Kiểm chứng bằng thực tế

15/02/2012 03:48 GMT+7

Tại sao không bay thử để có thể đánh giá đầy đủ và chính xác “đường bay thẳng” có lợi hay không, thay vì cứ ngồi tranh cãi kéo dài, đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên số ra ngày 14.2 đăng bài Tranh cãi kéo dài về “đường bay thẳng”: Bay thử biết ngay!

Tại sao không bay thử để có thể đánh giá đầy đủ và chính xác “đường bay thẳng” có lợi hay không, thay vì cứ ngồi tranh cãi kéo dài, đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên số ra ngày 14.2 đăng bài Tranh cãi kéo dài về “đường bay thẳng”: Bay thử biết ngay!

Nên bay thử

Là một trí thức trẻ và là khách hàng thường xuyên của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, tôi tán đồng với việc tổ chức bay thử. Phải hành động thực tiễn thay vì tranh cãi, chúng ta chi hàng trăm triệu USD để nghiên cứu đề tài này đề tài nọ nhưng kết quả nhiều cái còn chung chung, thiếu thực tiễn.

Muốn nước mình mạnh, cần phải hành động, dám đổi mới, dám thử thách. Tôi nghĩ nên tổ chức bay thử vài chuyến, nếu như không hiệu quả, người đề xuất phải trả chi phí cho việc kém hiệu quả đó, nếu hiệu quả thì thưởng cho họ tương xứng với trách nhiệm và công lao họ đã bỏ ra. Tân Phong (ltanphong@yahoo.com.vn)

Cân nhắc kỹ

Tuy không phải chuyên môn về hàng không nhưng tôi cũng rất thông cảm với ngành hàng không vì sao phản bác ý tưởng “đường bay thẳng”. Ai cũng biết rằng bay thẳng thì ngắn hơn bay vòng, nhưng các chuyên gia đã nói rất có lý vì việc thực hiện một chuyến bay không đơn giản như dùng thước kẻ một đường thẳng trên giấy rồi tính toán từ những con số cố định và đưa ra đáp án. Nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như địa hình, tầng khí quyển và các vấn đề về cơ sở thông tin dưới mặt đất.

Thực hiện một chuyến bay, cho dù là bay thử cũng ảnh hưởng đến sinh mạng, tài sản của quốc gia. Tuy nhiên, nếu chúng ta không mạnh dạn để tổ chức bay thử thì làm sao biết được đường bay thẳng có lợi hay không. Vì vậy, ngành hàng không cũng nên cân nhắc và chuẩn bị kỹ trước khi thử nghiệm. Sơn Nam (lsnam6006@gmail.com)

Kỳ vọng đường bay thẳng

Những thông số tổng hợp của ông Trần Đình Bá đưa ra tuy chưa chính xác tuyệt đối nhưng không phải là không có lý. Thậm chí theo tôi là rất thuyết phục. Tuy nhiên, để thực hiện đường bay đó cũng không phải là chuyện đơn giản vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, phải bay qua các nước bạn và liên quan đến nhiều vấn đề như chủ quyền, thương quyền, tổ chức không lưu, quản lý vùng trời... nên ngành hàng không còn e dè.

Nhưng hiện nay, với xu thế hội nhập và hợp tác thì những vấn đề trên không phải là không giải quyết được. Nếu đường bay thẳng thực sự mang lại lợi ích thì dù khó khăn, phức tạp trong thủ tục, chúng ta cũng nên thử nghiệm. Nguyễn Thanh Sơn (Q.3, TP.HCM)

Nhiều bất cập

Đường bay thẳng tính theo lý thuyết thì lợi hơn bay vòng là đương nhiên, điều này thì ai cũng có thể hiểu được. Những tính toán mà ông Bá đưa ra rất thực tế và có đầu tư rất nghiêm túc. Nhưng việc thực hiện chuyến bay lại hoàn toàn khác. Nếu bay qua nước bạn thì phải chịu thêm nhiều chi phí phát sinh. Rồi phải xây dựng hệ thống quản lý không lưu dưới mặt đất. Một vấn đề đặt ra là hiện tại, chúng ta đã có hệ thống sân bay trải dài theo vòng cung từ bắc đến nam. Do đó, việc bay theo hình vòng cung này rất thuận tiện. Nếu máy bay gặp sự cố thì có thể đáp khẩn cấp xuống bất cứ nơi nào có sân bay. Nguyễn Hoàng Phúc (Bình Dương)

Hải Nam
(Ban CTBĐ) tổng hợp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.