Ấn Độ thử thành công tên lửa đẩy mới

18/12/2014 15:55 GMT+7

(TNO) Ấn Độ vào hôm nay (18.12) đã phóng thành công tên lửa lớn nhất của mình, với tham vọng nó sẽ giúp đưa một tàu vũ trụ có người lái bay vào không gian.

(TNO) Ấn Độ vào hôm nay (18.12) đã phóng thành công tên lửa lớn nhất của mình, với tham vọng nó sẽ giúp đưa một tàu vũ trụ có người lái bay vào không gian.

Đợt phóng tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ vào ngày 5.11.2013. Con tàu này bay vào quỹ đạo sao Hỏa ngày 24.9.2014 - Ảnh: AFP
 
Theo AFP, tên lửa đẩy vũ trụ mới, được thiết kế để đưa loại vệ tinh nặng hơn so với những vệ tinh mà nước này phóng vào không gian trước đây bay lên quỹ đạo cao hơn, rời bệ phóng vào lúc sáng sớm tại Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, thuộc bang đông nam Andhra Pradesh.
"Đây là một ngày rất quan trọng trong chặng đường lịch sử của chương trình không gian Ấn Độ", Chủ tịch Cơ quan Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) K.S Radhakrishnan nói.
Vào tháng 9 qua, nền khoa học vũ trụ Ấn Độ đã ghi một dấu ấn chói sáng với việc tàu thăm dò không người lái Mangalyaan của nước này bay thành công vào quỹ đạo của sao Hỏa, giúp đất nước Nam Á vượt mặt Trung Quốc, Nhật Bản trong cuộc đua đến hành tinh đỏ.
Mặc dù trong những năm gần đây, Ấn Độ đạt được nhiều thành công trong việc phóng vệ tinh lên quỹ đạo, tuy nhiên chúng chỉ là những vệ tinh nhỏ.
Với tên lửa mới trọng lượng 630 tấn, có khả năng mang được khối lượng 4 tấn, thì Ấn Độ mang nhiều hy vọng sẽ thâm nhập sâu hơn vào thị trường phóng vệ tinh béo bở trị giá 300 tỉ USD mỗi năm.
Tên lửa mới, được đặt tên là Geostationary Satellite Launch Vehicle Mk-III (GSLV Mark 3), trong đợt phóng thử này đã mang theo một khoang tàu không gian không người lái. Theo ISRO thì khoang tàu này đã tách thành công khỏi tên lửa và rơi xuống vịnh Bengal ngoài khơi bờ biển phía đông Ấn Độ 20 phút sau khi rời bệ phóng.
Khoang tàu không gian do Ấn Độ sản xuất được thiết kế để mang ba phi hành gia bay vào vũ trụ. Theo ISRO thì có thể mất bảy năm nữa để nước này thực hiện được đợt phóng tàu vũ trụ mang phi hành gia đầu tiên vào không gian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.