Cạnh tranh thời hậu chợ Vòm

27/08/2009 11:36 GMT+7

Chợ Vòm chỉ còn lưu giữ trong tiềm thức của những người ngoại quốc và VN buôn bán tại Nga như là một kỷ niệm buồn, bởi mối lo bây giờ đang tập trung vào sự cạnh tranh mới xem ra còn có phần khốc liệt hơn.

Dấu chấm hết đã đặt ra cho chợ Cherkizovky (chợ Vòm) - một trung tâm thương mại (TTTM) được coi là lớn vào bậc nhất thế giới nếu tính về số lượng con người, diện tích, sự đồ sộ, khối lượng hàng hóa và dĩ nhiên là cả lượng USD thu nhập mỗi ngày - kể từ thời điểm "ngày đen tối" 29.6.2009.

Từ đây, chợ Vòm chỉ còn lưu giữ trong tiềm thức của những người ngoại quốc và VN buôn bán tại Nga như là một kỷ niệm buồn, bởi mối lo bây giờ đang tập trung vào sự cạnh tranh mới xem ra còn có phần khốc liệt hơn.

Chạy đua chuyển chợ

Khi trang sử không vui đã khép lại, trên thực tế chợ Vòm đóng cửa vĩnh viễn cũng là một điều tất yếu do đã không tuân thủ đúng các thủ tục luật pháp.

Có nhiều lý do chính về việc này. Một là việc thuê đất trên một diện rộng sai nguyên tắc nhà nước quy định. Hai là hàng hóa độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không đúng yêu cầu vệ sinh dịch tễ. Ba là hàng hóa nhập lậu, hàng nhái, hàng giả vi phạm quy chuẩn quốc tế, cụ thể số hàng hóa lớn bị tịch thu lên đến 2 tỉ USD. Bốn là đã để xảy ra các tệ nạn ma túy, mại dâm (đã xuất hiện không ít nạn nhân nhiễm HIV), rửa tiền, đánh bạc...

Năm là để ảnh hưởng môi trường sinh thái của cư dân quanh vùng, thường xuyên gây tắc nghẽn giao thông. Sáu là trở thành một nguyên nhân gây tác động ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế Nga, mà cụ thể là sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng Trung Quốc nhập không rõ nguồn gốc được cho là đã làm tê liệt hàng nội địa của Nga, khiến Nhà nước Nga dù đã chi khoảng 2 tỉ USD đầu tư cho công nghiệp nhẹ từ thập niên 1990, nhưng vẫn thua thiệt nặng nề.

Không phải ngẫu nhiên mà một quan chức Nga đã nhận định, rằng: "Chợ Cherkizovsky là một quốc gia tội phạm trong một quốc gia". Tại đây dường như có cả hệ thống "chính quyền, thuế vụ, hải quan, cảnh sát, bảo kê" riêng phục vụ cho những ông chủ cá mập. Rõ ràng là khu chợ này cần phải bị xử lý kiên quyết và càng nhanh càng tốt theo đúng trình tự pháp luật.

Vào thời kỳ hậu chợ Vòm này, mật độ chợ tập trung trước đây nay chuyển sang rải rác ra cả các chợ nội thành và ngoài đường vành đai (MKAD). Điển hình có các khu chợ lớn không kém chợ Vòm cũ là mấy, dù còn xa mới đạt được quy mô lớn như vậy, gồm: Mátxcơva (được bà con người Việt Nam ta gọi theo tên ga xe điện ngầm là Liubliun); Luznhiki (chợ Sân Vận Động, nằm tại ga xe điện ngầm Xporchitxkaia và trên thực tế đã tồn tại từ những năm đầu thập niên 1990 vào thời kỳ nước Nga bắt đầu cải tổ); Emeral nằm tại km 25 MKAD; Sadovot (chợ Chim).

Đáng chú ý là sự khốc liệt lại nổi lên bởi tính chất cạnh tranh do cầu không đủ cung. Nguyên nhân chính được cho là do các tiểu thương người Trung Quốc với nguồn vốn rất mạnh, đã đẩy dạt các chủ hàng người địa phương vốn làm ăn từ lâu tại đây ra. Đơn cử một ví dụ là giá cả nay tăng đột biến đến chóng mặt, điều chưa từng xảy ra ngay cả tại chợ Vòm.

Tại chợ Mátxcơva, để vào được quầy phải đặt mức tiền cọc kỷ lục từ 500.000 đến 1 triệu rúp/tháng (33.000USD), nhưng các chủ hàng lớn vẫn phải chấp nhận cuộc chơi bởi hàng hóa của họ quá lớn, trị giá tới hàng chục triệu USD nên không thể không nhập cuộc.

Các chủ hàng người VN ta có khả năng cũng phải nghiến răng móc hầu bao "chiến đấu". Chỉ các chủ nhỏ lưng vốn cọc cạch đành bấm bụng vào chợ bé, hoặc giải quyết xong hàng tồn lấy ra từ chợ Vòm là rút lui không kèn không trống về VN xả "xìtrét" chờ cơ hội, bí nữa thì đành chung thân ở các chốn chợ thành phố xa.
 
Vậy nhưng, nay chợ Mátxcơva lại cũng trở thành tâm điểm phức tạp bởi vấn nạn gây tắc nghẽn giao thông, khiến một lần nữa người dân địa phương vùng này lại bắt đầu lên tiếng kêu ca phàn nàn. Chưa hết, mới đây chính quyền quận Liubliun đã cảnh báo không để xảy ra tình trạng "Cherkizovsky 2!".

