Mắc kẹt trong “vòng lặp thời gian”

28/01/2015 06:26 GMT+7

Trong một trường hợp đặc biệt, một người ở Anh không thể nào thoát khỏi cái gọi là “vòng lặp thời gian”, chỉ tình trạng mọi thứ trước mắt đều diễn ra tương tự nhau, khiến bệnh nhân buông bỏ hiện thực.

Trong một trường hợp đặc biệt, một người ở Anh không thể nào thoát khỏi cái gọi là “vòng lặp thời gian”, chỉ tình trạng mọi thứ trước mắt đều diễn ra tương tự nhau, khiến bệnh nhân buông bỏ hiện thực.

Trong phim Ngày chuột chũi ra rạp năm 1993, nhân vật nam chính do Bill Murray thủ vai trải qua một ngày kỳ quặc nhưng đầy thú vị. Từ đầu cho đến hết phim, anh ta sống trong một vòng lặp thời gian của một ngày cụ thể, và tha hồ làm mọi thứ điên rồ nhất để rồi khi thức dậy vẫn quay lại buổi sáng hôm đó. “Tôi bị dao đâm, súng bắn, uống thuốc độc, bị đông lạnh, treo cổ, điện giật đến chết và cháy trụi xác. Và mỗi buổi sáng, tôi thức dậy trong tình trạng hoàn hảo mà không bị chút xíu nào trầy xước. Tôi là người bất tử”, nhân vật chính trần thuật vào giữa bộ phim. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng đời không như là phim, nhất là đối với những người luôn rơi vào cảm giác ngờ ngợ khi đối mặt với một trường hợp nào đó.
Theo thống kê, khoảng 60% số dân trên thế giới ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời từng trải nghiệm cảm giác “dường như tôi đã gặp cảnh tượng/người này đâu đó”. Đối với hầu hết trường hợp, cảm giác rối rắm đến một cách chớp nhoáng và biến mất nhanh không kém. Tuy nhiên, một phần rất nhỏ trong số này không được may mắn như vậy. Với họ, nó là sự kiện thường nhật, và chẳng có gì thú vị khi lúc nào cũng có cảm giác “từng tương ngộ” đối với mọi vật. Đó là trường hợp của một thanh niên Anh, 23 tuổi, mà theo báo cáo trên chuyên san Journal of Medical Case Reports, là nạn nhân bị mắc kẹt trong cái mà anh gọi là “vòng lặp thời gian” trong suốt 8 năm dài. Ở trường hợp này, đối tượng không dừng lại ở cảm giác ngờ ngợ mà được xác định là “ảo ảnh dựa trên ký ức” xuất phát từ “sự kích hoạt sai lầm” của “những cảm giác quen thuộc”. Người này thật sự nghĩ rằng mình đang hồi tưởng lại những kinh nghiệm trong quá khứ. “Thay vì chỉ đơn giản là những cảm giác bối rối khi đối mặt cảnh tượng dường như đã gặp đâu đó, đối tượng than phiền rằng mình thực sự nhớ lại những kinh nghiệm trước đây, chứ không còn dừng ở mức cảm thấy quen thuộc”, theo báo cáo.
Không ai biết chắc nguyên nhân tại sao người này lại có cảm giác như vậy. Các triệu chứng về thể chất không giống như những người thường xuyên gặp cảm giác quen thuộc. Tình trạng phổ biến nhất ở những người này được cho là do vấn đề thần kinh, chẳng hạn như chứng động kinh thùy thái dương và mất trí nhớ. Ít nhất đó là vấn đề của một cụ ông 80 tuổi người Ba Lan, được trang tin New Scientist đề cập với biệt danh “ông P”. Ông P không xem truyền hình hoặc đọc báo, vì luôn cảm thấy mình đã biết trước nội dung. Khi được bác sĩ điều trị yêu cầu đến gặp chuyên gia về trí nhớ, ông lưỡng lự vì cho rằng đã gặp người đó rồi. Vấn đề của ông P chính là mất trí nhớ, nhưng tình trạng hoàn toàn khác với thanh niên 23 tuổi ở Anh. Giả thuyết ở đây là thanh niên này bị lo âu quá độ trong thời gian dài dẫn đến tâm lý có vấn đề. Nếu được chứng minh, đây có thể là trường hợp đầu tiên trên thế giới từng được ghi nhận mắc tình trạng “vòng lặp thời gian” do tâm lý.
Đối tượng ở Anh bắt đầu phát chứng này từ năm 2007, khi vào đại học, và từ đó tình hình ngày càng tệ hơn. Đến năm 2010, anh bỏ luôn chuyện đọc báo hoặc xem truyền hình và sau đó từ bỏ chuyện học. Các chuyên gia cho rằng nếu muốn mang bệnh nhân trở về với hiện thực, thoát khỏi “vòng lặp thời gian”, cần phải điều trị chứng lo lắng quá mức của người này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.