Tên lửa tư nhân mới của Mỹ rời bệ phóng

22/04/2013 08:07 GMT+7

(TNO) Sau hai lần bị hoãn lại vào phút chót vì lý do kỹ thuật và thời tiết, hôm 21.4, tên lửa tư nhân mới của Mỹ đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào không gian, đưa một mô hình tàu vũ trụ lên quỹ đạo.

Tên lửa Antares, cao 40 mét và nặng 290.000 kg khi cất cánh, của Công ty Orbital Sciences được phát triển bởi sự hỗ trợ từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã rời bệ phóng mới xây dựng Pad 0A vào lúc 17 giờ chiều 21.4 (giờ địa phương, tức 4 giờ sáng 22.4 theo giờ VN), ở trung tâm phóng tên lửa Wallops của NASA trên đảo Wallops, bang miền đông bên bờ Đại Tây Dương Virginia (Mỹ).

Theo Reuters, 10 phút sau khi rời bệ phóng, tên lửa Antares đã đưa thành công một mô hình như thật của tàu vũ trụ nặng 3.800 kg lên quỹ đạo cách Trái đất 254 km, hoàn thành các mục tiêu chính của lần bay thử nghiệm đầu tiên này.


Tên lửa Antares rời bệ phóng ở đảo Wallops, bang Virginia (Mỹ) - Ảnh: NASA

Dự kiến vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 tới, Orbital Sciences sẽ thực hiện chuyến bay đưa tàu vũ trụ Cygnus đến thử nghiệm việc kết nối với trạm không gian trị giá 100 tỉ USD.

Được biết, Antares được Orbital Sciences xây dựng trong chương trình hợp tác với NASA trị giá 1,9 tỉ USD nhằm đưa tàu vũ trụ do công ty này chế tạo là Cygnus đem hàng hóa đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Tổng cộng, Orbital Sciences sẽ có tám chuyến đưa tàu Cygnus lên ISS để hoàn thành hợp đồng trên.

Orbital Sciences cũng là công ty tư nhân thứ hai đạt được cột mốc quan trọng khi phóng thành công một tên lửa lên quỹ đạo.

Trước đó, Công ty SpaceX của tỉ phú internet Elon Musk đã mở ra một chương mới trong việc khám phá vũ trụ với sự tham gia của các công ty, tổ chức tư nhân, khi đưa thành công tàu vũ trụ Dragon đến cung cấp hàng hóa cho ISS.

Sau chuyến bay thử nghiệm thành công đưa tàu Dragon đến kết nối với ISS vào ngày 22.5.2012, SpaceX đã thực hiện được hai chuyến bay thương mại đầu tiên lên vũ trụ vào ngày 8.10.2012 và ngày 1.3.2013, trong bản hợp đồng trị giá 1,6 tỉ USD ký kết hồi năm 2008 với NASA cho 12 chuyến bay của tàu Dragon đến ISS.

Với thành công trên, tàu Dragon đã lấp vào khoảng trống trong chương trình không gian Mỹ, với việc giúp nước này khôi phục lại các chuyến bay vũ trụ, mà trước mắt là vận chuyển hàng hóa đến ISS, sau khi đội tàu con thoi Mỹ hết hạn sử dụng vào năm 2011.


Tàu vũ trụ vận tải Dragon trong lần bay đến ISS hồi cuối tháng 5.2012 - Ảnh: Reuters/NASA

Hiện SpaceX đang có kế hoạch phát triển con tàu Dragon trở thành tàu vũ trụ có người lái để bay đến ISS trước năm 2015, nhằm cạnh tranh với Nga, nước đang giữ độc quyền trong việc đưa người lên không gian bằng tàu Soyuz. Mỗi chỗ ngồi trên tàu Soyuz mà NASA phải trả cho phía Nga là 63 triệu USD.

Trong khi đó, ngoài việc đưa tàu Cygnus cung cấp hàng hóa cho ISS bằng tên lửa Antares, Orbital Sciences còn có hợp đồng riêng để phóng một tàu thăm dò mặt trăng của NASA bằng tên lửa Minotaur 5 dự kiến thực hiện vào tháng 8 tới từ bệ phóng Wallops.

Tiến Dũng

>> Mỹ và châu u bắt tay chế tạo tàu vũ trụ mới
>> Viễn cảnh tàu vũ trụ đáp như trực thăng
>> Tàu vũ trụ Dragon bay chuyến thương mại đầu tiên
>> Tàu vũ trụ bí mật của Mỹ sắp bay chuyến thứ ba
>> Tàu vũ trụ Nga "yên nghỉ" ở Thái Bình Dương
>> Nga phóng thành công tàu vũ trụ Soyuz
>> Tàu vũ trụ của Nhật rời ISS
>> Tàu vũ trụ của Mỹ hoàn thành sứ mệnh bí mật
>> Tàu vũ trụ Progress kết nối với ISS
>> Tàu vũ trụ tư nhân Dragon sắp cất cánh
>> Nga chuẩn bị phóng tàu vũ trụ Soyuz
>> Hai tàu thăm dò NASA đâm vào mặt trăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.