Robot châu chấu

12/12/2008 17:33 GMT+7

Các chuyên gia Anh đã chế tạo được một loại robot mô phỏng khả năng bật cao của loài châu chấu, và không chỉ có thế.

Robot nói trên có tên gọi là "Jollbot", do tiến sĩ Rhodri Armour thuộc Đại học Bath (Anh) chế tạo. Jollbot có khả năng nhảy qua chướng ngại vật và lăn tròn trên địa hình bằng phẳng, vì vậy nó có thể được sử dụng trong hoạt động thám hiểm không gian và khảo sát đất đai.

Một trong những thách thức của robot thám hiểm không gian là khả năng di chuyển qua địa hình không thuận lợi. Robot có chân thường rất phức tạp, tốn kém trong chế tạo, khó kiểm soát và gặp nhiều trục trặc khi "té ngã". Bánh xe là một giải pháp đơn giản cho vấn đề này, nhưng bị hạn chế bởi kích cỡ của các chướng ngại vật mà robot có thể vượt qua.

Nhằm giải quyết vấn đề trên, tiến sĩ Armour và các cộng sự thuộc Trung tâm công nghệ tự nhiên và phỏng sinh Đại học Bath đã tìm cảm hứng sáng tạo từ thiên nhiên, thiết kế một robot có thể nhảy qua chướng ngại vật như loài côn trùng. Jollbot có hình dạng như một chiếc lồng hình cầu có thể lăn theo mọi hướng mà không sợ bị lật hoặc dính ổ gà.

Với trọng lượng chưa đầy 1 kg, Jollbot không bị hỏng hóc khi chạm mặt đất sau khi nhảy. Tiến sĩ Armour thổ lộ: "Trước đây có người đã chế tạo được robot có thể nhảy hoặc lăn, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi tạo ra một robot có khả năng làm cả hai động tác trên".

Theo ông Armour, trong thiên nhiên có 2 kiểu nhảy: nhảy lò cò như loài kangaroo ở châu Úc, vốn sử dụng khả năng kiểm soát tốt và hoạt động cơ bắp trực tiếp để "đẩy" cơ thể đi; nhảy bật như loài châu chấu, vốn có thể "nén" năng lượng cơ bắp trong các thành phần giống lò xo rồi thực hiện một cú nhảy. "Chúng tôi đã tạo ra robot có thể nhảy bật như châu chấu, nhưng sử dụng những động cơ điện để từ từ tích trữ năng lượng cần thiết cho việc nhảy bật lên trong bộ khung như lò xo. Trước khi nhảy, Jollbot ép khung hình cầu của mình lại. Khi đã sẵn sàng, nó giải phóng năng lượng đã được tích trữ để nhảy cao đến khoảng nửa mét".

Những hình mẫu tương lai của loại robot này có thể bao gồm một lớp da co giãn với những tế bào năng lượng mặt trời bên ngoài robot để nó có thể tự tích điện, cùng các thiết bị cảm biến được thiết kế đặc biệt cho phép robot cảm nhận được môi trường xung quanh.

Trùng Quang (Theo Space Daily)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.