Dùng tiểu hành tinh chắn mặt trời

07/10/2012 03:50 GMT+7

Một giải pháp bất thường cho cuộc chiến chống lại tình trạng ấm lên toàn cầu: dùng bụi trên tiểu hành tinh làm đám mây khổng lồ tạo bóng mát cho trái đất.

Trái đất đang ấm lên và khí hậu đang thay đổi. Bên cạnh việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một số chuyên gia đề nghị các biện pháp có thể giúp kiểm soát khí hậu trên toàn hành tinh thông qua những dự án trên diện rộng, tạm gọi là địa kỹ thuật.

 Viễn cảnh kéo mây bụi bao phủ một tiểu hành tinh để chắn bức xạ mặt trời
Viễn cảnh kéo mây bụi bao phủ một tiểu hành tinh để chắn bức xạ mặt trời - Ảnh: WTF

Những dự án giảm 1,7% lượng bức xạ từ mặt trời được cho là có thể cân bằng ảnh hưởng tiêu cực từ tình trạng ấm lên toàn cầu trong trường hợp nhiệt độ trái đất tăng lên 2 độ C. Theo Ủy ban Liên chính phủ về thay đổi khí hậu của LHQ (IPCC), các mô hình dự đoán cho thấy nhiệt độ toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng từ 1,1 - 6,4 độ C vào cuối thế kỷ này. “Việc giảm 1,7% là rất nhỏ và con người trên trái đất khó nhận thấy sự khác biệt”, Russell Bewick, chuyên gia không gian của Đại học Strathclyde (Scotland), cho biết.

Trước đây, một số chuyên gia nghĩ ra viễn cảnh tạo những tấm kính khổng lồ che chắn toàn bộ mặt trời, nhưng mục đích của chuyên gia Bewick thật ra không phải vậy. Cái mà nhóm ông nhắm đến là một lớp bóng mát rất nhẹ bảo vệ hành tinh của chúng ta, hoặc đóng vai trò như lớp lọc bức xạ từ mặt trời. Với dự án phóng những tấm kính lên không gian, trở ngại chính là làm sao huy động được tài lực, công nghệ cần thiết để chế tạo và đưa những tấm gương phản xạ cực lớn như vậy trên quỹ đạo trái đất. Hiện chi phí vận chuyển hàng lên không gian đã lên đến cả chục ngàn USD cho 1 kg.

Một ý tưởng khác là dùng các bức màn bụi để che địa cầu, giống như tác dụng của mây. Dù có ưu điểm giống như dự án gương, nhưng mây bụi quanh trái đất đối mặt với nguy cơ bị tan theo thời gian trước ảnh hưởng của bức xạ mặt trời, cũng như lực hấp dẫn tác động từ mặt trời, mặt trăng và các hành tinh khác.

Theo dự án của Bewick,  thay vì dùng mây bụi quanh trái đất, các chuyên gia cho rằng nên tận dụng tiểu hành tinh để tạo nên neo trọng lực, giúp giữ đám mây bụi bao quanh hành tinh đó và kéo nó đến điểm có thể che được cho trái đất. Ý tưởng là đặt tiểu hành tinh ở điểm Lagrange L1, nơi lực hấp dẫn của mặt trời và trái đất gần như triệt tiêu. Điểm này gấp 4 lần khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng. Các chuyên gia đề nghị dùng một thiết bị chứa nam châm điện, vừa đóng vai trò làm tên lửa đặt tiểu hành tinh vào điểm L1, vừa tác động để kéo lớp bụi bao phủ bề mặt tiểu hành tinh đó lên độ cao thích hợp đủ che cho địa cầu. Theo tính toán, tiểu hành tinh cận trái đất nhất là 1036 Ganymed có thể duy trì một đám mây bụi lớn, có bề ngang 2.600 km, nặng 5 triệu tỉ kg, đủ để cản được 6,58% bức xạ mặt trời. Với khối lượng vào khoảng 130 triệu tỉ kg, Ganymed có thể bị liệt vào dạng “sát thủ trái đất”, như viễn cảnh trong phim bom tấn Armageddon, nhưng trên thực tế nó vẫn giúp ích được cho nhân loại nếu biết cách tác động, theo chuyên gia Bewick.

Tất nhiên, biện pháp này chỉ nhằm kéo dài thời gian để con người nghĩ ra cách giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chứ không phải là một giải pháp rốt ráo để giải quyết những hậu quả mà con người gây ra đối với hành tinh xanh của chúng ta. 

Hạo Nhiên

>> Sao chổi mới đang tiến đến mặt trời
>> Thu quang năng theo hướng mặt trời
>> Hệ Mặt trời sẽ có thêm các hành tinh mới ?
>> Trái Đất nóng lên nhanh hơn dự kiến
>> Trái Đất nóng lên, Olympic Vancouver... tan chảy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.