TNO

Khi con dê trở thành ‘đồng tiền’ chính ở Kenya

16/02/2015 12:25 GMT+7

(Tin Nóng) Nắng hạn gay gắt kéo dài triền miên suốt hai năm, người dân ở hạt Kitui, miền Đông nước Kenya đã thức thời bằng cách chuyển dịch đầu tư vào những con dê vì chúng không chịu ảnh hưởng sự khắc nghiệt của thời tiết.

(Tin Nóng) Nắng hạn gay gắt kéo dài triền miên suốt hai năm, người dân ở hạt Kitui, miền Đông nước Kenya đã thức thời bằng cách chuyển dịch đầu tư vào những con dê vì chúng không chịu ảnh hưởng sự khắc nghiệt của thời tiết.


Dê là đầu ra cho người nông dân trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở đông Kenya - Ảnh: IRIN News

Các chủ nông trại quy mô nhỏ đã góp vốn vào một quỹ tiết kiệm để được hưởng những khoản vay nhỏ, nhằm hoàn thiện nông trại của mình và đẩy mạnh thu hoạch các loại cây trồng chịu được khí hậu khắc nghiệt, chẳng hạn cây đậu săng. Tuy nhiên, theo bà Elizabeth Nguuti, một nông dân 39 tuổi từ nhóm trợ giúp tại làng Kithambioni vùng Mwingi, “Thậm chí cả cây đậu săng giỏi chịu đựng ở trang trại chúng tôi cũng bị kiểu thời tiết này làm gần như khô kiệt, thì không có loại cây trồng nào khác có thể sống sót”.

Vì vậy, để giữ tiền của mình, nhóm đã xoay sang khoản đầu tư an toàn hơn: Đó là loài dê khỏe mạnh tại địa phương, theo bà Nguuti: “Chúng tôi trông mong vào loài dê bản địa đã sống qua nhiều năm với điều kiện khí hậu này”.

Hầu hết dê trong khu vực là giống dê nhỏ Đông Phi lai với giống dê lớn Galla, đến từ một khu vực khô hạn hơn từ phía bắc Kenya. Theo các nông dân, loài dê mới có tên gọi Ukambani này có thể nuôi trong điều kiện cực kỳ khô nóng và ngày càng trở nên phổ biến trong khu vực.

Theo bà Nguuti, lần cuối cùng khu vực này có đủ mưa để thu hoạch một vụ mùa đáng kể là vào năm 2012, các thành viên trong nhóm khó khăn trong việc trả nợ và không đủ khôn ngoan để đưa ra điều gì mới cho sản xuất vụ mùa. Một phương thức gọi là “giao dịch ngân hàng tại bàn” - vì thực tế các nhà nông chỉ cần một cái bàn gỗ nhỏ để ngồi họp, ghi chép, giao dịch với nhau -  đã được tổ chức chống đói nghèo phi chính phủ ActionAid International Kenya giới thiệu đến các khu vực Mwingi trong năm 2011 như là một phần của nỗ lực tăng cường sinh kế nơi các vùng đói nghèo.

Thế nhưng việc thay đổi nhiệt độ và lượng mưa đã gây khó khăn. Serah Mwingi, một nhân viên của tổ chức trên cho biết: “Chúng tôi rất lo lắng khi điều kiện khí hậu trở nên tồi tệ trong khu vực này. Tuy nhiên, để giảm bớt nỗi lo, với những kiến thức về bản địa, người nông dân đã giới thiệu về loài dê và chúng tôi rất vui với kết quả đạt được”.

Theo Mwingi, tổ chức đã đưa ra loài dê Galla trắng thuần chủng nhằm giúp cải thiện khả năng chịu hạn của loài động vật địa phương.

Theo một ấn phẩm của Infonet Bio-Vision, thuộc Biovision Foundation, một tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ, thì loài dê này hơi cao và có thể vươn  cao hơn để tìm kiếm thức ăn trong các bụi cỏ. Nhờ vào sáng kiến của ngân hàng cộng đồng, nhóm Kwaituto Self Help Group, với 22/25 thành viên là phụ nữ, nay đã có hơn 300 con dê lai. Sau khi chuyển sang nuôi dê, vốn đầu tư của họ vào tháng trước đã tăng lên 810 USD từ 150 USD vào năm 2012.


Con dê là tài sản quý của nhiều gia đình - Ảnh: World Vision

Musili Kaka, người đứng đầu nhóm Kwaituto Self Help Group nói: “Loài dê bản địa là lẽ sống an toàn cho chúng tôi trong khu vực hạn hán này. Đúng là chúng ăn bất kỳ loài cỏ cây nào sẵn có, dù ngọt hay đắng, uống rất ít nước, hầu như không bị nhiễm bệnh và đối với tôi, chúng là những con vật cứu mạng”. 

Jane Ngima, cũng là thành viên trong nhóm, nhớ lại cách đây 4 tháng, khi bà được yêu cầu để trả món nợ vay từ ngân hàng cộng đồng, nhưng bà không có tiền mặt: “Tôi đã bán một con dê được khoảng 33 USD, trả hết các khoản vay khoảng 14 USD và dùng số tiền còn lại để mua một con dê con. Con dê nhỏ nay đã trưởng thành và có thể bán được 33 USD nữa, nhưng tôi sẽ không bán vì nó đã có thai, sắp sinh cho tôi vài dê con và thế là tôi sẽ có một đàn dê”.

Nicolas Mwanzia Kilaka, một thành viên của nhóm Muangeni Self Help Group tại làng Kyusiani cho rằng: “Với dê, chúng tôi chắc chắn rằng mình đã sẵn có một số vốn, dù còn lâu trời mới mưa”.

Thông qua chương trình ActionAid, 800 nông dân ở Mwingi đã khởi động sáng kiến ngân hàng cộng đồng để được khoản tín dụng mà không có sự tham gia của các tổ chức tài chính. Theo Serah Mwingi, tất cả nông dân trong vùng đã thực hiện việc nuôi giữ dê bản địa như một biện pháp thích ứng với tình trạng khô hạn kéo dài.

Ngoài bán dê kiếm thu nhập, người nông dân còn vắt sữa. “Sữa vắt rất ít, khoảng nửa lít mỗi ngày, nhưng ít nhất cũng đủ cho họ thêm sức chịu đựng điều kiện khí hậu khắc nghiệt trong ngày,” Kilaka nói.

P. Nguyễn Dũng
(tổng hợp)

>> Năm dê nói chuyện dê: Vang danh dê núi Ninh Bình
>> Singapore 50 tuổi: Điểm đến tết con Dê
>> Năm gợi ý để ‘sung’ trong năm Con Dê 2015

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.