Không hãng bay nào vượt trần, sao khách vẫn có cảm giác giá vé cao ngất ngưởng?

12/05/2024 12:37 GMT+7

Kết quả kiểm tra hoạt động bán vé của 4 hãng hàng không đều cho thấy các hãng bay không những không vi phạm quy định mà còn bán vé cách trần giá khá xa. Thế nhưng, việc người dân phải bỏ ra số tiền nhiều gấp 1,5 - 2 lần để mua được 1 chiếc vé máy bay cùng chặng so với giai đoạn 1 - 2 năm trở về trước, là thật. Tại sao lại có nghịch lý này?

Không hãng bay nào vượt trần, sao khách vẫn có cảm giác giá vé cao ngất ngưởng?- Ảnh 1.

Giá vé máy bay đang là chủ đề 'nóng' nhất ngành hàng không từ đầu năm đến nay

ĐỘC LẬP

Nhiều thời điểm vé rẻ chưa được ghi nhận

Như Thanh Niên đã đưa tin, kết quả rà soát của Cục Hàng không lại ghi nhận: Với 3 đường bay trục (Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng và TP.HCM - Đà Nẵng), mặc dù có sự gia tăng về tỷ lệ phân khúc giá cao, nhưng chiếm phần lớn trong cơ cấu giá vé bán ra của các hãng vẫn ở phân khúc giá thấp và trung bình (từ 60% - 70% số lượng vé bán ra).

Bên cạnh đó, cũng có những đường bay ghi nhận gia tăng cao về tỷ lệ với các phân khúc giá trung bình và thấp. Cụ thể, trên đường bay TP.HCM - Đà Nẵng, VNA và Vietjet đều tăng số lượng vé phân khúc giá thấp lần lượt +5 và +8 điểm %; trên đường bay TP.HCM - Hà Nội, Bamboo Airways và Vietjet đều tăng số lượng vé phân khúc giá thấp lần lượt +7% và +11 điểm %...

Vì sao khách vẫn có cảm giác giá vé máy bay cao ngất ngưởng?

Thế nhưng thực tế, giai đoạn lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, rất nhiều hành khách đã phản ánh giá vé trên những đường bay này cao ngất ngưởng. Đơn cử, chị Thanh Xuân (Q.3, TP.HCM) phải trả 2,5 triệu đồng/chiều vé cho chặng TP.HCM - Đà Nẵng, ngang cao điểm Tết Nguyên đán. Chặng TP.HCM - Hà Nội có rất nhiều chỗ nhưng cũng không có hãng nào bán mức giá dưới 2 triệu đồng/chiều. Ngay hãng hàng không "giá mềm" nhất là Vietjet cũng lập đỉnh lên tới gần 3,8 triệu đồng/chiều, tương đương khoảng 7,6 triệu đồng/khứ hồi.

Lý giải nghịch lý này, đại diện một hãng hàng không cho biết cuộc kiểm tra của Cục Hàng không tập trung vào giai đoạn từ 1.1 - 4.5, nghĩa là không chỉ trong giai đoạn cao điểm 30.4 - 1.5. Thống kê tỷ lệ giá cao - trung bình - thấp được tính trên các chuyến bay trải dài cả ngày, gồm giờ đẹp và giờ sớm/muộn. Hành khách thì thường chỉ xem và chọn giờ đẹp, giá cao, còn các chuyến bay sớm/muộn có giá thấp hơn thì ít ghi nhận. 

Bên cạnh đó, người dân vẫn có tâm lý mua vé sát ngày, trong khi các hãng hàng không thường mở dải giá vé thấp hơn so với mức giá cao nhất từ giai đoạn khá sớm nên khi đã bán hết số lượng vé trong dải thấp thì những những khách mua cận ngày sẽ chỉ còn vé trong dải giá cao hơn.

Không hãng bay nào vượt trần, sao khách vẫn có cảm giác giá vé cao ngất ngưởng?- Ảnh 2.

