Khẩu chiến Mỹ - Trung giữa châu Á nóng bỏng

23/08/2016 19:07 GMT+7

Quân sự hóa phi pháp Biển Đông, tập trận ồ ạt, chạy đua vũ trang liên tục - những diễn biến đó đang làm cho châu Á- Thái Bình Dương nóng lên, lôi Mỹ và Trung Quốc vào cuộc khẩu chiến không khoan nhượng.

Tâm điểm của căng thẳng trong khu vực bắt nguồn từ các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông trong khi tình hình biển Hoa Đông cũng đang dậy sóng, bán đảo Triều Tiên "nóng" hừng hực.
Chính nhà phân tích cao cấp tại tổ chức mang tên Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG) ở Bắc Kinh Yanmei Xie nhận xét rằng quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng đã xấu đi thấy rõ trong bối cảnh cả khu vực đang bị lôi vào một cuộc chạy đua vũ trang.
Báo Washington Post ngày 22.8 dẫn lời bà Yanmei nói: "Trước đây, khu vực đang giữa tiến trình hội nhập kinh tế, xây dựng nhiều diễn đàn đa phương và vận hành khu vực dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Nhưng trong những năm gần đây, tất cả đã thay đổi. Đó là nơi diễn ra chạy đua vũ trang và tăng cường các vũ khí đánh chặn cùng với sự đổ vỡ của các diễn đàn đa phương".
Theo nhận xét của bà Yanmei thì Bắc Kinh và Washington có cách lý giải rất khác nhau cho môi trường an ninh đang xấu đi trong khu vực: Bắc Kinh sẽ bảo nguyên nhân là chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ, còn lại bất kỳ ai khác sẽ bảo rằng nguyên nhân nằm ở Trung Quốc.
Báo Washington Post điểm lại những "chỗ nóng" trong khu vực, cũng đang là những điểm nóng trong cuộc khẩu chiến gay gắt Trung - Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ:
Bán đảo Triều Tiên
Khoảng 25.0000 quân Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận thường niên với quân đội Hàn Quốc từ 22.8 đáp trả lại mối đe dọa từ Triều Tiên. Thông tấn xã nhà nước của Trung Quốc là Tân Hoa xã đã lập tức lên án cuộc tập trận, gọi đây là hành động "phá hoại hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á" và có thể khiêu khích một cuộc chiến tranh thật sự. Tân Hoa xã gọi "sự phô trương sức mạnh" của Mỹ và quyết tâm của Hàn Quốc chống lại Triều Tiên sẽ "dẫn tới vòng tròn hằn học dùng bạo lực đáp trả bạo lực", nói thêm rằng hành động tập trận "không thích hợp" có thể sẽ dẫn đến xung đột.
Ủy ban tư lệnh đình chiến Liên hiệp quốc (do Mỹ nắm vị trí lãnh đạo) cho biết đã thông báo với Triều Tiên rằng cuộc tập trận "không mang ý nghĩa khiêu khích". Nhưng như thường lệ, Triều Tiên dùng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể nghĩ ra để đáp trả, cho rằng đây là hành động chuẩn bị xâm lược, đe dọa sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.
Thêm vào đó, giữa căng thẳng tăng cao trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc chống đối gay gắt việc Mỹ, Hàn Quốc quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi của Mỹ trên đất Hàn Quốc: THAAD (hệ thống tên lửa phòng không tầm cao giai đoạn cuối).
Trung Quốc tuyên bố THAAD gây hại cho sự ổn định khu vực. Điều Trung Quốc thực sự lo lắng là nó không chỉ dùng để đánh chặn tên lửa Triều Tiên mà còn hăm he chống tên lửa của Trung Quốc nữa.
Và Trung Quốc cũng quyết tâm chạy đua cho bằng Mỹ. Hồi tháng 7 vừa qua, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố đang thúc đẩy việc thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa.
Nhật Bản bố trí hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-3 tại Tokyo, ngày 22.6.2016 Reuters
Biển Đông
Hải cảnh Trung Quốc từ hôm 22.8 đã tập trận bắn đạn thật đầy tranh cãi ở Vịnh Bắc Bộ. Đó là một trong những động thái khiêu khích mới nhất theo sau phán quyết của Tòa trọng tài, bác bỏ chủ quyền phi pháp mà Trung Quốc tự tuyên bố trên Biển Đông. Trung Quốc cũng dự định sẽ tập trận với Nga trên Biển Đông vào tháng tới - hành động mà Mỹ chỉ trích là gây hại cho sự ổn định khu vực.
"Có những chỗ khác để tiến hành những cuộc tập trận như thế này", Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Scott Swift phát biểu trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua.
Trong khi đó, bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài và sự chống đối gay gắt của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tiếp tục xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa.
Các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang làm các nhà chứa máy bay bên cạnh 3 đường băng trên các đảo nhân tạo mà nước này đã xây phi pháp ở Trường Sa. Các công trình này có thể chứa được 24 máy bay chiến đấu và thêm từ 3 đến 4 máy bay lớn hơn.
Biển Hoa Đông
Trung Quốc cũng đã tập trận ở vùng biển Nhật Bản hồi tuần trước, bao gồm việc giả định việc tàu hải quân bị ném bom.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã xấu đi nhiều trong thời gian qua, không chỉ là liên quan đến các tranh chấp đảo giữa 2 nước mà còn liên quan nhiều đến tranh chấp Biển Đông. Nhật Bản dù không có tranh chấp Biển Đông nhưng là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất phán quyết Biển Đông, chỉ trích các hành động phi pháp của Trung Quốc ở khu vực này.
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin ngay cả trước khi phán quyết Biển Đông được đưa ra, đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản đã đe dọa rằng Nhật Bản sẽ "vượt qua làn ranh đỏ" nếu lực lượng phòng vệ nước này tham gia vào các hành động nhân danh tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.
Trung Quốc hẳn là rất bực tức về sự xuất hiện của Mỹ trên Biển Đông nhưng buộc phải chấp nhận mà không làm gì được. Nhưng với Nhật Bản, Trung Quốc không thể nào tỏ ra yếu thế trước dư luận trong nước trong bối cảnh quan hệ Nhật - Trung vốn đã đầy hiềm khích và "nhạy cảm" trong lịch sử.
Trung Quốc rất bực tức vì các hoạt động của hải quân Mỹ trên Biển Đông nhưng không làm gì được Hải quân Mỹ
Căng thẳng giờ đây đang tràn ra biển Hoa Đông. Trung Quốc đang vô cùng "bứt rứt" trước kế hoạch của Nhật Bản triển khai tên lửa chống hạm ra các đảo ở Biển Hoa Đông.
Còn Nhật Bản gay gắt chống lại việc các tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc vừa xâm nhập vào vùng biển mà Nhật tuyên bố chủ quyền quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Giữa bối cảnh đó, Ngoại trưởng Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc gặp nhau tại Tokyo (Nhật) trong 2 ngày 23 và 24.8 nhằm cố gắng hạ nhiệt khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.