Không 'phình' biên chế và ngân sách khi luật hoá lực lượng bảo vệ ANTT cơ sở

Thái Sơn
Thái Sơn
14/03/2022 15:08 GMT+7

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định việc luật hoá các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở không hình thành tổ chức mới, không "phình" biên chế hay ngân sách cả T.Ư và địa phương.

Sáng nay 14.3, Bộ Công an tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở".

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe 11 ý kiến phát biểu tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học và quản lý nhà nước trong và ngoài lực lượng công an. Ban tổ chức cũng đã nhận được gần 60 báo cáo khoa học chất lượng về các vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an

Đình Trường

Trình bày tham luận, GS - TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư, cho rằng việc xây dựng dự án luật, tiến tới ban hành luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm tư tưởng của Đảng nhằm phục vụ và bảo vệ dân, đặc biệt trong bối cảnh, tình hình hiện nay.

Theo ông Bảo, từ góc độ pháp lý và thực tiễn cho thấy rất cần thiết phải ban hành đạo luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Trong tham luận, GS - TS Hoàng Chí Bảo cũng phân tích nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của cơ sở và bảo vệ ANTT theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng; nhấn mạnh vai trò của cấp cơ sở trong hệ thống 4 cấp của chính quyền và nền hành chính của nước ta, khẳng định tuy cơ sở là cấp thấp nhất nhưng lại rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

"Mọi sự mất ổn định đều từ mất ổn định cơ sở, nhất là ở nông thôn và nông dân. Cho nên, tuy là "vi mô" nhưng phải nhìn nhận, đánh giá ở tầm "vĩ mô", GS Hoàng Chí Bảo nói.

Tuy nhiên, GS Hoàng Chí Bảo cũng lưu ý, hiện có rất nhiều lực lượng, loại hình khác nhau cùng tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở: dân quân tự vệ, dân phòng, tổ bảo vệ dân phố, công an bán chuyên trách phải phối hợp, quản lý như thế nào theo chức năng, nhiệm vụ… để không chồng chéo, trùng lặp.

Ngoài ra, còn có vấn đề kinh phí hoạt động, các nguồn lực huy động (từ nhà nước và từ dân), chế độ chính sách, đảm bảo lợi ích cho những người tham gia để họ hăng hái, yên tâm hoạt động.

Cùng quan điểm xây dựng luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cần thiết, bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, nêu nhiều vấn đề thực tiễn tại địa phương để chứng minh. Trong đó, có thực trạng công an chính quy ở cấp xã rất tốt về nghiệp vụ, được đào tạo bài bản nhưng gặp các đồng bào thiểu số thì lại không nói được tiếng của họ.

“Công an chính quy có thể không nắm được hết các mối quan hệ "dây mơ, rễ má" ở các bản làng, vì vậy việc nắm bắt tình hình thực tế còn khó khăn. Nhưng về khía cạnh này thì lực lượng đảm bảo ANTT ở cơ sở lại thực hiện rất nhuần nhuyễn", bà Hải nói.

Cũng từ góc độ thực tiễn ở địa phương, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết hiện có hàng loạt thách thức về bảo vệ ANTT ở cơ sở, gồm: mâu thuẫn về đất đai; xung đột do giải phóng mặt bằng phát triển kinh tế; đình công, lãn công ở các địa phương có khu công nghiệp; các yếu tố phức tạp liên quan đến tôn giáo, dân tộc; khiếu kiện, tố cáo kéo dài… Nếu không giải quyết kịp thời, thoả đáng thì sẽ xảy ra phức tạp, thậm chí có thể xảy ra các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

"Các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã tồn tại mấy chục năm nay, phát huy rất tốt vai trò của hỗ trợ lực lượng chuyên trách trong bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, hoá giải các mâu thuẫn, phòng ngừa tội phạm. Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải chuẩn hoá lại bằng luật, nhận diện rõ lại các lực lượng không chuyên trách hỗ trợ lực lượng chuyên trách đúng bằng tên gọi, chức năng, nhiệm vụ và có chính sách hỗ trợ, đồng thời tích hợp với các dự án luật khác thành một thể thống nhất, xuyên suốt", ông Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng khẳng định, tất cả các ý kiến và báo cáo đều cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án luật, phân tích làm rõ, sâu sắc hơn để khẳng định việc luật hóa các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thì không hình thành tổ chức mới, không tăng biên chế, không đè nặng, phát sinh lên ngân sách T.Ư và địa phương; làm rõ hơn mối quan hệ phối hợp của các lực lượng này với các lực lượng sẵn có ở cơ sở, nhất là hệ thống chính trị và lực lượng công an xã chính quy tại các xã, phường, thị trấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.