'Không cho chuyển nhượng thì ai còn muốn góp tài sản vào hợp tác xã nữa'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
05/04/2023 11:08 GMT+7

Dự thảo luật Hợp tác xã sửa đổi không cho phép chuyển nhượng vốn góp cho cá nhân, tổ chức bên ngoài. Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc vì vốn góp là tài sản, không nên bị hạn chế.

Sáng 5.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cho ý kiến về luật Hợp tác xã sửa đổi.

Các quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại dự thảo luật nhận được nhiều quan tâm khi đây là quy định mới được đưa vào dự thảo luật sửa đổi lần này.

'Không cho chuyển nhượng thì ai còn muốn góp tài sản vào hợp tác xã nữa' - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Lâm

GIA HÂN

Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Tuyên Quang, tán thành với tiếp thu của cơ quan thẩm tra, cho rằng không nên đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức ngoài hợp tác xã, liên minh hợp tác xã.

"Việc cho phép chuyển nhượng phần góp vốn sẽ làm mất đi bản chất hợp tác xã, tránh hiện tượng mua bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của doanh nghiệp", đại biểu tỉnh Tuyên Quang nêu.

Ngược lại, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, lại băn khoăn vì cho rằng việc không cho phép chuyển nhượng vốn góp là chưa thuyết phục.

Đại biểu Lâm lập luận, vốn góp của thành viên hợp tác xã là tài sản và quyền tài sản được đảm bảo theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

"Khi đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể như hợp tác xã lại bị hạn chế quyền tài sản này, không được mua bán, chuyển nhượng trong một số điều kiện thì ai còn muốn đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể nữa", ông Lâm nói, đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần nghiên cứu thêm.

'Không cho chuyển nhượng thì ai còn muốn góp tài sản vào hợp tác xã nữa' - Ảnh 2.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách khai mạc sáng nay 5.4 kéo dài tới hết 7.4

GIA HÂN

Theo ông Lâm, không nên hạn chế quyền mua bán, chuyển nhượng phần góp vốn của thành viên góp tài sản vào hợp tác xã. Khi chuyển nhượng này thay đổi tính chất của hợp tác xã thì yêu cầu bắt buộc chuyển sang mô hình kinh tế khác phù hợp thay vì cấm hay hạn chế chuyển nhượng tài sản, nhất là chuyển nhượng tài sản cho cá nhân ngoài hợp tác xã.

"Lúc đó coi như là kết nạp thành viên mới thôi, có gì đâu. Thành viên nhận chuyển nhượng đó chưa phải là xã viên thì việc nhận chuyển nhượng như thủ tục kết nạp thành viên. Quy trình làm sao tương tự kết nạp thành viên mới thì không có gì khó khăn, phức tạp cả", ông Lâm kiến nghị.

Trước đó, báo cáo một số vấn đề lớn của dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chỉnh lý quy định để cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và với các thành viên hiện hữu.

Tuy nhiên, dự thảo luật không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tránh tình trạng "doanh nghiệp hóa hợp tác xã"; hạn chế việc thâu tóm, chi phối hoạt động hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của một số tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với một số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.

"Đáng lẽ trả phí cho chúng tôi thì lại bắt chúng tôi trả phí nuôi các anh"

Đại biểu Trần Văn Lâm cũng băn khoăn với quy định hợp tác xã, liên minh hợp tác xã phải nộp kinh phí công bố nội dung đăng ký sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã tại dự thảo luật.

'Không cho chuyển nhượng thì ai còn muốn góp tài sản vào hợp tác xã nữa' - Ảnh 3.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 5.4

GIA HÂN

Theo đại biểu, hợp tác xã khi đi đăng ký với cơ quan nhà nước để được cấp giấy chứng nhận đã phải nộp phí. Nếu cơ quan nhà nước muốn công bố giấy chứng nhận này thì cơ quan nhà nước có trách nhiệm công bố chứ không thể bắt buộc hợp tác xã phải công bố.

Đại biểu Lâm cho rằng việc cơ quan soạn thảo lập luận, vì việc công bố này được giao cho Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh (Cục Quản lý kinh doanh, Bộ KH-ĐT), là một đơn vị sự nghiệp công tự chủ nên phải nộp phí để trung tâm quản lý, lưu giữ thông tin chưa thuyết phục.

Theo đại biểu Lâm, cơ quan quản lý nhà nước và trung tâm này có thể trao đổi dữ liệu cho nhau, trung tâm có thể lấy dữ liệu từ trung tâm đăng ký để công bố. Cạnh đó, thực tế trung tâm cung cấp dịch vụ cho cơ quan quản lý nhà nước thì cơ quan quản lý nhà nước phải trả phí, hoặc đơn vị nào khai thác thông tin từ hệ thống này thì đơn vị đó trả phí.

"Còn doanh nghiệp, hợp tác xã chúng tôi đăng ký vào đây đáng lẽ phải trả phí cho chúng tôi thì lại bắt chúng tôi trả phí nuôi các anh. Cái này tôi thấy cái lý không thuyết phục", đại biểu Lâm nhấn mạnh.

Từ đó, đại biểu đề nghị không quy định hợp tác xã và tiến tới cả doanh nghiệp phải nộp phí để lưu thông tin dữ liệu. "Chưa kể sau này các anh lại còn kinh doanh trên cơ sở dữ liệu đấy", đại biểu Lâm nói.

Đại biểu Lâm cũng đề nghị các quy định về giải thể tổ chức kinh tế tập thể làm thế nào để hợp tác xã có thể giải thể được chứ không để tình trạng hợp tác xã "chết mà không được chôn" như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.