Móng tay cổ nhất thế giới

19/08/2011 22:57 GMT+7

Theo chuyên san American Journal of Athropology, móng tay cổ nhất thế giới có cách đây 55,8 triệu năm, thuộc về một loài linh trưởng hiện đã tuyệt chủng có tên Teihardina brandti.

Mẫu vật hàm trên của con Teihardina brandti (trên) và mẫu sọ của con Tarsier, một loài khỉ lùn ở Đông Nam Á - Ảnh: Discovery

Đó là một loại động vật hữu nhũ giống vượn cáo chỉ dài khoảng 15 cm và sống trên cây.  Chuyên gia Jonathan Bloch của Bảo tàng lịch sử quốc gia Florida và là đồng tác giả nghiên cứu, nói với trang tin Discovery: “Dù chúng ta chưa chắc chắn về chức năng nguyên thủy của móng tay ở động vật linh trưởng, nhưng rõ ràng chúng đã tiến hóa trong bối cảnh sống trên cây, có thể liên quan tới những hành vi nắm bắt do phải di chuyển giữa những cành nhỏ…”.

Theo ông Bloch, những chiếc móng tiền sử “bẹt như móng của chúng ta, nhưng dài và giống vuốt hơn. Điều này phản ánh sự tiến hóa của móng từ tổ tiên có vuốt. Giả thuyết của chúng tôi là có thể truy nguyên nguồn gốc móng tay của con người ít nhất từ thời điểm này”, chuyên gia Blotch nói. Ông và các cộng sự đã đi đến phát hiện trên sau khi nghiên cứu hơn 25 mẫu mới của con Teihardina brandti.

Những hóa thạch này được thu thập trong 7 năm qua tại lưu vực Bighorn ở tây bắc bang Wyoming. Trong đời của con linh trưởng này, vào giai đoạn đầu của kỷ nguyên Eocene, một sự kiện ấm lên toàn cầu kéo dài 200.000 năm được biết đến với tên gọi Paleocene-Eocene Thermal Maximum đã xảy ra. Động vật hữu nhũ khi đó tiến hóa để trở nên nhỏ hơn. Đó cũng có thể là thời điểm tổ tiên của hươu và ngựa xuất hiện lần đầu tiên.

Hươu và ngựa có móng guốc, nhưng con người và các loài linh trưởng hiện đại có móng trên các ngón tay, chân. Chúng ta có nhiều thứ giống loài linh trưởng, và một điểm chung khác là phần đệm ngón tay. Chúng cho phép tiếp xúc nhạy cảm và khả năng nắm bắt đồ vật, cùng nhiều chức năng khác.

Khang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.