Thực tế cho thấy, chợ Mátxcơva với diện tích 175.000 mét vuông, từ tiêu chí chợ bán lẻ bao năm qua, nay với biến động mới đã trở thành chợ bán buôn lấy sỉ ("ốp tôm" theo nghĩa tiếng Nga). Điều này dĩ nhiên có lợi cho chủ chợ - những con cá mập không biết chê tiền. Mấy "anh hàng xóm" Luznhiki, Sadovot tuy có kém cạnh hơn, nhưng cũng rủng rỉnh hầu bao so với thời kỳ chợ Vòm còn làm bá chủ thiên hạ.

Xu hướng chung của các chủ hàng bán buôn Trung Quốc và VN là định cư ở chợ Mátxcơva nhiều hơn, vì tại hai chợ Luznhiki và Sadovot người Trung Quốc và VN không được phép bán hàng. Do vậy muốn tồn tại ở đó, họ phải thuê người địa phương đứng tên quầy để bán hàng, còn bản thân thì đành "rong chơi" chờ chiều đến tính toán lỗ lãi.

Riêng "anh" Emeral thì khác, với ưu thế địa bàn có sẵn lại nằm ngoài đường vành đai, nên ngay từ những ngày đầu khủng hoảng chợ Vòm, chợ này đã khởi sắc rõ rệt. Nhịp độ xây dựng chợ đang rất khẩn trương nhằm đáp ứng nhu cầu.
 
Tuy nhiên, nhiều người hiểu biết cho rằng, nếu các ông chủ người địa phương (gốc Do Thái) này biết tính toán như tạo ra những bãi đáp lớn cho xe tuyến đường dài, nhanh chóng đặt một bến xe buýt ngay trước cửa chợ cho dân địa phương thuận tiện đi lại, giảm giá vừa phải cho dân chợ Vòm về bán buôn vì vừa trải qua cuộc bể dâu... thay vì xây dựng quá nhiều nhà cửa, thì chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn. Dẫu sao, nhìn về lâu dài thì Emeral vẫn là điểm đến hấp dẫn và có nhiều ưu thế.

Sân chơi hợp pháp

Câu hỏi về một TTTM đúng nghĩa đối với những người buôn bán Trung Quốc tại đây có vẻ không khó lắm, vì quyền lợi thiết thực của họ tại thị trường Nga rất được chính phủ trong nước quan tâm. Phái đoàn Trung Quốc vừa sang Nga cũng đã đặt vấn đề với chính quyền Mátxcơva, nhằm đi đến những thỏa thuận tìm vị trí đặt chỗ xây dựng TTTM mới.

Còn với bà con người VN ta tại Mátxcơva, thì trước đây cũng đã đặt nhiều hy vọng vào TTTM Hà Nội định vị tại ngoại ô, nằm trên đường vành đai từ mấy năm qua. Nhưng nay xem ra hy vọng đó ngày càng "cuốn theo chiều gió".

Hiện tại, bà con ta ở Mátxcơva đang dựa vào một số chợ còn lại như Mekong Emeral, Sông Hồng Mới, Ba Nhà Ga, ASEAN cả thành lập đã lâu và mới ra đời. Ngoài ra còn có một số chợ lẻ ở các ga xe điện ngầm khác như Petrovsk, Razumovxkaia, Pratskaia... do một số ông chủ người VN đứng ra hoặc hợp tác với người Nga quản lý. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề nan giải, nhất là nếu chính quyền lại đưa ra "biện pháp mạnh" nào đó thì chưa biết tương lai sẽ ra sao.

Là những người trong cuộc, chúng tôi cùng chia sẻ mong muốn chung của bà con mình; đó là muốn có sự từ cả từ phía Nhà nước ta với cộng đồng người VN ở đây, để cùng tạo dựng nên một "sân chơi hợp pháp" cho người VN tại Nga. Được như vậy, chắc chắn sự ủng hộ sẽ rất lớn.

Không thể phủ nhận một điều rất rõ ràng rằng, trong thời kỳ cải tổ trước đây, nước Nga đã tạo điều kiện vô cùng dễ dàng cho biết bao tiểu thương nước ngoài đến làm giàu trên đất nước mình. Tuy trong cộng đồng cũng có những "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng đa số bà con người VN ở Nga sống và làm ăn hợp pháp và đều rất nặng lòng với xứ sở bạch dương.

Nay trước biến động, nhiều người VN ở đây chưa thể tự mình vượt qua khó khăn trắc trở và đang rất cần được quan tâm giúp đỡ hơn. Chúng tôi đã trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với nhiều bà con ta đã và đang buôn bán ở Nga, họ cũng cùng chia sẻ quan điểm trên.

Anh chị Toàn, Thoa sang Nga du lịch rồi ở lại buôn bán từ năm 1998, bộc bạch: "Nhờ làm ăn thuận lợi ở Nga trước đây mà chúng tôi có thể nuôi con cái học hành tử tế, kinh tế gia đình cũng được cải thiện đáng kể. Bây giờ dù khó khăn vẫn muốn bám trụ ở lại đây vì đã quen đất, quen người và quen cả cung cách làm ăn".

Đó cũng có thể coi là nguyện vọng chung của đa số cộng đồng người VN đã làm ăn buôn bán lâu năm ở Nga.

Theo Võ Hoài Nam / Báo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.