Tình người Việt trong lũ ở Thái Lan

28/11/2011 06:34 GMT+7

Tinh thần tương trợ của người Việt không bao giờ ngừng phát huy dẫu trên đất khách. Kiều bào ở Thái Lan luôn nghĩ về nhau trong cơn hoạn nạn.

Tinh thần tương trợ của người Việt không bao giờ ngừng phát huy dẫu trên đất khách. Kiều bào ở Thái Lan luôn nghĩ về nhau trong cơn hoạn nạn.

Tuy nước đang rút dần ở Thái Lan nhưng cuộc sống của người dân vẫn còn rất khó khăn, thiếu thốn và nhiều Việt kiều vẫn đang tất bật những chuyến cứu trợ đồng bào đã và đang gánh chịu hậu quả của đợt lũ kinh hoàng.

Lòng người Việt

Cột 3 chiếc thuyền nhựa lên xe krapa (loại xe tải nhỏ phổ biến ở Thái Lan), anh Tỏi cùng 6 đồng hương trực chỉ huyện Thawi Wattana, một trong những nơi ngập nặng nhất ở thủ đô Bangkok và có nhiều kiều bào sinh sống. Nói là đi xe nhưng kỳ thực thuyền mới là phương tiện chính của đoàn khi di chuyển trong Thawi Wattana. Toàn bộ huyện chìm dưới mực nước đến 1m và mọi con đường, khu phố đều trở thành sông.

Không ai trong đoàn biết chính xác nhà của những người Việt ở Thawi Wattana. Dẫu có biết thì tìm đường giữa mênh mông biển nước cũng vô cùng khó khăn. Có lẽ vì vậy mà hành trình của đoàn cứu trợ vất vả hơn, đó là chưa kể những lúc phải vác thuyền, đồ đạc qua cầu vượt, vốn nhiều không thua các ngã tư ở trung tâm TP.HCM.

Anh Tỏi cho biết người Việt sống rải rác trong và ngoài Bangkok. Họ bị lũ cô lập trong nhiều tuần lễ liền nên rất cần giúp đỡ. “Trong hoàn cảnh này thì một chai nước cũng rất quý đối với họ”, anh Tỏi nói. Anh kể khi đưa ra đề nghị cứu trợ, nhiều kiều bào hưởng ứng rất tích cực, thậm chí tình nguyện cùng tham gia với đoàn.

Khởi hành từ sáng nhưng đến trưa, đoàn cứu trợ vẫn chưa ghé vào được gia đình nào. Phần vì lạ đường, phần vì không tìm được hướng đi khi nhìn đâu cũng toàn là nước. Sợ trễ, đoàn tách làm 2 nhóm theo 2 hướng khác nhau. Vì lôi kéo, khiêng vác thường xuyên nên một chiếc thuyền của chúng tôi bị thủng, khiến hành trình càng thêm vất vả. Mác, 15 tuổi, con trai của anh Tỏi mệt và đói nhưng vẫn tỏ ra kiên cường. Anh Tỏi mang theo con trai vì muốn dạy cho con bài học tinh thần yêu thương đồng bào. Đó là bài học quý giá mà bất kỳ người Việt nào ở Thái Lan cũng muốn truyền dạy cho con cháu. “Con không mệt, trái lại rất thích chuyến đi này”, Mác nói bằng tiếng Thái rất vô tư trong khi tay vẫn tát nước ra khỏi con thuyền đầy nước vì lỗ thủng khá lớn.

Cuối cùng nhóm chúng tôi cũng đến được nhà anh Trường ở khu Kanchanapisek, cách trung tâm Bangkok hơn 40 km. Gia đình anh vừa dọn đến khu vực này chưa được bao lâu thì bị lũ. Nước vào trong nhà ngập quá hông người. Anh Trường phải tiếp mọi người ngoài cửa vì trong nhà chả có chỗ nào khô ráo để đứng nói chi đến chỗ ngồi. Anh Tỏi đại diện đồng hương trao quà cứu trợ bao gồm nước đóng chai, bánh tét, thịt, gạo, rau. Lúc này, trời đã gần tối và mọi người vừa mệt vừa đói. Anh Tỏi quyết định đến một gia đình nữa gần đó rồi quay về bởi trời tối không đèn đường, không người hướng dẫn sẽ rất nguy hiểm, nhất là khi một chiếc thuyền của chúng tôi bị thủng.


Vác thuyền qua cầu - Ảnh: Minh Quang
 

Đến Nontha Buri

Chuyến cứu trợ thứ hai của nhóm anh Tỏi tìm đến tỉnh Nontha Buri, tiếp giáp Bangkok. Đây là một trong những tỉnh bị lũ nặng nề nhất ở Thái Lan và cũng tập trung nhiều kiều bào sinh sống. Rất may ngày chúng tôi đến, nước đã rút bớt. Vì vậy chiếc krapa trở nên hữu dụng, tuy nhiên ở một vài đoạn, cả nhóm phải sử dụng thuyền để vào bên trong khu dân cư.

Bang Bua Thong được ví là điểm chết của Nontha Buri vì chả còn chỗ nào trong huyện này khô ráo, hầu hết đều ngập từ 1-2m. Nhiều gia đình đã di tản nhưng cũng còn nhiều người ở lại để trông nom nhà cửa, tài sản. Anh Phan Bá Phúc, một Việt kiều sinh ra và lớn lên ở đông bắc Thái Lan, cho biết vợ con anh đã sơ tán, chỉ còn anh ở lại trông nhà và xưởng gỗ của gia đình. Rất xúc động khi thấy đoàn cứu trợ người Việt đến thăm, anh Phúc nói cảm thấy an ủi phần nào khi nhận hàng cứu trợ từ những người đồng hương. “Kỳ thực chính quyền địa phương cũng hỗ trợ nhưng khi nhìn thấy anh em kiều bào đến thăm, tôi thực sự xúc động”, anh chia sẻ. Anh Phúc tâm sự hàng cứu trợ dù có giá trị nhỏ và gia đình anh không đến mức túng thiếu nhưng nó chứa đựng tấm lòng tương thân tương ái rất quý của người Việt.

Chuyến lần này mọi người đỡ vất vả hơn vì không phải khiêng vác thuyền nhiều như chuyến đầu. Tuy nhiên, mọi người cũng lo lắng do chiếc krapa không đủ cao nên nước vẫn tràn vào. Lỡ nước vào nhiều quá làm chết máy thì coi như bị bỏ rơi giữa biển nước mênh mông. Rất may là không có gì xảy ra. Trở về Bangkok trước khi trời tối, mọi người không quên hẹn nhau chuyến cứu trợ tiếp theo. Cùng tham gia một vài chuyến tiếp sức của kiều bào người Việt tại Thái Lan, tôi rất cảm động trước tinh thần đùm bọc lẫn nhau của mọi người. Người Việt ở Thái Lan thường xuyên gắn kết và giúp nhau trong hoạn nạn, kể cả giúp đỡ đồng bào tại quê nhà bị lũ lụt trong những năm trước.

Minh Quang
(VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.