Không siết tín dụng bất động sản bất hợp lý

Chí Hiếu
Chí Hiếu
15/07/2022 06:46 GMT+7

Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chủ trì hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững được tổ chức chiều qua 14.7.

Nhà vừa túi tiền phải chiếm tỷ lệ cao nhất

Báo cáo của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã thích ứng và từng bước có chuyển biến. Năm 2021 có 172 dự án hoàn thành với 24.027 căn hộ; bằng khoảng 42% so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành vẫn hạn chế với khoảng 12.000 căn, tương đương cùng kỳ năm 2021, cho thấy chưa có sự cải thiện về nguồn cung nhà ở thương mại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu

dương giang

Về nguồn cung nhà ở xã hội, đến nay, tổng số dự án đã hoàn thành là 279, quy mô khoảng 148.000 căn hộ, tổng diện tích hơn 7,4 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 355 dự án, với khoảng 377.000 căn, tổng diện tích khoảng 18,84 triệu m2. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước chỉ hoàn thành 3 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300.000 m2 sàn xây dựng.

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân cho rằng để thị trường BĐS tiếp tục phát triển bền vững, cân bằng thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền của đại bộ phận khách hàng có nhu cầu phải giữ ở tỷ lệ cao nhất; tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp; còn phân khúc cao cấp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS, đồng quan điểm thời gian tới nhu cầu nhà ở trung bình và thấp, nhà ở công nhân tiếp tục là xu hướng chủ đạo của thị trường. Cùng với đó, mô hình BĐS xanh, BĐS sinh thái ở các khu vực ngoại ô thành phố sẽ thu hút nhà đầu tư vì vừa đáp ứng nhu cầu môi trường sống trong lành, vừa đáp ứng xu hướng đầu tư căn nhà thứ hai của người dân đô thị.

Tránh hiện tượng đầu cơ, thổi giá bất động sản

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự nhưng rà soát, ngăn chặn, phát hiện những hành vi sai phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không để đổ vỡ, bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng chia sẻ quan điểm, trước hết phải thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, thì mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, như vậy thì phát triển BĐS, phát triển đô thị mới bền vững, đây là gốc của vấn đề.

Bên cạnh đó, muốn phát triển hệ sinh thái thị trường BĐS, phải giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phải nắm chắc tình hình và cung - cầu để phát triển thị trường BĐS trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, quy luật cạnh tranh và phát huy vai trò quản lý của nhà nước, các công cụ chính sách để can thiệp, kiểm soát khi cần thiết một cách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để tình trạng thao túng thị trường, găm hàng, đội giá…

Xác định các phân khúc thị trường, các nhu cầu, như BĐS công nghiệp, nhà ở công nhân, nhà thu nhập thấp để có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp. “Không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, theo Thủ tướng.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp BĐS, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp BĐS, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

NHNN theo dõi, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường, với nghệ thuật điều hành mềm dẻo, linh hoạt, có hiệu quả. Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay đối với lĩnh vực BĐS đảm bảo đúng quy định pháp luật, cho vay đối với các dự án BĐS đầy đủ tính pháp lý; ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân đã được cấp phép và khởi công xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường. Bộ TN-MT phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất (pháp luật về đấu giá, pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý thuế) bảo đảm thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.