Khi nào được yêu cầu CSGT chứng minh vi phạm bằng hình ảnh?

30/03/2024 14:09 GMT+7

Một số clip tranh cãi giữa CSGT và người tham gia giao thông vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trên mạng xã hội. Vậy trường hợp nào người tham gia giao thông được yêu cầu CSGT chứng minh vi phạm bằng hình ảnh?

Trên các nhóm mạng xã hội, khi một clip ghi lại tình huống CSGT dừng xe người tham gia giao thông được đăng tải thì lại xuất hiện những ý kiến tranh luận khác nhau. Trong đó, không ít người thắc mắc: "Khi nào người tham gia giao thông được yêu cầu CSGT chứng minh vi phạm bằng hình ảnh?".

Đây không phải là nội dung mới nhưng luôn nhận được các quan điểm trái chiều.

CSGT phát hiện vi phạm thế nào?

Lãnh đạo một đội CSGT cho biết, theo quy định, CSGT được dừng xe khi phát hiện vi phạm trực tiếp mà không cần chứng minh bằng hình ảnh. Tuy nhiên, để củng cố chứng cứ, khi có hình ảnh từ camera sẽ thuyết phục hơn, tránh trường hợp người dân dừng xe làm việc nhưng không chấp nhận lỗi vi phạm.

Khi nào được yêu cầu CSGT chứng minh vi phạm bằng hình ảnh?- Ảnh 1.

CSGT TP.HCM được cấp camera khi tuần tra kiểm soát

Vũ Phượng

Theo tìm hiểu của PV, các đội/trạm CSGT trên địa bàn TP.HCM đều cấp camera cho cán bộ khi thực hiện tuần tra kiểm soát, camera này được yêu cầu mở suốt quá trình công tác. Các camera thường gặp nhất là: camera cầm tay, camera mini gắn trên nón bảo hiểm hoặc trên áo của CSGT.

"Khi xử lý vi phạm các lỗi: đi sai làn đường, phần đường, đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, CSGT dùng camera cầm tay hoặc bố trí cán bộ đeo camera trên ngực áo/nón bảo hiểm đứng tại giao lộ dễ quan sát, vừa thấy đèn vừa ghi lại được hình ảnh người vi phạm", lãnh đạo đội CSGT cho hay.

Khi nào được yêu cầu CSGT chứng minh vi phạm bằng hình ảnh?

Do vậy, khi dừng xe người tham gia giao thông báo lỗi vi phạm, nhìn thấy camera gắn trên ngực áo hoặc trên nón CSGT, hiếm khi xảy ra trường hợp cự cãi. "Đa số các giao lộ ở TP.HCM sẽ có camera của Sở GTVT hoặc quận nên khi người tham gia giao thông vừa hỏi, chúng tôi chỉ lên camera thì họ không cự cãi, chấp nhận lỗi", vị CSGT chia sẻ.

Khi nào được yêu cầu CSGT chứng minh vi phạm bằng hình ảnh?- Ảnh 2.

CSGT TP.HCM thường dùng camera gắn trên nón bảo hiểm hoặc ngực áo

Vũ Phượng

Trước đây, tại TP.HCM cũng từng xảy ra tranh cãi gay gắt khi CSGT lập biên bản 1 người đi xe máy lỗi đi vào đường cấm, người này cầm điện thoại quay lại clip, không chấp nhận lỗi và khẳng định mình không sai.

Trong tổ tuần tra khi đó, CSGT đeo camera gắn trên ngực áo đang lập biên bản 1 trường hợp khác, 1 CSGT khác thổi phạt người đi xe máy nên không ghi lại hình ảnh khi vi phạm.

"Về nguyên tắc, CSGT được lập biên bản khi phát hiện trực tiếp, nhưng vì người vi phạm vẫn cự cãi nên khi đó CSGT đã trích xuất camera trên đường để người này tâm phục khẩu phục", CSGT thông tin.

Quy định thế nào?

Hiện nay, nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT được quy định tại Thông tư 32/2023 của Bộ Công an.

Lãnh đạo đội CSGT khác cho hay, CSGT sẽ di chuyển trên tuyến, địa bàn được phân công bằng phương tiện giao thông hoặc đi bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành, trực tiếp quan sát hoặc thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Khi nào được yêu cầu CSGT chứng minh vi phạm bằng hình ảnh?- Ảnh 3.

Camera của CSGT được yêu cầu mở suốt quá trình tuần tra kiểm soát

Vũ Phượng

Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định, cán bộ CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

"Như vậy, CSGT vẫn được dừng xe với những lỗi vi phạm do chính lực lượng thực thi nhiệm vụ phát hiện để xử lý mà không cần chứng minh, cung cấp hình ảnh vi phạm. Trường hợp phát hiện vi phạm qua trang thiết bị nghiệp vụ như: máy bắn tốc độ, ghi hình phạt nguội… các đoạn video clip hoặc hình ảnh cá nhân, tổ chức cung cấp, người vi phạm yêu cầu chứng minh thì CSGT cho xem để họ tâm phục, khẩu phục xác nhận hành vi vi phạm của mình", lãnh đạo đội CSGT thông tin.

Xem nhanh 12h ngày 31.3: Khi nào được yêu cầu CSGT chứng minh vi phạm bằng hình ảnh?


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.