Khô miệng gây hại cho sức khỏe thế nào?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
10/10/2022 10:13 GMT+7

Khô miệng xảy ra khi tuyến nước bọt không tiết đủ nước bọt để giữ ẩm miệng. Nước bọt đóng vai trò quan trọng duy trì sức khỏe răng miệng, hỗ trợ tiêu hóa. Do đó, khô miệng kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Nước bọt được tiết đều đặn sẽ giúp giữ độ ẩm môi trường trong miệng, ngăn ngừa sâu răng, hôi miệng và hỗ trợ chức năng tiêu hóa. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây khô miệng, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Khô miệng kéo dài sẽ gây sâu răng, hôi miệng và một số vấn đề sức khỏe khác

SHUTTERSTOCK

Thông thường, khô miệng là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang bị mất nước. Ngoài ra, khô miệng còn có thể do tác dụng phụ của thuốc, lão hóa, xạ trị hoặc một số bệnh như hội chứng Sjorgen.

Các loại thuốc gây khô miệng thường gặp là thuốc chống trầm cảm, thuốc ức chế men chuyển, thuốc kháng histamine và thuốc thông mũi. Trong khi đó, xạ trị gây khô miệng là do làm tổn hại tuyến nước bọt. Khô miệng có thể cải thiện khi hoàn tất xạ trị.

Tổn thương dây thần kinh do chấn thương hoặc điều trị một số căn bệnh ở đầu, cổ cũng có thể dẫn đến khô miệng. Ngoài ra, hút thuốc lá và uống rượu bia kéo dài cũng góp phần gây tình trạng này.

Khô miệng kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ hình thành các mảng bám, sâu răng và bệnh nướu răng. Nước bọt ít sẽ khiến vi khuẩn trong miệng phát triển mạnh hơn, gây hôi miệng.

Các biến chứng khác của khô miệng là lở miệng, tưa miệng và viêm môi góc cạnh. Khắc phục khô miệng sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng này trở nên nghiêm trọng.

Để ngăn khô miệng, việc đầu tiên là phải uống đủ nước, đồng thời tránh xa thuốc lá và rượu bia. Nếu uống thuốc là nguyên nhân gây khô miệng thì người bệnh hãy trao đổi với bác sĩ để thay bằng các loại thuốc không ảnh hưởng đến tuyến nước bọt trong miệng, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.