Nhiên liệu đóng băng khiến vệ tinh định vị Galileo đi sai quỹ đạo

09/10/2014 09:30 GMT+7

(TNO) Nhiên liệu bị đóng băng trên tên lửa Soyuz của Nga là nguyên nhân khiến hai vệ tinh thuộc hệ thống định vị toàn cầu Galileo của châu Âu bay sai quỹ đạo vào tháng 8 qua, AFP ngày 8.10 dẫn kết luận cuộc điều tra cho hay.


Một tên lửa Soyuz của Nga được phóng từ trung tâm vũ trụ của châu Âu ở Kourou - Ảnh: AFP

Sự cố gây ra bởi vấn đề ở các ống nhiên liệu nằm trên tầng đẩy thứ tư Fregat của tên lửa Soyuz. Đây là một lỗi về kỹ thuật có thể dễ dàng điều chỉnh cho các đợt phóng trong tương lai, Giám đốc điều hành của hãng Arianespace Stephane Israel nói với AFP.

Các ống chứa nhiên liệu hydrazine, được sử dụng trên tầng đẩy tăng cường Fregat có nhiệm vụ điều khiển vệ tinh đi vào đúng vị trí của chúng trên quỹ đạo, đã bị đóng băng trong quá trình phóng do chúng nằm gần một ống helium lỏng siêu lạnh, theo phát hiện của các nhà điều tra.

Hai vệ tinh trên, mỗi cái trị giá 40 triệu euro (51 triệu USD) và nặng 700 kg, được phóng từ trung tâm vũ trụ của châu Âu ở Kourou, Guiana thuộc Pháp (Nam Mỹ) hôm 22.8. Theo kế hoạch thì chúng được đặt vào quỹ đạo có độ cao 23.500 km. Tuy nhiên thất bại ở tầng đẩy Fregat đã khiến các vệ tinh đi vào quỹ đạo 17.000 km, nơi chúng không hoạt động được.

Trước đó hai vệ tinh thứ năm và sáu của hệ thống Galileo này đã bị trì hoãn phóng hơn một năm do các vấn đề về kỹ thuật.

Hiện hai vệ tinh Galileo khác theo kế hoạch sẽ lên quỹ đạo vào cuối năm 2014, mở đường cho giai đoạn đầu tiên của các hệ thống dịch vụ Galileo trong năm 2015, bao gồm các ứng dụng cho điện thoại thông minh và định vị trên xe hơi, cũng như phục vụ cho công tác tìm kiếm và cứu hộ.

Đến năm 2017, theo lộ trình xây dựng hệ thống Galileo thì sẽ có tất cả 24 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo. Sáu vệ tinh dự phòng dự kiến sẽ gia nhập hệ thống vào năm 2020. Khi ấy hệ thống định vị Galileo sẽ hoạt động đầy đủ.

Được biết, chương trình Galileo trị giá 5,4 tỉ euro (7,2 tỉ USD) khi hoàn thành sẽ giúp châu Âu độc lập trong việc triển khai các ứng dụng định vị toàn cầu của mình, không còn phải phụ thuộc vào Hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ (GPS).

Ngoài châu Âu, Nga và Trung Quốc cũng đang xây dựng hệ thống định vị riêng cho mình, lần lượt là Glonass và Bắc Đẩu.

Tiến Dũng

>> Châu Âu điều tra nguyên nhân thất bại đợt phóng vệ tinh định vị Galileo
>> Nga 'sa thải' một vệ tinh định vị Glonass
>> Ấn Độ phóng vệ tinh định vị đầu tiên
>> Nga phóng thêm 4 vệ tinh định vị trong năm 2013
>> Mỹ phóng vệ tinh định vị lên quỹ đạo
>> Nga phóng thành công vệ tinh định vị
>> Trung Quốc phóng 2 vệ tinh định vị
>> Trung Quốc phóng vệ tinh định vị thứ 10
>> Giải mã thành công tín hiệu Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Galileo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.