Khoảng 1 triệu SIM điện thoại sẽ bị thu hồi số

Mai Phương
Mai Phương
13/05/2023 04:53 GMT+7

Chỉ 2 ngày nữa, ngày 15.5 các số thuê bao điện thoại di động chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin sẽ bị thu hồi. Dự kiến, có khoảng 1 triệu SIM thuộc diện này.

SIM bị khóa 2 chiều vẫn bất động

Cục Viễn thông, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã thông tin từ sau ngày 15.4, có 1,15 triệu thuê bao bị khóa SIM điện thoại 2 chiều do chưa chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định. Theo thông báo, các khách hàng vẫn còn thời gian 30 ngày thực hiện cập nhật lại thông tin cá nhân để mở lại SIM điện thoại. Ước tính đến nay chỉ có hơn 154.000 thuê bao bị khóa 2 chiều đã chuẩn hóa thông tin cá nhân. Như vậy, sau ngày 15.5, sẽ còn khoảng 1 triệu SIM bị các nhà mạng thu hồi số.

Khoảng 1 triệu SIM điện thoại sẽ bị thu hồi số - Ảnh 1.

Siết SIM rác vẫn chưa thể làm giảm cuộc gọi rác, lừa đảo hiện nay

NHẬT THỊNH

Có thể nói rằng đây là số lượng SIM bị thu hồi nhiều nhất từ trước đến nay với tốc độ chỉ vỏn vẹn trong vòng 2 tháng. Ví dụ trước đó, trong cả năm 2021, dưới sự thúc hối của Bộ TT-TT thì các nhà mạng cũng chỉ thu hồi số của khoảng 1,1 triệu SIM rác. Trên thực tế, dù đợt siết SIM điện thoại đang diễn ra quyết liệt nhưng cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo vẫn diễn ra rầm rộ bủa vây người tiêu dùng. Điều này cho thấy siết SIM rác chỉ mới là một bước nhỏ trong quản lý thuê bao điện thoại hiện nay.

Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu cho rằng chính bản thân ông có sử dụng 1 số điện thoại không do mình đăng ký, nhưng vẫn không nhận được nhắc nhở từ nhà mạng để cập nhật lại thông tin. Như vậy theo quy định hiện nay, các nhà mạng chỉ quản lý thuê bao theo đúng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, tránh thông tin ảo. Trong khi đó người sử dụng SIM là ai thì nhà mạng không biết hoặc cũng không thuộc trách nhiệm quản lý. Ông Hiếu nhận định: Việc thu hồi SIM không có hiệu quả nhiều để ngăn chặn cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo. Trên các diễn đàn, tài khoản mạng xã hội… vẫn rao bán mua số điện thoại ảo dễ dàng. Thậm chí hoạt động mua bán SIM đã đăng ký thông tin thuê bao chính chủ vẫn diễn ra công khai.

Tăng chế tài và siết chặt mở tài khoản ngân hàng

Trước đó, Cục Viễn thông cho biết trong tháng 5 và 6, Bộ TT-TT sẽ tổ chức thanh tra diện rộng với sự tham gia của Sở TT-TT các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước nhằm xử lý nghiêm tình trạng vi phạm thông tin thuê bao điện thoại. Thậm chí, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra và có giải pháp xử lý các chủ thuê bao sở hữu 10 SIM trở lên. Đồng thời, Cục Viễn thông sẽ triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn cuộc gọi rác, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp tiên tiến. Ngăn chặn, xử lý vi phạm liên quan cuộc gọi quảng cáo và số điện thoại thuộc danh sách quảng cáo. Bộ TT-TT cũng sẽ xử lý nghiêm, bao gồm đề nghị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới đối với các doanh nghiệp vi phạm, nhất là những hành vi cung cấp dịch vụ cho thuê bao phát triển mới có thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác; bán và lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động.

Thế nhưng, theo ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, việc ngăn chặn SIM rác thông qua chuẩn hóa thông tin thuê bao chỉ là một giải pháp, nên chưa đủ mang lại hiệu quả trong ngăn chặn tình trạng cuộc gọi lừa đảo. Hơn nữa, những nhà mạng lớn dưới sức ép của cơ quan quản lý, của truyền thông đại chúng nên gần đây cũng có giảm bớt lượng SIM "rác" tung ra thị trường. Nhưng bên cạnh đó, các cuộc gọi từ những đầu số của nhà mạng nhỏ, mới bắt đầu hoạt động đang gia tăng.

Hơn nữa, quy định về xử phạt còn khá thấp và chưa mang tính quyết liệt từ trước đến nay khiến các cửa hàng, đại lý lẫn nhà mạng bị "lờn". Mức xử phạt như cao nhất là 50 triệu đồng đối với cửa hàng và cao nhất 100 triệu đồng đối với nhà mạng có thể chưa đủ sức răn đe. Bởi nếu có sự quản lý chặt từ nhà mạng thì sẽ khó có tình trạng cá nhân sở hữu hơn 100 SIM hay thậm chí một người sở hữu lên hơn 1.000 SIM điện thoại như Bộ TT-TT đã phát hiện. Do đó theo ông Thắng, sau đợt kiểm tra này, Bộ TT-TT cần mạnh tay xử phạt nghiêm khắc hơn, nhất là với những đơn vị vi phạm nhiều lần. Thậm chí bổ sung quy định nếu phát hiện tình trạng SIM rác sẽ cấm nhà mạng phát hành SIM mới trong vòng 3 - 6 tháng.

Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu chia sẻ rằng mấu chốt của những tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại cũng có một phần xuất phát từ nạn SIM "rác" thời gian qua. Nhưng một phần khác cũng quan trọng liên quan việc mở tài khoản của hệ thống ngân hàng thương mại. Hiện nay, người dùng cũng sẽ dễ dàng tìm mua được các số tài khoản có sẵn ở nhiều ngân hàng khác nhau. Thậm chí, nếu có nhu cầu mở tài khoản tên gì, tài khoản ở ngân hàng nào… thì đều có ngay. Theo ông Hiếu, các đối tượng có thể lấy cắp hay mua thông tin cá nhân từ nhiều nơi rồi mở tài khoản ngân hàng trực tuyến.

Để giảm tình trạng cuộc gọi rác, lừa đảo thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ Bộ TT-TT nhưng cũng phải có sự kiểm soát về tài khoản ngân hàng. Trong đó việc xác định danh tính, mở tài khoản phải được siết chặt hơn.

Ông Ngô Minh Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.