Kiên trì học nghề chuyên sâu để có việc làm, thu nhập bền vững

06/05/2023 09:00 GMT+7

Thanh niên tham gia thị trường lao động, đa số đều có tâm lý học những nghề có thời gian đào tạo ngắn hạn để sớm đi làm, kiếm tiền nhanh.

Thế nhưng theo các chuyên gia, chỉ có kiên trì học tập để có một nghề nghiệp chuyên sâu, có trình độ, chuyên môn vững vàng thì mới đảm bảo có việc làm và thu nhập bền vững.

Đó là thông điệp được các chuyên gia nhắn gửi đến thanh niên tại "Diễn đàn chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023", do Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, và Bộ LĐ-TB-XH phối hợp tổ chức ngày 5.5. Diễn đàn diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 67 điểm cầu trên phạm vi toàn quốc.

Anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN; ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội; và ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, đồng chủ trì diễn đàn.

Kiên trì học nghề chuyên sâu để có việc làm, thu nhập bền vững - Ảnh 1.

Anh Bùi Quang Huy khẳng định sẽ chuyển kiến nghị của thanh niên về các chính sách nghề nghiệp, việc làm đến các cơ quan chức năng

Lâm Hải

ĐỪNG ĐỂ CỨ HẾT TUỔI THANH NIÊN LÀ BỊ SA THẢI !

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động VN, cho biết đơn vị này vừa có chuyến khảo sát ở 3 tỉnh miền Trung và miền Nam, kết quả cho thấy thực trạng công nhân mà phần lớn là lao động nằm trong độ tuổi thanh niên mất việc làm, bị giảm giờ làm… rất cao và đáng lo ngại. Thực tế cũng phát hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài che giấu về tình trạng giảm tiền lương, giảm việc làm… không đưa vào báo cáo gửi đến các cơ quan chức năng.

Theo ông Tiến, các chính sách hiện nay phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại, công nhân có việc làm thì mới có thu nhập bền vững.

Nhìn nhận ở một góc độ khác, chị Nguyễn Thị Huyền Minh, Trưởng phòng Tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động, Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Bắc Ninh, bày tỏ băn khoăn thực tế thanh niên tham gia thị trường lao động rất sớm. Chỉ cần tốt nghiệp THPT, nhiều bạn đã vào làm việc trong các khu công nghiệp nhưng doanh nghiệp ở đây chỉ sử dụng lao động trong thời gian nhất định. "Nhiều thanh niên sau thời gian làm việc ở các khu công nghiệp sau khi bị sa thải lại phải loay hoay tìm việc hoặc đi học nghề để làm lại từ đầu", chị Huyền cho biết.

Thanh niên hãy mạnh dạn khởi nghiệp

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), ở các khu công nghiệp hiện nay, người lao động cứ đến 30 - 35 tuổi là phải nghỉ việc, mất việc làm. Do một bộ phận lao động tự nguyện chuyển đổi nghề nghiệp để tìm sự ổn định, chăm lo cho gia đình; và cũng có phần doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng. Nhưng cũng ở độ tuổi này, nhiều thanh niên khởi nghiệp, kinh doanh từ khi còn ngồi trên nhà trường đã tạo dựng nên những doanh nghiệp, thương hiệu lớn. "Tôi mong muốn bên cạnh nhiều kiến thức lập nghiệp hiện nay thì thanh niên chọn con đường trở thành doanh nhân và hãy mạnh dạn để khởi nghiệp. Các bạn khởi nghiệp hiện nay không còn đơn độc khi đã có nhiều cộng đồng khởi nghiệp. VCCI sẵn sàng hỗ trợ các bạn thanh niên khởi nghiệp", ông Phòng nói.

Phản hồi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho rằng có một thực tế lao động ở các khu công nghiệp hiện nay cứ hết độ tuổi thanh niên sẽ bị sa thải. Điều này cũng có nguyên nhân từ tâm lý chung của thanh niên là ngại học nghề, chỉ muốn học nghề nào ngắn hạn qua vài tháng đào tạo.

"Tâm lý của nhiều thanh niên là muốn kiếm tiền trước nhưng nếu kiên trì học trước, bỏ ra 1 - 2 năm để học nghề chuyên sâu thì sau đó đi làm mới có việc làm, thu nhập bền vững được. Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, thanh niên phải biết tận dụng, kiên trì và có quyết tâm cao để học nghề", ông Thanh nói.

