Người miệt mài gieo những niềm vui

01/11/2009 00:07 GMT+7

Cả tuần “cày” không ngơi nghỉ: từ thứ hai đến thứ sáu là để lo cho bản thân và gia đình; còn thứ bảy và chủ nhật dành dụm cho những chuyến trở về Việt Nam làm từ thiện.

Đó là lịch làm việc kín mít của ông Lê Thanh Tòng, Giám đốc Công ty Tong Le P.E Inc.  ở tiểu bang Florida, miền Đông Nam nước Mỹ.

Khá khó khăn để ông Tòng bộc bạch về bản thân mình. Bởi, ông có vẻ rất thích câu nói của Pascal: “Cái tôi là đáng ghét” (Le moi est haissable). Tôi biết ông nhiều năm nay, qua những lần ông tài trợ cho trẻ nhiễm HIV thuộc nhóm Nụ Cười (TP.HCM) có những chuyến đi chơi xa. Những lần đó, ông theo sát, cùng ăn, cùng đùa vui với trẻ. Ông còn tặng quà, học bổng giúp trẻ không bỏ học và chia sẻ phần nào khó khăn với gia đình các em.

Có người gợi ý: “Sao ông không quy hết ra tiền để tặng cho trẻ, đỡ mất thời gian chạy theo các em? Và cũng đỡ mất công giải thích, thuyết phục nhân viên ở một số khu du lịch hay làm khó dễ khi nghe có trẻ nhiễm HIV đến tham quan?...”. Nhưng, ông Tòng cương quyết: “Nhóm trẻ này đã chịu nhiều bất hạnh, ít có cơ hội vui chơi. Mỗi lần được đi như vậy, tôi thấy các cháu vui lắm”. Chị Tâm (trú tại Q.Gò Vấp, TP.HCM) - một người nhiễm HIV, mấy năm nay tình nguyện nhận nuôi dưỡng nhiều đứa trẻ đồng cảnh ngộ - cảm kích: “Mỗi lần anh Tòng về nước, các con tôi được dịp vui chơi thỏa thích. Anh Tòng và những người tốt bụng đã giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần cho mẹ con tôi rất nhiều”. 

“Sau mỗi trận đấu trên võ đài hay trong sân cỏ…, đều có kẻ thắng người thua. Tức là, sẽ có người vui và kẻ buồn. Còn làm từ thiện thì ai cũng đều vui cả!”. Với quan niệm đó, suốt 20 năm nay, ông Lê Thanh Tòng thường xuyên trở về Việt Nam, trung bình 2 - 3 chuyến/năm. Mỗi lần như vậy, ông giúp hàng trăm triệu đồng cho người nghèo.

Trước giải phóng, ông Tòng tốt nghiệp chương trình đào tạo kỹ sư công chánh tại Sài Gòn. Năm 1975, ông sang Pháp theo dạng sum họp vợ chồng (vợ ông là người Pháp). Ở Paris, ông được một công ty lớn 3 lần cử đi Iraq nhằm tư vấn về các dự án xây dựng, cầu đường. Sau đó, gia đình ông chuyển đến Mỹ sinh sống. Ông tiếp tục làm việc trong một công ty tư vấn công trình suốt 5 năm trước khi mở công ty riêng vào năm 1983 tại tiểu bang Florida.

Hơn 20 năm nay, ông Tòng thường trở về quê hương làm từ thiện. Ông cũng hướng ba đứa con ông (hai bác sĩ, một luật sư) tham gia những hoạt động này. Trong đó, người con đầu là Christian Le - bác sĩ, giám đốc một bệnh viện ở Mỹ - hay theo ông về Việt Nam. Ông Tòng cho biết, từ năm 2001, ông đặc biệt gắn bó với mảng công tác xã hội của Báo Thanh Niên. “Tôi đặt lòng tin vào Báo Thanh Niên. Đây là tờ báo trung thực, tiến bộ, đăng những tin tức có lợi cho cộng đồng. Lần nào về tôi cũng thông qua báo làm từ thiện” - ông Tòng nhận xét.

Bước chân của ông in dấu trên nhiều vùng quê, nhất là ở Tây Nguyên, miền Trung và miền Tây Nam Bộ. Ông tặng xe lăn cho người khuyết tật; tài trợ để bệnh nhân nghèo mổ mắt; trao xe đạp, học bổng cho học trò vùng sâu; tặng chăn màn cho đồng bào vùng cao mùa giá lạnh; mang niềm vui đến với nhiều trẻ nhiễm HIV... Trong rất nhiều cảnh đời và phận người đã gặp trên đường thiên lý, ông nhớ nhiều cái lần trở về thăm một ngôi trường tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, quê hương của ông. Tận mắt chứng kiến những học sinh cứ đứng lấp ló ở bụi cây để tiểu tiện, ông nhanh chóng hỗ trợ xây nhà vệ sinh trong trường học cho các em.

 
Ông Tòng (bìa trái) trò chuyện với bệnh nhân mắt tại Bến Tre - Ảnh: Phan Bá Chức

Cách làm từ thiện của ông Tòng rất rạch ròi: đến tận nơi - trao đúng người và luôn muốn tặng những người nghèo “chiếc cần câu” hơn là “con cá”. Ông luôn đòi hỏi sự minh bạch ở những người hợp tác với mình. Con người đầy lòng nhân ái này chia sẻ: “Tôi không đồng ý với suy nghĩ làm phước là để đức lại cho con. Theo tôi, đấy là mưu tính cho bản thân chứ không phải làm cho người khác”.

Gần đây, sau cái chết của vợ chồng người em gái, ông Tòng càng cảm nhận sự vô thường, hữu hạn của kiếp người và giá trị mỗi ngày được sống. “Trước khi mất, em gái tôi ủy thác cho tôi nhiều điều mà cô ấy chưa kịp làm. Mỗi lần về Việt Nam làm một chuyện gì đó tốt đẹp, tôi đều tưởng nhớ đến em và ước nguyện của cô ấy”. Nói rồi, ông trầm giọng đọc hai câu thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên:

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Với ông, mỗi lần trở về quê hương là một “ân huệ lớn”. 

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.