Khi số phận chọn Nguyễn Việt Chiến làm ngọn bút thơ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/04/2024 17:48 GMT+7

'Khi số phận chọn ta làm ngọn bút/Phất lên đầu sóng dữ một bài ca' là tâm sự của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tại hội thảo 'Thơ và trường ca Nguyễn Việt Chiến'.

"Khi số phận chọn ta làm ngọn bút/Phất lên đầu sóng dữ một bài ca" là những câu thơ trong bài Gửi bạn bè của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Đây cũng là một phần lời tự sự, đúng hơn là "tuyên ngôn thi ca" của ông tại hội thảo "Thơ và Trường ca Nguyễn Việt Chiến" do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày 25.4. Đây cũng là tên một cuốn sách của ông.

Khi số phận chọn Nguyễn Việt Chiến làm ngọn bút thơ- Ảnh 1.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

NVCC

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ về hành trình thơ của mình: "Trước đây, thơ tôi khắc họa nỗi đau chiến tranh với cái nhìn của một nhà thơ yêu nước muốn được sẻ chia với những mất mát, đau thương của dân tộc mình. Sau này, thơ tôi nghiêng về phía khắc họa nỗi buồn của con người thời hậu chiến trong đời sống đô thị công nghiệp hóa đang làm tổn hại thiên nhiên và nghiền vụn thời gian sống văn hóa của con người. Nói tóm lại, số phận con người cùng với những khát khao, dằn vặt, yêu thương, đau đớn và mơ ước, hy vọng của họ chính là mối quan tâm lớn nhất của thơ tôi".

Với những bài thơ đi theo tuyên ngôn này, Nguyễn Việt Chiến là một giọng thơ được người đọc chú ý, đồng nghiệp và nhà phê bình chú ý.

Nhà thơ Hải Đường cho rằng: "Còn có thể bàn đến nhiều đặc sắc trong thơ Nguyễn Việt Chiến. Là nội lực vạm vỡ của tư tưởng, của các vấn đề thời sự và thế sự. Là chất thi sĩ căng tràn dẫn dắt những câu thơ, bài thơ cất cánh, giống như 'chim hạc bay, mà không cần vỗ cánh'. Là giữ được nét đẹp truyền thống trong nỗ lực cách tân thơ. Là ngôn ngữ thơ trong sáng, giàu hình ảnh…".

Cuốn Thơ và Trường ca của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Cuốn Thơ và Trường ca của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

NVCC

Nhà nghiên cứu Văn Giá đánh giá Nguyễn Việt Chiến có một nội lực thơ vạm vỡ, và thi triển nội lực này trên khá nhiều chủ đề: thế sự, sử thi, tâm linh, tình yêu hay một hình dung khác: phố và quê, đồng/rừng và biển, đảo và bờ, tôi và tha nhân, anh và em, con và mẹ… "Tuy nhiên, với nhiều biến tấu, các chủ đề chan vào nhau, đổ trong nhau, như chính sự sống vốn chẳng mấy khi chịu hãm trong những lằn ranh dứt khoát", nhà nghiên cứu này đánh giá.

Cũng theo ông Văn Giá, thơ Nguyễn Việt Chiến có cả mảng nổi lẫn mảng chìm, phần sử thi "ăn sóng nói gió" và phần thăm thẳm nội tâm, vô thức, ẩn mật, bản năng. Chính cái phần sau, phần chìm khuất này mới là chỗ kết tinh gương mặt thi sĩ đích thực Nguyễn Việt Chiến. Ông Giá cũng cho rằng hành trình thơ Nguyễn Việt Chiến là sự chuyển đổi từ ít vỉa đến đa vỉa, từ trong lành thanh tân đến suy tư nghĩ ngợi, từ sáng tỏ ý thức đến vùng mờ vô thức, từ trần thế đến tâm linh, từ yêu đương đến yêu thương...

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đi công tác tại Trường Sa

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đi công tác tại Trường Sa

NVCC

Nhà báo, nhà nghiên cứu Đỗ Anh Vũ nhìn lại hành trình thơ của Nguyễn Việt Chiến để thấy trong những mảng nội dung quan trọng làm nên tên tuổi thi ca của ông, chính là những bài thơ công dân, những bài thơ về Tổ quốc, người lính, chiến tranh. "Có lẽ Nguyễn Việt Chiến là thi sĩ đương đại có nhiều bài thơ với nhan đề Tổ quốc và đất nước nhất: Tổ quốc nhìn từ biển, Tổ quốc là tiếng mẹ, Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra, Mẹ - Tổ quốc, Tổ quốc nơi biên thùy, Tổ quốc bên bờ biển cả, Thời đất nước gian lao, Ta như cỏ trên ngực trần đất nước...

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến sinh năm 1952 tại Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội. Ông vào bộ đội năm 1970, xuất ngũ năm 1974 rồi tốt nghiệp đại học ngành địa chất. Từ năm 1990 ông chuyển sang viết báo, làm phóng viên tại Báo Thanh Niên từ năm 1992.

Nguyễn Việt Chiến xuất bản nhiều tập thơ như: Mưa lúc không giờ, Ngọn sóng thời gian, Cỏ trên đất, Những con ngựa đêm, Tổ quốc nhìn từ biển, Trường ca Biển, Thi giác và ảo giác. Tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển nhận giải thưởng Tôn vinh của Hội Nhà văn Việt Nam cho các tác phẩm về đề tài biên giới hải đảo.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.