Kiên trì học nghề chuyên sâu để có việc làm, thu nhập bền vững - Ảnh 3.

Đại biểu thanh niên đặt câu hỏi tại diễn đàn

LÂM HẢI

HỖ TRỢ, TRANG BỊ KỸ NĂNG THAM GIA NỀN KINH TẾ SỐ

Chia sẻ tại diễn đàn, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hà, đại diện Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại VN, cho rằng xu hướng phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế số mà VN đang bắt nhịp rất nhanh nhạy với xu hướng chung của thế giới sẽ tạo ra nhiều việc làm mới.

Theo đó, các chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm cho thanh niên trong thời đại công nghiệp 4.0 quan trọng là trang bị cho họ những bộ kỹ năng để có đủ năng lực thích ứng tham gia thị trường lao động mới này. Về phía mình, để tìm kiếm cơ hội việc làm ở thị trường lao động trong nền kinh tế xanh, kinh tế số, bản thân thanh niên phải chủ động, tích cực học hỏi, trang bị các kỹ năng mới.

Còn theo ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, diễn đàn hôm qua là dịp để nhìn nhận lại thanh niên VN đang ở đâu trong một thị trường có nhiều biến chuyển, rất nhiều thách thức. Thanh niên phải xác định thị trường lao động hiện nay đòi hỏi rất nhiều yếu tố, chứ không chỉ là chuyển đổi số, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm ở trong nước và ngoài nước…

Đặc biệt, ông Đinh Ngọc Quý thẳng thắn nhấn mạnh thanh niên VN ngoài những phẩm chất tốt đẹp như nhiệt huyết, xung kích, cống hiến… đã được xã hội ghi nhận thì đã đến lúc phải thẳng thắn nhìn lại mình để biết trình độ chúng ta đang ở đâu. Khi chỉ số kỹ năng số của lao động VN, theo đánh giá của quốc tế, gần như cuối bảng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong số 600.000 người lao động VN đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức, trong đó 80% là lao động đến từ khu vực nông thôn, trình độ cao đẳng, đại học rất ít; chủ yếu là trình độ THCS, THPT dạy nghề ngắn hạn, rất ít lao động trình độ cao. Ngoài ra, trong số 26 - 27% lao động thanh niên có tay nghề, được đào tạo thì hơn một nửa có trình độ cao đẳng, đại học; còn lại toàn bộ là sơ cấp, trung cấp.

Kiên trì học nghề chuyên sâu để có việc làm, thu nhập bền vững - Ảnh 4.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hà, đại diện Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại VN chia sẻ tại diễn đàn

LÂM HẢI

"Mỗi thanh niên phải nhìn nhận lại để thấy rằng mình sẽ đáp ứng thế nào đối với thị trường lao động ngày nay cũng là đáp ứng với tương lai của chính mình", ông Quý nói và cho rằng: "Diễn đàn này là cơ hội để đánh giá toàn bộ lại tổ chức của mình về mặt dữ liệu, cung cấp thông tin, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên để họ tiếp cận thông tin về đòi hỏi, yêu cầu của thị trường lao động và để chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào một thị trường lao động rất khác so với 5 - 10 năm trước đây".

Kết luận hội nghị, anh Bùi Quang Huy nhận định diễn đàn đã được nghe nhiều ý kiến tâm huyết, nhiều thông tin bổ ích, nhiều kiến nghị xác đáng về các vấn đề liên quan đến chính sách về việc làm cho thanh niên. Thanh niên luôn là lực lượng lao động giữ vị trí to lớn trong các hoạt động sản xuất, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước. Nhà nước ngày càng hoàn thiện các chính sách về việc làm cho thanh niên và tại diễn đàn, ban tổ chức đã ghi nhận nhiều ý kiến, câu hỏi của thanh niên và trao đổi, thông tin của các bộ, ngành về 3 nhóm vấn đề: xu hướng việc làm của thanh niên trong tình hình mới; kiến nghị của thanh niên liên quan đến quá trình thực thi chính sách việc làm; đề xuất, góp ý từ các chuyên gia về những vấn đề liên quan đến chính sách việc làm bền vững cho thanh niên…

"Ngay sau diễn đàn này, ban tổ chức sẽ tổng hợp đầy đủ các vấn đề, các câu hỏi và kiến nghị chính đáng của thanh niên gửi đến các bộ, ngành giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật", anh Huy khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.