Chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ

16/06/2011 09:17 GMT+7

(TNO) Rạng sáng nay (16.6), cùng với nhiều nước trên thế giới, người dân VN đã được chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần được cho là dài nhất thế kỷ 21.

Tại TP.HCM, buổi tối trước khi nguyệt thực diễn ra, thời tiết rất xấu. Mưa to và trời kéo nhiều mây. Mãi đến gần 1 giờ sáng 16.6, trời bắt đầu quang dần mặc dù vẫn còn nhiều lớp mây mù bao phủ.

Nguyệt thực một phần bắt đầu khoảng 1 giờ 40 phút. Mặt Trăng dần đi vào vùng bóng tối của Trái Đất, bị che khuất. Vào khoảng 2 giờ 35 phút là lúc Mặt Trăng bị che khuất cực đại, nguyệt thực toàn phần.

Khoảng thời gian Mặt Trăng bị che cực đại kéo dài rất lâu. Lúc này, Mặt Trăng có màu đỏ sẫm và dần dần chuyển thành đen. Sau đó, Mặt Trăng gần như biến mất trên bầu trời sau 30 phút.

Nguyệt thực kết thúc vào khoảng 4 giờ 30 phút. Như vậy, nguyệt thực dài nhất thế kỷ kéo dài đến hơn 3 giờ đồng hồ.

Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng ở vào vị trí thẳng hàng. Lúc này, Trái Đất nằm giữa Mặt Trăng và Mặt Trời. Vì vậy, Mặt Trăng bị che khuất bởi bóng của Trái Đất. Khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất, ta có hiện tượng nguyệt thực. Khi Mặt Trăng đi qua và nằm hoàn toàn trong vùng bóng tối của Trái Đất, hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra.

Nguyệt thực thường kéo dài lâu hơn nhật thực do bóng của Trái Đất lớn so với Mặt Trăng.

Theo các nhà thiên văn học, trong năm nay, ở Việt Nam có thể quan sát nguyệt thực hai lần. Rạng sáng nay là lần nguyệt thực đầu tiên trong năm và được coi là nguyệt thực dài nhất thế kỷ. Lần nguyệt thực thứ hai trong năm nay mà người dân ở VN có thể quan sát được xảy ra vào tối 10.12.

Dưới đây là một số hình ảnh về nguyệt thực rạng sáng nay, 16.6:

 

 

Tuấn Anh - Nguyên Mi
Ảnh: Tuấn Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.