Khi tôi 18…

22/05/2016 08:00 GMT+7

Bước sang tuổi 18, nghĩa là đã ở độ tuổi trưởng thành, phảng phất trên gương mặt những người ở độ tuổi này là cả niềm vui xen lẫn âu lo.

Mình lớn hơn
Vũ Việt Anh, học sinh (HS) lớp 12TN2, Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng), kể vừa bước qua cái tuổi 17 của thời niên thiếu, chạm đến cái “tuổi trưởng thành” nên vui lắm. “Vui không phải vì mình lớn hơn, mà vui vì từ thời điểm này đã được mọi người, được xã hội công nhận là công dân chính thức trưởng thành, được đóng góp sức mình, trí tuệ của bản thân cho gia đình, cho xã hội nhiều hơn”, Việt Anh hào hứng cho biết.
Cũng theo chàng trai này, vì đã trưởng thành nên chẳng còn được bố mẹ nâng niu che chở, chẳng còn vô ưu vô lo mọi điều. Mà từ nay cần tập cho bản thân lối sống tự lập, biết tự chịu trách nhiệm với những gì mình làm. Và vì không còn là “đứa nhỏ” nữa, nên tự ý thức phải biết suy nghĩ thấu đáo, chín chắn trước những quyết định của bản thân. Phải nhận ra đâu là điều đúng, điều sai để cân nhắc việc nên làm và không nên làm.
Khi tôi 18… 2
Nguồn: Fanpage cử tri trẻ TP.HCM
Còn Phan Kim Yến, HS lớp 12D, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.Vũng Tàu), cho biết từ khi bước chân vào THPT đã phải sống xa nhà, phải tự lo cho bản thân, từ đó thời gian trưởng thành dường như đến sớm hơn. “Thế nhưng đến khi chính thức 18 tuổi, bỗng dưng thấy phấn khởi hơn rất nhiều. Vì sự trưởng thành chẳng còn do tự mình nghĩ, mà đã có quyền công dân thật sự, được khẳng định quyền làm người, cũng như tự thấy mình cần sống có trách nhiệm hơn nữa”, Kim Yến chia sẻ.
Nữ sinh này nói thêm, nếu như cách đây một, hai năm, vẫn còn có những suy nghĩ chưa sâu sắc, thì bây giờ bắt buộc phải tự điều chỉnh bản thân. Nhờ vậy suy nghĩ, hành động cũng đã “người lớn” hơn, chín chắn, biết lo cho tương lai hơn, và có những ước mơ, hoài bão để hướng đến và chinh phục.
Khi tôi 18… 3
Nguồn: Fanpage cử tri trẻ TP.HCM

Chính thức 18 tuổi, mình thấy phấn khởi hơn rất nhiều. Mình đã có quyền công dân thật sự, được khẳng định quyền làm người cũng như tự thấy mình cần sống có trách nhiệm hơn

