏa thuận mua bán vàng giữa Vân với đầu nậu từ Campuchia diễn ra trên điện thoại, sau đó có người mang vàng giao tại nhà cho Vân.

Vào đêm 2.2.2010, Vân giao cho Hồng Đức Sanh (ngụ H.Châu Phú, An Giang) 6 kg vàng đi xe đò lên TP.HCM giao cho Tiêu Khai Phến. Cùng lúc, Nguyễn Văn Lợi (ngụ H.Châu Thành, An Giang) cũng tới nhà Vân nhận 6 kg vàng, cho vào bao vải rồi đeo ở thắt lưng đi xe đò lên TP.HCM giao cho một tiệm vàng ở chợ Bình Tiên. Ngày hôm sau, Phạm Tùng Nguyên điện thoại cho Vân đặt mua thêm 20 kg vàng với giá 35.020 USD/kg và trả trước cho Vân hơn 700.000 USD. Cùng ngày, Tiêu Khai Phến cũng đặt mua 10 kg vàng và cũng trả tiền trước. Sau khi điện thoại sang Campuchia mua vàng, đêm đó Vân giao cho Hồng Đức Sanh và Nguyễn Văn Lợi mỗi người đai 15 kg vàng vào người rồi quá giang xe ô tô 67M-2029 (chở vàng cho Nguyễn Ngọc Luân) đi TP.HCM, nhưng tới Tiền Giang thì bị bắt.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Tuyết Vân khai nhận mỗi chuyến mang hàng đi TP.HCM Vân thuê từ 2 đến 4 người, mỗi người đai trong người từ 4 đến 7 kg vàng. Khách hàng chủ yếu của Vân cũng là tiệm vàng Kim Nguyên của Phạm Tùng Nguyên và tiệm vàng Yến Bình của Tiêu Khai Phến. Từ tháng 12.2009 đến khi bị bắt, Vân đã bán cho Nguyên 17 lần với tổng cộng 98 kg vàng, đồng thời bán cho Phến khoảng 20 lần với 104 kg vàng. Cũng như trường hợp của Luân, sau khi chiếc ô tô chở vàng lậu bị sa lưới, Nguyên và Phến điện thoại yêu cầu Vân phải bồi hoàn. Vì vậy, ngay chiều hôm đó Vân đặt mua 30 kg vàng rồi giao cho 2 “cửu vạn” khác đi xe đò về TP.HCM để “đền” cho Nguyên và Phến.

Theo hồ sơ, trước đó Vân từng bị bắt giữ 6 kg vàng tại Châu Đốc nhưng chỉ một tháng sau thì được trả lại. Riêng Luân thì năm 1998 đã từng bị bắt giam 18 tháng vì buôn lậu 5 kg vàng. Nhưng vụ án sau đó bị đình chỉ điều tra và 5 kg vàng cũng được trả lại.

Trong vụ án này cũng vậy. Bị bắt giam một thời gian thì các bị can lần lượt được cho tại ngoại. Đầu tiên là 2 ông trùm Tiêu Khai Phến và Phạm Tùng Nguyên, tiếp theo là 2 anh em Nguyễn Ngọc Luân và Nguyễn Thị Tuyết Vân, cuối cùng là 2 “cửu vạn” Hồng Đức Sanh và Nguyễn Văn Lợi.

Kéo dài và bất nhất

Trên thực tế, ngày 17.2.2011, Viện KSND Tiền Giang đã hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can về tội buôn lậu. Theo đó, chỉ riêng 92 kg vàng bị bắt quả tang có trị giá 64,5 tỉ đồng, gây thất thu thuế nhập khẩu hơn 578 triệu đồng. Ngoài ra từ tháng 10.2009 đến tháng 2.2010, Luân và Vân còn bán cho Phạm Tùng Nguyên và Tiêu Khai Phến tổng cộng 244 kg vàng. Cáo trạng lúc đó cũng xác định các bị can Luân và Vân giữ vai trò chính trong vụ án; Nguyên, Phến và các bị can khác là đồng phạm giúp sức. “Thành tích” của các bị can cũng được xác định rõ là chỉ trong hơn một tháng, riêng hai ông trùm tiêu thụ là Phạm Tùng Nguyên và Tiêu Khai Phến đã mua của Luân và Vân tổng cộng 326 kg vàng nhập lậu...

Thế nhưng, đầu tháng 8.2011, sau khi vụ án được chuyển đến TAND Tiền Giang để xét xử thì tòa án này trả lại hồ sơ yêu cầu Viện KSND tỉnh điều tra bổ sung vì cho rằng “chứng cứ yếu, chưa đủ cơ sở quy kết các bị cáo phạm tội buôn lậu”.

Thế là vụ án kéo dài cho đến tháng 9.2013, Cơ quan CSĐT Công an Tiền Giang mới ra quyết định thay đổi tội danh cho các bị can từ buôn lậu sang kinh doanh trái phép rồi... chuyển về Công an H.Châu Thành điều tra lại.

Cuối cùng thì sau gần 4 năm, vụ án cũng được Viện KSND H.Châu Thành hoàn tất cáo trạng truy tố 7 bị can, gồm: Nguyễn Ngọc Luân, Nguyễn Thị Tuyết Vân, Phạm Tùng Nguyên, Tiêu Khai Phến, Hồng Đức Sanh, Lê Văn Don và Nguyễn Văn Lợi. Nhưng cũng quay về tội danh đầu tiên là... buôn lậu.

“Cho tại ngoại là chưa đúng”

Trả lời chất vấn của các đại biểu tại cuộc họp HĐND tỉnh Tiền Giang ngày 25.8.2011, ông Huỳnh Dũng Tiến, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, giải thích: “Việc cho bảo lãnh được thực hiện theo từng giai đoạn tố tụng. Trong vụ án này, cơ quan điều tra cho bảo lãnh 2 bị can và Viện KSND tỉnh cho bảo lãnh 2 bị can”. Cụ thể, ngày 31.1 và 2.2.2011 Viện KSND tỉnh ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với 2 bị can Nguyễn Ngọc Luân và Nguyễn Thị Tuyết Vân với lý do “xét thấy bị can Luân và Vân có nơi cư trú rõ ràng và gia đình có đơn bảo lãnh”. Về dư luận nghi ngờ vụ án bị “chìm xuồng”, ông Tiến nói: “Với trách nhiệm là cơ quan thực hành quyền công tố, chúng tôi sẽ kiên quyết làm rõ hành vi phạm tội của các bị can để truy tố trước pháp luật”. Lúc đó, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Chánh thanh tra tỉnh Tiền Giang) phát biểu: “Theo khoản 1, điều 88 bộ luật Tố tụng hình sự thì tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nếu không đến mức bệnh hiểm nghèo thì không thể cho tại ngoại. Theo tôi, việc cho tại ngoại là chưa đúng”.

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.