Khốc liệt biến đổi khí hậu: Thiên tai bất thường

23/04/2015 14:33 GMT+7

Trong 5 năm trở lại, tại Quảng Nam xảy ra những đợt bão, lũ gây tổn thất kinh tế nặng nề. Tuy nhiên, điều khiến người ta lo ngại là bão lũ, hạn hán diễn biến càng lúc càng bất thường.

Trong 5 năm trở lại, tại Quảng Nam xảy ra những đợt bão, lũ gây tổn thất kinh tế nặng nề. Tuy nhiên, điều khiến người ta lo ngại là bão lũ, hạn hán diễn biến càng lúc càng bất thường.

Lũ lớn gây ngập nặng tại TP.Hội An - Ảnh: D.Hiền
Lũ sớm…
Ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đã thốt lên rằng chưa bao giờ ông chứng kiến cảnh nước lũ tràn về vào thời điểm tháng 3 như đợt lũ vừa xảy ra. “Đây là một hiện tượng thời tiết hết sức cực đoan”, ông Muộn nói. Trận lũ hy hữu như phá tan “quy luật” thời tiết vốn được người nông dân nắm đúc kết từ bao đời để áp dụng lịch nông vụ. Ông Nguyễn Văn Mẹo (60 tuổi, thôn Mỹ Thuận, xã Đại Nghĩa, H.Đại Lộc) lắc đầu ngao ngán: “Cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi mới thấy cảnh nước lũ tràn về vào cuối tháng 3. Có ai ngờ đến đâu nên cũng không ai kịp trở tay để vớt vát được gì. Thời tiết ngày càng khó lường…”. Nhiều người dân tại H.Đại Lộc cũng cho biết, năm 2014, khô hạn xảy ra ven sông Thu Bồn. Lượng phù sa được bồi đắp quá ít nên nhiều người đã canh tác cây trồng xuống gần bờ sông khoảng 20m so với mọi năm. Chính điều này đã gây nên thiệt hại lớn cho người nông dân. Ông Phạm Nhân (56 tuổi, thôn Mỹ Thuận) cho hay, trong khoảng 5 năm trở lại đây, tình hình mưa bão diễn biến rất thất thường. Năm 2012, toàn tỉnh Quảng Nam đối mặt với hạn hán nặng nề thì đến năm 2013, lại phải hứng chịu nhiều cơn bão, lũ lớn kinh hoàng. Trong năm 2013, Quảng Nam “đón” cơn bão Nari càn quét khắp các huyện, thị phía bắc; Sau đó, H.Đại Lộc, Điện Bàn, TP.Hội An lại phải gồng mình hứng trận lũ lịch sử. Sang năm 2014, Quảng Nam khá “yên ắng” vì ít mưa bão thì đến năm 2015 lại xảy ra trận lũ bất thường vào cuối tháng 3. Theo ghi nhận của ngành khí tượng thủy văn Quảng Nam, trong khoảng thời gian từ ngày 24-28.3, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa rất lớn với lượng mưa phổ biến từ 100 - 200 mm. Trong đó, H.Hiệp Đức có lượng mưa lớn nhất gần 600 mm, tiếp đó là H.Nông Sơn với lượng mưa 480 mm, H.Tiên Phước là 470 mm... Tổng lượng mưa cho đến hết ngày 27.3 tại miền Trung đã vượt kỷ lục mưa từng được ghi nhận trong suốt 50 năm qua. BĐKH đã làm gia tăng các loại hình thời tiết cực đoan, cường độ lũ lụt ngày càng tăng.
Lũ bất thường xảy ra vào cuối tháng 3 vừa qua khiến người nông dân
Quảng Nam méo mặt - Ảnh: Hoàng Sơn
Sẽ hạn hán nghiêm trọng?
UBND tỉnh Quảng Nam nhận định: Năm 2015 sẽ xảy ra hạn hán nghiêm trọng trên toàn tỉnh. Thống kê của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Nam cho hay trong mùa mưa năm 2014 tỷ trọng phân bố mưa vùng đồng bằng chỉ đạt 60-65% so với lượng mưa trung bình nhiều năm. Dòng chảy trên các sông từ tháng 12.2014 đến tháng 3.2015 dao động nhỏ. Hiện nay, hiện tượng Enso đang chuyển sang trạng thái pha nóng và có khả năng bị ảnh hưởng của hiện tượng ElNino, dẫn đến lượng mưa tiếp tục bị thiếu hụt, dòng chảy trên sông, suối suy giảm, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước... Do lượng mưa và dòng chảy ở mức thấp và nắng nóng có khả năng kéo dài trong vài tháng tới nên nguy cơ thiếu nước, khô hạn sẽ diễn ra ở hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn và Bàn Thạch.
Hiện Quảng Nam có 73 hồ chứa nước phục vụ cho hơn 21.000 ha/vụ. Đến cuối mùa lũ năm 2014 có 72/73 hồ chứa thủy lợi tích đầy nước, tuy nhiên, tình hình thời tiết từ đầu vụ đông-xuân đến nay có lượng mưa phổ biến trên toàn tỉnh ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-30%. Lượng nước đến các hồ chứa thấp và phải thường xuyên mở nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp nên làm suy giảm mực nước tại các hồ chứa. Qua tính toán, cân đối sơ bộ nguồn nước của ngành chức năng, các hồ chứa nước có khả năng đảm bảo nước tưới cho vụ đông-xuân, cấp nước gieo sạ vụ hè-thu. Tuy nhiên, theo dự báo sẽ có nhiều hồ thiếu nước trong vụ hè-thu nếu không có mưa tiểu mãn và mưa bổ sung trong tháng 7-8. Bên cạnh đó, hiện tượng bồi lấp trên sông Vu Gia, Thu Bồn và Vĩnh Điện đã một phần gây ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo báo cáo của các địa phương và Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam, dự báo diện tích sản xuất nông nghiệp vụ hè thu có khả năng xảy ra khô hạn khoảng gần hơn 14.000 ha. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt phương án phòng, chống hạn năm 2015 với tổng kinh phí thực hiện gần 37 tỉ đồng. Tỉnh yêu cầu các địa phương và ngành liên quan triển khai nạo vét các đoạn sông bị bồi lấp để khơi thông dòng chảy, sửa chữa, xây dựng các đập dâng kiên cố, đập thời vụ, đập bổi; đóng hàng trăm cái giếng khoan lấy nước ngầm, lắp đặt 300 máy bơm điện, bơm dầu dã chiến chống hạn… Ngành nông nghiệp Quảng Nam sẽ làm việc với các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn để lên kế hoạch và thống nhất chế độ điều tiết xả nước qua phát điện hợp lý nhằm bổ sung dòng chảy kiệt trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.