Đợt phun trào núi lửa đột ngột ở Nhật Bản là rất hiếm

29/09/2014 10:30 GMT+7

(TNO) Núi lửa Ontake ở Nhật Bản bất ngờ phun trào là một hiện tượng cực kỳ hiếm hoi, khiến nhà chức trách bất lực trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, AFP ngày 29.9 dẫn lời nhà nghiên cứu núi lửa người Pháp Jacques-Marie Bardintzeff nói.


Núi lửa Ontake bất ngờ phun trào mà không có dấu hiệu báo trước - Ảnh: AFP

Sau 35 năm không xảy ra vụ phun trào lớn nào, núi lửa Ontake, cao 3.067 mét ở quận Nagano miền trung Nhật Bản, bất ngờ "thức giấc" hôm 27.9, phun ra cột tro bụi mù mịt cùng đá và hơi nóng bao phủ các khu vực xung quanh.

Theo nhà núi lửa học Bardintzeff, thuộc Đại học Paris-Sud Orsay và Cergy-Pontoise, trả lời trong một cuộc phỏng vấn thì các đợt phun trào bất thình lình như vậy là rất hiếm.

Thường thì khi núi lửa bắt đầu hoạt động, sau khoảng 30 hay 40 năm ("ngủ yên") thì chúng ta có từ 24 đến 72 giờ để cảnh báo trước, với các hiện tượng sớm như dòng magma xê dịch, các đợt địa chấn nhỏ được ghi nhận cũng như có những thay đổi về nhiệt độ, Bardintzeff cho hay.

Thông thường thì thời gian có đủ để cảnh báo người dân sống ở khu vực ảnh hưởng đi sơ tán, hay đưa ra các lệnh cấm du khách đến những vùng nguy hiểm, ông Bardintzeff giải thích và cho biết, còn những vụ phun trào quá đột ngột như núi lửa Ontake thì việc cảnh báo chỉ vài phút trước khi vụ phun trào xảy ra không thể hiệu quả.

Vụ phun trào của núi lửa Ontake, đến nay có hơn 30 người được cho là đã thiệt mạng, không chỉ quá bất ngờ mà còn cực kỳ nguy hiểm vì xảy ra vào thời điểm cuối tuần có nhiều người bận rộn ở nhà.


Tro bụi núi lửa phủ kín một khu nhà. Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm các nhà leo núi mất tích - Ảnh: AFP

Theo Bardintzeff thì sự kết hợp các yếu tố trên đã đưa đến thảm họa. Ông Bardintzeff cũng cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến vụ phun trào đột ngột.

Đó là có thể magma nằm ở một vết nứt bùng nổ lên một đợt phun trào duy nhất và điều này là rất hiếm, hoặc cũng có thể do một loại phun trào đáng sợ khác được gọi tên là các đợt phun trào hydrovolcanic hay phreatomagmatic.

"Thường thì có những túi nước trong các núi lửa. Khi lượng magma tăng lên cùng với đó là một đợt nhiệt cao thì nước có thể bốc hơi cực nhanh tạo nên áp suất lớn đột ngột giống như trong một nồi áp suất", ông Bardintzeff giải thích về hydrovolcanic.

Nếu sức nén này lớn hơn sự chịu lực của bề mặt Trái đất, thì tất cả các loại đá sẽ bị phá hủy thành bụi và mảnh vỡ để tạo nên các vụ "nổ bom" bọt đá và tro bụi, nhà khoa học núi lửa Bardintzeff cho hay.

Đây là loại phun trào núi lửa đặc biệt nguy hiểm bởi tốc độ quá nhanh của các đợt bùng nổ, khiến không có dấu hiệu nào báo trước thảm họa có thể xảy ra.

Tiến Dũng

>> Núi lửa bùng phát dữ dội tại Nhật Bản
>> Núi lửa phun trào ở Nhật Bản, ít nhất 8 người bị thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.