Hành khách mua vé sát ngày sẽ không có cơ hội mua vé trong dải giá thấp

NGỌC DƯƠNG

Nhiên liệu tăng, tỷ giá tăng, thiếu hụt máy bay... giá vé không thể 'bất động' 

Đại diện Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines giải thích: Về mặt bằng chung, đúng là giá vé máy bay không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới được ghi nhận xu hướng tăng so với thời điểm dịch bệnh Covid-19. Giai đoạn vừa qua, trước các biến động kinh tế - chính trị quốc tế và việc nhà sản xuất triệu hồi sửa chữa động cơ, ngành hàng không thế giới và Việt Nam đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề khi các chi phí đầu vào tăng mạnh, đáng chú ý nhất gồm chi phí nhiên liệu, thuê động cơ, bảo dưỡng máy bay hay biến động của tỷ giá và tắc nghẽn hạ tầng sân bay.

Đơn cử, giá nhiên liệu hiện ở mức cao trên 100 USD/thùng, Dự báo chi phí vận tải hàng không của Vietnam Airlines trong cả năm 2024 sẽ phải tăng thêm 5.527 tỉ đồng so với năm 2019 vì giá nhiên liệu cao và tăng thêm 4.729 tỉ đồng do biến động tỉ giá. Giá thuê động cơ máy bay năm 2024 cũng tăng gấp 2 lần so với năm 2019; giá phụ tùng vật tư tăng từ 10 - 13%. Chưa kể, thời gian đưa động cơ đi sửa chữa bị kéo dài hơn gấp đôi: Năm 2019 mất khoảng 75 ngày thì hiện nay mất 140 - 160 ngày. Có những trường hợp đặc biệt lên đến 1 năm. Điều này làm thiệt hại doanh thu vì máy bay phải nằm đất kéo dài. Trong khi đó, tình trạng tắc nghẽn không lưu, mặt đất tại các sân bay lớn trong mùa cao điểm làm thời gian bay kéo dài hơn kế hoạch, làm tăng và phát sinh chi phí.

Trước lễ 30.4, đường bay Hà Nội - Nha Trang có mức giá cao nhất hơn 3,5 triệu đồng/chiều do bay giờ đẹp (9 giờ 50, hạ cánh về khách sạn là đến giờ nhận phòng). Nếu chấp nhận bay khung giờ được coi là

Trước lễ 30.4, đường bay Hà Nội - Nha Trang có mức giá cao nhất hơn 3,5 triệu đồng/chiều do bay giờ đẹp (9 giờ 50, hạ cánh về khách sạn là đến giờ nhận phòng). Nếu chấp nhận bay khung giờ được coi là "xấu" hơn đối với hành trình du lịch, hành khách có thể mua được giá vé hơn 1,8 triệu đồng/chiều

Tình hình thiếu hụt máy bay cũng là yếu tố tác động nghiêm trọng đến khả năng cung ứng chỗ và mức giá vé. Hiện tại, Vietnam Airlines khai thác trung bình 84 chiếc/tháng, thiếu hụt trung bình 12% máy bay khai thác so với năm 2023. Dự kiến đến cuối năm 2024, số lượng Airbus A321 NEO dừng sẽ lên tới 18 - 20 máy bay. Khi đó, tổng máy bay khai thác của Vietnam Airlines sẽ chỉ còn khoảng 80 chiếc. 

Thị trường hàng không trong nước và quốc tế dự báo tiếp tục đối mặt với rất nhiều thách thức từ nay đến cuối năm

Thị trường hàng không trong nước và quốc tế dự báo tiếp tục đối mặt với rất nhiều thách thức từ nay đến cuối năm

PHẠM HỮU

Giá thuê khô máy bay thì trung bình đã tăng 20 - 30% so với thị trường trước và ngay sau Covid-19. Trong khi đó, đối với máy bay thuê ướt cho giai đoạn cao điểm hè, là giai đoạn cao điểm chung tại rất nhiều khu vực trên thế giới, nên giá thuê ướt đẩy cao, số lượng máy bay cho thuê ướt trên thị trường cũng hạn chế và mức giá tối thiểu tăng gấp đôi so với giai đoạn cao điểm Tết Giáp thìn vừa qua...

"Tất cả những chi phí đầu vào trên đều tác động trực tiếp đến giá vé máy bay. Không chỉ ở Việt Nam mà các tổ chức trên thế giới cũng dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3 - 7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo" - đại diện Vietnam Airlines thông tin.


  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.