Khi bài Tiến quân ca vang lên trong xà lim Hỏa Lò

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
21/07/2023 07:18 GMT+7

Khi tiếng violon bài Tiến quân ca vang lên trong triển lãm Mầm xanh trên đá tại khu di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), lòng biết ơn về những người trẻ đã chiến đấu vì Tổ quốc năm xưa lại dâng lên.

Những ngày xanh, ngày thành đồng…

Bà Nguyễn Hạc Đạm Thư (88 tuổi) xúc động đứng trước tấm ảnh các nữ sinh Hà Nội diễu hành trên đường phố, giương khẩu hiệu tưởng nhớ những học sinh miền Nam bị kẻ địch giết hại, ngày 20.1.1950. Bà là một trong những nữ sinh tham gia đoàn diễu hành đó, và tới giờ vẫn nhớ tên của hầu hết người trong ảnh.

Khi bài Tiến quân ca vang lên trong xà lim Hỏa Lò - Ảnh 1.

Học sinh, sinh viên cầu siêu cho anh Trần Văn Ơn ở chùa Quán Sứ

Tư liệu triển lãm

"Tôi khi đó là liên tổ trưởng của nhóm. Trong ảnh phần lớn là lớp tôi, lớp đệ ngũ trường Trưng Vương. Lớp chúng tôi khi đó chưa phải đi thi nên tập hợp lại đi diễu hành. Cô này bị bắt này. Cô này thì em gái bị bắt thay. Lớp chúng tôi có khoảng 11 người bị bắt, còn thì những lớp khác. Bức ảnh này chụp ở con đường dẫn vào Nhà thờ Lớn", bà Thư nhớ lại.

Có nhiều người khác cũng nhận ra chính mình hoặc người thân trong những bức ảnh tư liệu tại trưng bày chuyên đề Mầm xanh trên đá, do Ban quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò tổ chức nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27.7.

Bà Trần Thị Thanh Hà nghẹn ngào gần như không nói được rõ, bàn tay vuốt vuốt liên tục trên tấm ảnh cha mình. Cha của bà là học sinh kháng chiến Trần Khắc Cần (Lê Văn Ba), bị thực dân Pháp bắt, giam tại nhà tù Hỏa Lò năm 1952 - 1953. Ông Cần từng chia sẻ, trong những ngày ở tù đó, ông cùng 3 người bạn nữa đều tham gia dạy văn hóa.

"Học sinh nhiều người chưa biết chữ, phần lớn mới qua lớp 3, lớp 4. Giấy viết là sàn xi măng, vỏ bao thuốc lá. Bút, mực là than củi, phấn trắng, gạch non, thuốc đỏ, thuốc xanh xin ở trạm xá. Chúng tôi say mê học tập, quyết tâm nâng cao kiến thức để khi ra tù cống hiến tốt hơn cho cách mạng", những ghi chép của ông Cần cho biết.

Khi bài Tiến quân ca vang lên trong xà lim Hỏa Lò - Ảnh 2.

Anh Trần Văn Thụ kéo đàn bài Tiến quân ca trong nhà tù Hỏa Lò

Trưng bày Mầm xanh trên đá có 3 phần nội dung. Phần 1 Tuổi xanh nơi ngục lửa tái hiện các phong trào đấu tranh sôi nổi của học sinh, sinh viên hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946. Trong số này, Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt với 40 thành viên trong độ tuổi từ 12 - 17 đã mở đường bí mật cho lực lượng của ta trở lại Hà Nội, chuyển thư và tài liệu, rải truyền đơn, dẫn đường cho công an trừng trị tay sai đắc lực của địch… Trong quá trình hoạt động, nhiều đội viên bị thực dân Pháp bắt, giam tại nhà tù Hỏa Lò.

