Những người đàn ông 'bách phát bách trúng'

30/01/2015 03:00 GMT+7

Sau quá trình nghiên cứu, các chuyên gia Anh phát hiện di sản về nòi giống của Thành Cát Tư Hãn đang bị thách thức bởi những người đàn ông quyền lực khác.

Sau quá trình nghiên cứu, các chuyên gia Anh phát hiện di sản về nòi giống của Thành Cát Tư Hãn đang bị thách thức bởi những người đàn ông quyền lực khác.

Thành Cát Tư Hãn được cho là ông tổ của một nòi giống hiện diện đến 8% trong dân số đàn ông tại 16 cộng đồng dân cư châu Á Thành Cát Tư Hãn được cho là ông tổ của một nòi giống hiện diện đến 8% trong dân số đàn ông tại 16 cộng đồng dân cư châu Á - Ảnh: Reuters

Ngoài tài năng quân sự lỗi lạc và từng xây dựng nên đế quốc Mông Cổ cách đây nhiều thế kỷ, Thành Cát Tư Hãn còn được người đời sau biết đến với danh hiệu “một trong những người truyền giống thành công nhất” trong lịch sử loài người. Hiện hàng triệu đàn ông tại châu Á có thể lần ngược về 800 năm trước và phát hiện tổ tiên của mình chính là vị đại đế dũng mãnh từng xéo vó ngựa khắp lục địa Á - Âu. Điều gây ngạc nhiên hơn nữa là cách thức nòi giống của đại hãn có thể tiếp tục sinh sôi các đại diện nam giới để duy trì gien vượt trội của người từng thống trị nửa trái đất. Tuy nhiên, mới đây các chuyên gia phát hiện Thành Cát Tư Hãn, qua đời vào năm 1227, không phải là người đàn ông duy nhất "truyền giống" thành công như vậy. Giới khoa học vừa công bố danh tính 10 tên tuổi những đại diện phái nam đầy quyền lực và cũng có giống tốt không kém, giúp rải đầy con cháu trên lục địa châu Á đông đúc.

Di sản về gien di truyền của Thành Cát Tư Hãn lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2003, khi nhà di truyền học tiến hóa Chris Tyler-Smith phát hiện có đến 8% số đàn ông trong 16 cộng đồng dân số trải khắp châu Á, hay 0,5% số đàn ông trên toàn cầu, có cùng các chuỗi nhiễm sắc thể giới tính Y gần như tương đồng. Theo sử sách, Thành Cát Tư Hãn có 4 con trai chính thức, nhưng con ngoài giá thú ắt hẳn phải nhiều hơn số này. Theo di truyền học, các nhiễm sắc thể giới tính Y được truyền trực tiếp từ cha sang con. Một người đàn ông có cùng nhiễm sắc thể Y như cha, ông và những thế hệ nam giới trước đó trong cây phả hệ, loại trừ nguy cơ đột biến mỗi khi nhiễm sắc thể được sao chép và truyền lại cho đời sau. Do 0,5% số đàn ông trên thế giới hầu như có cùng các nhiễm sắc thể giới tính Y, điều này có nghĩa là tổ tiên của họ không ai khác ngoài Thành Cát Tư Hãn.

Tuy nhiên, nhóm của chuyên gia Mark Jobling, nhà di truyền học của Đại học Leicester ở Anh, giờ đây đã xác định được 10 người khác cũng gieo giống thành công không kém vị đại hãn của thảo nguyên Mông Cổ. Một trong số này là Giác Xương An, mất năm 1582, người đứng đầu Tả vệ Kiến Châu Nữ Chân sau đời nhà Minh, Trung Quốc (vào năm 2005 được tính toán có hơn 1,5 triệu con cháu). Một người nữa là Uí Néill, thuộc về dòng họ thống trị xứ Ireland thời Trung Cổ. Tổng cộng gien của 10 người này được phát hiện từ Tây Âu đến Đông Nam Á, trong giai đoạn từ năm 2100 trước Công nguyên đến năm 700. Trong danh sách, nổi bật nhất vẫn là gien của Thành Cát Tư Hãn và Giác Xương An, theo báo cáo đăng trên chuyên san European Journal of Human Genetics, nhưng chuyên gia Jobling lưu ý có khả năng sai sót về ngày tháng.

Khả năng truyền giống thành công và trải rộng như vậy phần lớn dựa vào cơ chế xã hội thời đó cho phép đàn ông có quyền lực được nhiều thê thiếp. Một số nòi giống có khuynh hướng phát triển về hướng tây, dường như dọc theo Con đường tơ lụa trước đây, theo nghiên cứu. Ở một số trường hợp, chuyên gia Jobling cho hay các con trai của những người này có thể bị chuyển đến những vùng xa xôi, và ở đó tiếp tục truyền giống thành công. “Bằng cách nào đó, có thể nhờ may mắn chẳng hạn, nhiều đàn ông có nhiều con trai. Thế nhưng điều chẳng thường xảy ra là bản thân những đứa con trai đó cũng đồng thời sinh ra nhiều hậu duệ giống đực”, chuyên san Nature dẫn lời Mark Jobling. “Bạn cần phải gia cố mức độ ảnh hưởng, nếu muốn gieo rắc dòng giống hiệu quả cho các đời sau”, theo Jobling.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.