Phan Kim Yến
HS lớp 12D, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Vũng Tàu
Những chia sẻ của Kim Yến hay Việt Anh cũng là tâm sự của nhiều người vừa chạm ngõ tuổi 18. Họ cảm thấy vui, vì khi được 18 tuổi đồng nghĩa với việc tự buộc bản thân phải lớn hơn trong suy nghĩ. Như Nguyễn Thị Tâm, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Quán Nho (Thiệu Hóa, Thanh Hóa), kể những năm 15 - 17 tuổi, mường tượng mọi điều trong mơ hồ. Nhưng từ khi bước vào tuổi 18, xác định được bản thân cần gì, thích gì đồng thời tự hiểu ra, cuộc đời mình do chính mình quyết định chứ chẳng thể dựa dẫm vào bất kỳ ai. Và nhất là biết sống vì người khác, vì cộng đồng, vì những người yếu thế, chứ không còn sống và chỉ lo chăm chút bản thân.
Sống có trách nhiệm hơn
“Đang ở tuổi hồn nhiên, bỗng chốc trở thành người trưởng thành, liệu rằng có gặp áp lực hay khó khăn gì không?”, chúng tôi hỏi. Lê Anh Viên, HS lớp 12A1, Trường THPT Vạn Tường (Quảng Ngãi), cười bảo: “Rất áp lực. Tuy nhiên cần tận dụng cơ hội từ áp lực ấy để làm động cơ phấn đấu cho chính mình, trở thành một người trưởng thành hơn qua từng ngày”.
Đã là người trưởng thành, những công dân 18 tuổi tự nhủ cần sống có trách nhiệm hơn. Và Việt Anh đã chuẩn bị sẵn vô số tình huống để chứng minh bản thân là người lớn. Nam sinh này cho biết nếu như trước đây mỗi khi gia đình bàn chuyện, vẫn muốn có ý kiến, nhưng sợ bị gạt phắt đi, sợ bị xem là trẻ con, sợ không được lắng nghe và tôn trọng… thì giờ đây phải để mọi người thấy rằng đã trưởng thành thật sự, chứ không phải trưởng thành vì cái tuổi, phải đóng góp những ý kiến trong những cuộc họp gia đình như thế.
Biết đấu tranh trước những cái xấu
Ông Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và bồi dưỡng kỹ năng sống, giá trị sống TP.HCM, chia sẻ: “Khi đã 18 tuổi thì tự ý thức mình là tương lai của đất nước. Vì thế hãy sống có trách nhiệm từ những việc nhỏ nhất. Hãy ý thức được sự cạnh tranh của công dân toàn cầu, có tư duy chiến lược trong việc lập thân lập nghiệp. Hãy biết đấu tranh trước những cái xấu. Và luôn nhớ và giữ gìn những giá trị cốt lõi nhân văn của người VN. Đồng thời biết cách phát huy hình ảnh của nước nhà với bạn bè quốc tế...”.
Nói về những tâm tư nguyện vọng của bản thân, Kim Yến nói vừa trở thành công dân tuổi 18, vừa là HS lớp 12, đã trải qua những khó khăn trong cuộc sống HS, chứng kiến độ khó của những kỳ thi THPT quốc gia ngày càng tăng, cũng như đang trải nghiệm những áp lực trong thi cử. Kim Yến hy vọng ngành giáo dục cần đổi mới hơn nữa, ít đặt nặng lý thuyết, hãy để HS được va chạm thực tế nhiều hơn, để HS không phải thụ động.
Cũng theo những công dân 18 tuổi này, hôm nay (22.5) họ có vinh dự lần đầu tiên trong đời được đi bỏ phiếu bầu cử. “Có một chút háo hức với sự kiện này. Và tôi hiểu được mình phải có trách nhiệm với lá phiếu ấy, chọn lựa những người tốt nhất”, Anh Viên nói.
Nhắn gửi với những người vừa bước sang tuổi 18, thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Hội Tâm lý học xã hội VN, nói rằng mỗi người chỉ có một đời để sống, muốn sống thêm một cuộc đời nữa là điều không thể. Chính vì vậy, đừng phí hoài tuổi trẻ khi phải vay mượn hoặc sống bằng sự kỳ vọng của người khác. Hãy là chính mình và mạnh dạn theo đuổi và quyết tâm thực hiện niềm đam mê của chính mình.
“Đừng cứ mãi nghĩ rằng mình còn nhỏ, còn có chỗ để dựa dẫm thì đến khi nào mới thực sự trưởng thành? 2 năm, 5 năm hay 10 năm nữa? Câu trả lời là ngay bây giờ và ngay lúc này. Mỗi giai đoạn cuộc đời đều có những vai trò và đặc điểm riêng, phải tự nhủ đã qua rồi cái thời ta được ngồi không để mọi người cung phụng, lo lắng và quan tâm. Đã đến lúc các bạn 18 tự khẳng định mình, trau dồi ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng sống, tích cực học hỏi kiến thức chuyên môn để có thể tự tin và bản lĩnh trong cuộc sống”, ông An nói.
Khi tôi 18… 4
Nguồn: Fanpage cử tri trẻ TP.HCM
Ý kiến
Vinh dự làm cử tri
Cuối tuần này em sẽ về Đồng Nai tham gia bầu cử tại địa phương. Lần đầu được cầm phiếu bầu cử, em thấy vinh dự khi bản thân được là một công dân thực sự trưởng thành. Là một sinh viên có trách nhiệm, em sẽ tìm hiểu thông tin thật kỹ về các ứng cử viên đại biểu để có lựa chọn đúng nhất. Một lá phiếu của em dù nhỏ bé nhưng sẽ góp phần bầu ra những người xứng đáng nhất.
Trần Mỹ Hạnh
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM
Mong muốn trở thành đại biểu Quốc hội
Em mong muốn chúng ta sẽ tìm ra được những đại biểu thực sự tài năng, phẩm chất tốt, tận tụy và có trách nhiệm. Những đại biểu này sẽ góp phần để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế xã hội đất nước đang đặt ra, đặc biệt là vấn đề việc làm cho giới trẻ. Có thể còn quá sớm nhưng em sẽ phấn đấu hết sức để một ngày có thể được ứng cử đại biểu Quốc hội trong tương lai.
Nguyễn Tuấn Anh
Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM
Kết nối sinh viên với doanh nghiệp
Sinh viên hiện nay ra trường gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề tìm kiếm việc làm. Vì vậy, mong ước không chỉ của riêng tôi mà rất nhiều bạn trẻ nói chung là làm sao Quốc hội làm cầu nối giữa sinh viên với các doanh nghiệp ngay khi họ vừa đặt chân vào giảng đường đại học để giúp họ có thời gian tìm kiếm việc làm phù hợp.
Tú Uyên
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Cần nhiều diễn đàn giúp thanh niên lập nghiệp
Theo mong muốn của riêng tôi, trong thời gian tới Quốc hội cần tạo thêm nhiều diễn đàn, hội nghị về các vấn đề lập thân lập nghiệp cho thanh niên. Nâng cao chất lượng tri thức và tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh liên quan đến vấn đề khởi nghiệp, làm giàu nhằm kích thích khả năng tư duy, sáng tạo ra những ý tưởng lập nghiệp mới lạ của giới trẻ.
Võ Anh Dũng
Giáo viên ở Q.6, TP.HCM
Phát triển lao động kỹ thuật cho thanh niên
Quốc hội cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của thanh niên như: tạo nhiều việc làm, xây dựng hình ảnh, hoài bão cho giới trẻ; giảm lao động thủ công và chú trọng phát triển lao động kỹ thuật cho thanh niên. Bên cạnh đó, Quốc hội cần có nhiều chính sách để giúp đỡ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn nhưng nhiệt huyết trong công việc. Mạnh dạn thí điểm những mô hình đào tạo nguồn nhân lực trẻ để từ đó phát hiện, bồi dưỡng những người có tài, có đức để bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng phục vụ lại nhân dân.
Võ Ngọc Trương
Ngụ P.11, Q.6, TP.HCM
Hà Ánh - Lê Thanh 
(ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.