Phần 2 Ngọn lửa thành đồng có nhiều tư liệu về tuổi trẻ miền Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước với nhiều hình thức như: bãi khóa, biểu tình... Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt do chính quyền VN cộng hòa thành lập đầu năm 1971 đã giam hơn 600 tù nhân từ 12 - 17 tuổi, do họ có cảm tình với cách mạng và công cuộc giải phóng miền Nam. Trong số này, Anh hùng lực lượng vũ trang Mai Thanh Minh đã bị bắt khi mới 14 tuổi, kết án 10 năm tù khổ sai. Phần nội dung này cũng kể về cuộc vượt ngục của 13 tù nhân để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Phần 3 Ký ức không phai nói về sự tri ân với những học sinh, sinh viên, người tù năm xưa. Họ cùng nhau tổ chức hoạt động tưởng niệm, phối hợp tìm kiếm đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương.

Khi bài Tiến quân ca vang lên trong xà lim Hỏa Lò - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Hạc Đạm Thư xúc động đứng trước tấm ảnh các nữ sinh Hà Nội diễu hành

Trinh Nguyễn

Bài Tiến quân ca trong Hỏa Lò

Trưng bày Mầm xanh trên đá có nhiều câu chuyện cụ thể qua tư liệu ảnh. Một trong số đó là câu chuyện học sinh, sinh viên rước ảnh anh Trần Văn Ơn trong buổi diễu hành ngày 20.1.1950. Anh Trần Văn Ơn (1931 - 1950) bị kẻ địch sát hại ngày 9.1.1950 trong cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên.

Hồi ký Nữ sinh kháng chiến Chu Văn An ngày ấy của tác giả Đỗ Hồng Phấn có đoạn: "Không khí căm giận trong thành phố lớn tới mức chùa Quán Sứ và Nhà thờ Lớn đều đứng ra cùng học sinh làm lễ cầu hồn và cầu siêu, còn chính quyền thành phố thì cho học sinh nghỉ học đi truy điệu cả ngày, cho nên học sinh tham gia chẳng thiếu bạn nào. Đội ngũ chỉnh tề, mỗi trường mỗi đoàn, rồi băng khẩu hiệu và vòng hoa, tất cả nam nữ mặc quần áo toàn trắng và băng tang đen trên ngực…".

Một bức ảnh đen trắng lại kể chuyện anh Trần Văn Thụ, học sinh kháng chiến trường Chu Văn An, chơi đàn trong nhà tù Hỏa Lò vào dịp Tết Canh Dần 1950. Khi đó, anh là thành viên của đoàn học sinh kháng chiến và các nhân sĩ Hà Nội thăm tù chính trị tại đây.

Ban tổ chức trưng bày cho biết, Trần Văn Thụ với cây đàn violon được dẫn vào khám tử tù. Giám thị dặn Thụ chỉ được đàn một bài, không được nói câu gì với tù nhân. Trong tranh tối tranh sáng, Thụ thấy anh tử tù ngồi ở góc xà lim, chân trong cùm. Anh cất tiếng đề nghị, đàn cho tôi nghe bài Tiến quân ca. Thụ không chần chừ, đưa đàn lên vai… Thụ đàn đến 2 lần bài Tiến quân ca. Xung quanh im phăng phắc, chắc hẳn tiếng đàn đã vang tới các buồng giam bên cạnh.

Trong chương trình xem trưng bày, Ban quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò cũng tổ chức 2 hoạt cảnh: học sinh, sinh viên biểu tình đòi trả lại tự do cho các học sinh bị bắt; anh Trần Văn Thụ chơi violon trong nhà tù Hỏa Lò. Hoạt cảnh đều do các cán bộ Ban quản lý ở đây tham gia diễn xuất.

Anh Đức Anh, người vào vai anh Trần Văn Thụ, cho biết mình hồi hộp và tìm đọc tư liệu về hoàn cảnh lúc bấy giờ. "Tôi chỉ nghĩ rằng khi mình là anh Thụ trong hoàn cảnh đó, tất cả những gì mà một học sinh có thể làm ngay tại phòng giam là dùng tiếng đàn của mình, cảm xúc của mình truyền đi ý chí và sự đồng lòng vào từng nốt nhạc của cây vĩ cầm trong tay", anh Đức Anh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.