Kho vũ khí của NATO 'cạn kiệt'

20/06/2023 11:41 GMT+7

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết kho vũ khí và đạn dược của NATO đã cạn kiệt trong khi Đức được cho là chỉ còn 20.000 quả đạn pháo loại nổ mạnh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 19.6 có bài phát biểu tại sự kiện nhân Ngày Công nghiệp, được tổ chức tại thủ đô Berlin của Đức. Trong bài phát biểu, ông Stoltenberg cho biết NATO đã hỗ trợ ở mức độ chưa từng thấy cho Ukraine trong hơn một năm qua, nhưng ông nhấn mạnh liên minh cũng cần tăng cường khả năng phòng vệ của chính mình.

Vị quan chức cảnh báo rằng kho vũ khí của NATO đã cạn kiệt và cần bổ sung càng sớm càng tốt, theo thông cáo trên website của NATO.

Kho vũ khí của NATO 'cạn kiệt' - Ảnh 1.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin ngày 19.6

AFP

"Chúng ta cũng cần một ngành công nghiệp quốc phòng mạnh và một vài trong số các bạn đang có mặt tại đây hôm nay. Kho vũ khí và đạn dược của chúng ta đã cạn kiệt và cần được tái nạp, không chỉ tại Đức mà còn ở nhiều nước khác của NATO", ông Stoltenberg nói.

Tổng thư ký NATO cho biết ông đã có một cuộc họp hiệu quả với các đại diện công nghiệp quốc phòng vào tuần trước và đã thảo luận cách đẩy mạnh sản xuất, bảo vệ chuỗi cung ứng và dỡ bỏ rào cản trong việc hợp tác.

Kho vũ khí của NATO đã ‘cạn kiệt’

Ông Stoltenberg hoan nghênh việc nước Đức tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP từ năm 2024, tiêu chuẩn tối thiểu của các nước NATO. Ông cũng kỳ vọng các thành viên khác của liên minh sẽ đưa ra cam kết tương tự tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tại thủ đô Vilnius của Lithuania.

Những phát biểu của ông Stoltenberg được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo cuộc xung đột tại Ukraine có thể kéo dài. "Chúng tôi đang chuẩn bị cho khả năng đó và đang điều chỉnh các chính sách dựa trên điều đó", ông Scholz nói trong cuộc họp báo chung với ông Stoltenberg tại Berlin ngày 19.6, theo Reuters.

Kho vũ khí của NATO 'cạn kiệt' - Ảnh 2.

Quân nhân Ukraine chuẩn bị đạn pháo gần tiền tuyến ở Donetsk ngày 19.6

REUTERS

Đức đã viện trợ các hệ thống phòng không, xe tăng, pháo và đạn dược cho Ukraine từ đầu chiến sự. Theo ông Stoltenberg, nước này cũng đóng góp cho việc phòng vệ tập thể của NATO khi triển khai binh sĩ đến sườn phía đông, đưa máy bay và tàu chiến tham gia các hoạt động tại các nước đồng minh.

Triển lãm hàng không Paris tưng bừng chốt đơn "khủng", trang thiết bị quốc phòng gặp thời

Tờ Der Spiegel cùng ngày đưa tin quân đội Đức hiện chỉ còn khoảng 20.000 quả đạn pháo loại nổ mạnh. Tờ báo cho hay thông tin được lấy từ báo cáo mật của Bộ Quốc phòng chuẩn bị để thuyết phục ủy ban ngân sách phê chuẩn việc mua sắm vũ khí khẩn cấp.

Theo Der Spiegel, quân đội Đức cần tăng số lượng đạn pháo lên mức 230.000 quả trước năm 2031 để đạt chỉ tiêu của NATO, đó là có đủ đạn pháo để sử dụng trong một cuộc chiến căng thẳng kéo dài 30 ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.