Không nên hạn chế người tín nhiệm thấp xin từ chức

10/06/2023 07:37 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng không nên hạn chế không cho người có số phiếu thấp quá 2/3 tổng số phiếu xin từ chức.

Chiều 9.6, Quốc hội (QH) thảo luận về dự thảo nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm. Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), dự thảo quy định những người phiếu tín nhiệm thấp từ 50% cho đến 2/3 thì có thể xin từ chức luôn hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ gần nhất. Song, theo ông Trí, nên bỏ phiếu tín nhiệm lại tại kỳ họp đó luôn, bởi công tác tổ chức cán bộ "càng lâu càng khó làm, nhiều tiêu cực sẽ xảy ra".

ĐB Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, thì cho rằng không nên hạn chế không cho người có số phiếu thấp quá 2/3 tổng số phiếu xin từ chức. Bởi lẽ, xin từ chức là quyền của cán bộ, công chức. Đảng cũng đã có chủ trương khuyến khích cán bộ, công chức không còn đủ uy tín, năng lực, có sai phạm từ chức.

Theo ông Cường, khác biệt lớn nhất về hệ quả pháp lý của người có quá nửa đến 2/3 tổng số ĐB đánh giá tín nhiệm thấp với người có trên 2/3 tổng số ĐB đánh giá tín nhiệm thấp, là việc có phải thêm vòng bỏ phiếu tín nhiệm không. Về quy định người có số phiếu tín nhiệm thấp thì cơ quan hoặc người giới thiệu người đó để QH hoặc HĐND bầu, phê chuẩn có trách nhiệm trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất, theo ông Cường, có 2 điểm bất cập cần cân nhắc. Trong đó, thẩm quyền trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm mâu thuẫn với quy định giao cho Ủy ban Thường vụ QH, thường trực HĐND trình.

Thêm vào đó, thời điểm bỏ phiếu tín nhiệm có thể cách nhau 4 - 5 tháng, không tạo sự thống nhất, bình đẳng giữa những người có số phiếu tín nhiệm thấp từ 50% đến 2/3. Vì vậy, ông Cường đề nghị quy định áp dụng một thời điểm bỏ phiếu ngay tại kỳ họp đó. Nếu cộng 2 lần lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm vào thì thành khoảng 8 - 10 tháng sau mới miễn nhiệm. "Làm như vậy có thể dẫn đến những hậu quả rất tai hại về quản lý nhà nước cũng như về dư luận nhân dân khi đã công khai các thông tin này trên phương tiện thông tin đại chúng", ông Cường nói thêm.

Làm rõ tiêu chí gương mẫu của vợ, chồng, con khi lấy phiếu tín nhiệm cán bộ

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) góp ý nội dung bổ sung tiêu chí sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước. Theo đó, cần cân nhắc, rà soát và có thể làm rõ hơn nhóm đối tượng có quan hệ gia đình gần gũi với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Nêu thực tiễn địa phương hiện có những nơi đang thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND hay Chủ tịch UBND, ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) cho rằng những trường hợp này, nếu chỉ lấy phiếu tín nhiệm với chức danh Chủ tịch HĐND, UBND mà không lấy phiếu tín nhiệm chức danh Bí thư Đảng ủy, sẽ gặp khó khăn trong việc xem xét, đánh giá cán bộ ở cấp cơ sở.

Giải trình sau đó, Trưởng ban Công tác ĐB Nguyễn Thị Thanh nêu rõ việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần vào năm thứ ba của nhiệm kỳ. Với nhiệm kỳ này, QH sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới. Bà Thanh nêu rõ đối chiếu với Quy định số 96, tổng kết thực tiễn cho thấy quy định về thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trên là hợp lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.