TNO

Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 8: Chó mẹ nuôi dạy con

28/03/2015 08:30 GMT+7

(iHay) Xét về mặt nuôi dạy con cái, con Tu-ti là số 1 trong vườn nhà tôi.

(iHay) Xét về mặt nuôi dạy con cái, con Tu-ti là số 1 trong vườn nhà tôi. "Sếp nhất" tôi còn thua nó một bậc, còn “con đầu đàn” tôi thì chỉ đáng là học trò.

>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 7: Khi chó sống chung với dê
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 6: Lãnh thổ của con chó


Chó con 1 tháng tuổi

Trước khi đẻ khoảng 10 ngày, Tu-ti bao giờ cũng kiếm chỗ đào hang. Đến lúc đẻ thì chui vào đó đẻ. Hang nó đào tuy giản đơn nhưng thiện nghệ, khi đẻ nó nằm cuộn lại tạo thành cái thế, để mỗi cháu bé ra đời đều được liếm sạch và đều có thể tìm được ti bú.

Do chỗ vườn nhà tôi đất pha nhiều cát,  tôi sợ hang bị sụp, nên nó đẻ được vài hôm thì bế lũ con vào nhà, cho nằm trong ổ có chăn có chiếu. Gặp trời mưa thì đương nhiên tôi để nó đẻ trong nhà, nhưng lúc sắp đẻ nhất định nó cào cửa đòi ra hang, phải dỗ dành mãi nó mới chịu. Có lẽ tôi làm như vậy là sai, nhưng “mặc kệ nó” thì không đành.

Suốt một tháng đầu tiên cái ổ chó không có chút dơ bẩn, hàng ngày tôi chỉ giũ sạch bụi cát, vài ba ngày mới phải thay chăn chiếu một lần, để lâu hơn cũng chẳng sao. Con Tu-ti làm vệ sinh cho con cực kỳ chu đáo, tất cả phân và nước tiểu của con nó đều liếm sạch. Thỉnh thoảng nó ra ngoài, chỉ cần nghe bọn nhỏ kêu là nó lập tức có mặt để cho bú và dọn vệ sinh. Khi chó con trèo được khỏi ổ bò ra sàn nhà, nó cũng theo dõi dọn sạch khi có đứa đi tè đi ị. Đến lúc bọn chó con biết ăn, nó vẫn tiếp tục dọn phân và nước tiểu thêm khoảng vài tuần nữa, sau đó tuy có dọn nhưng không hết, cuối cùng thì… mặc kệ. Nhưng thời gian bọn chó con đi bậy trên sàn nhà mà “con đầu đàn” tôi phải dọn không lâu, chỉ trên dưới một tuần, vì sau đó chúng tự biết đi ra sân vườn mà không cần phải dạy dỗ.

Người ta bảo phải tập ăn cho chó con, nhưng theo tôi thì không nhất thiết. Những con chó hoang sống trong rừng bố mẹ chúng tự biết lúc nào chỉ cho bú, lúc nào thì mới cho ăn. Khi những con chó hoang con biết ăn, chúng sẽ ăn thứ gì trong khi chúng chưa đi săn được cùng bố mẹ chúng? Bố mẹ chúng cùng lũ chó trong đàn tìm miếng ăn rất gian nan, nên cùng nhau ăn luôn tại chỗ khi bắt được con mồi, sau đó về hang chúng nôn ra cho đàn con nhỏ. Tập tính đó vẫn còn giữ ở một số chó nhà, nhưng vì chúng ta cho chó mẹ ăn, dù không tập ăn cho chó con thì khi biết ăn chúng tự nhiên sẽ đến ăn cùng mẹ, cho nên mẹ chúng chẳng việc gì phải nôn ra. Đó là lý do tập tính trên ít thấy xuất hiện, khi xuất hiện chúng ta cũng không để ý. Và chính mắt tôi đã nhìn thấy con Tu-ti làm như thế. Bởi vậy mà khi tôi cho đàn chó con ăn lần đầu tiên chúng ăn ầm ầm, chẳng cần phải tập tành gì cả.


Chó con 2 tháng tuổi


Chó con 4 tháng tuổi

Tập ăn cho chó con hay không và cho ăn kiểu gì không quan trọng, điều quan trọng nhất là phải tuân thủ nguyên tắc này: Trong thời gian chó mẹ cho con bú, tuyệt đối không được cho chó mẹ ăn những thức ăn có đường, gia vị và hóa chất. Đường và hành, tiêu, ớt, tỏi… là những thứ đại kỵ đối với hệ tiêu hóa con chó. Chó nhỏ, chó yếu ăn nhiều có thể chết, chó lớn ăn không chết nhưng hệ tiêu hóa sẽ bị suy thoái dần, phát sinh nhiều bệnh tật. Chó mẹ ăn đường hoặc gia vị cho con bú sẽ phá hỏng hệ tiêu hóa của chó con, biểu hiện thường thấy là tiêu chảy và bỏ bú, chó con mà như thế thì chết chắc. Bây giờ thì con Tu-ti đẻ bao nhiêu đứa còn nguyên bấy nhiêu đứa, nhưng  lứa đầu tiên chúng tôi bận việc đi khỏi cái vườn này, chỉ mấy ngày thôi mà quên dặn lại, em tôi rất cẩn thận nên bản thân mình ăn thứ gì thì cho con Tu-ti ăn đúng thứ đó, mà em tôi thì ăn nhiều hành tiêu ớt tỏi hơn người bình thường, hậu quả là đàn chó 4 con chỉ còn lại mỗi một thằng Chuối. Bạn mà chăm sóc con chó chu đáo như chăm sóc chính bản thân mình cũng chưa chắc đã tốt đâu.

Lúc lũ nhỏ bắt đầu chơi đùa là thời điểm con Tu-ti dạy con. Những thế chồm, rượt, ngoạm, nhả - lũ nhỏ học đầu tiên từ chính mẹ nó, một cách tự nhiên trong vui đùa. Dạy mà không thấy dạy, đó là phương pháp giáo dục hiệu quả nhất mà con người nên học từ con chó.

Về chuyện ăn, có lẽ con Tu-ti không có ý định dạy con. Đã đành là lũ con giành ăn với nhau, con Tu-ti làm lơ không để ý, nhưng lũ con giành đồ ăn từ chính miệng nó, nó cũng nhả ra luôn. Vì vậy, nếu lũ con còn chưa tới 3 tháng tuổi, muốn cho con Tu-ti ăn một cục xương thì cục xương phải đủ nhỏ để có thể nhai nuốt luôn, nếu phải gặm cục xương đó thì nhất định bị lũ con cướp mất. Nhiều lúc con Tu-ti tha cục xương đi trốn, lập tức lũ con rượt theo, loáng một cái con Tu-ti lững thững vác miệng không đi vào, còn cục xương thì rơi vào mồm một con nào đó.

Lũ nhỏ chơi đùa với nhau thường quá trớn, thỉnh thoảng cắn nhau, đó là lúc chúng “tranh hùng”, con Tu-ti cũng không có ý định can thiệp. Chỉ có “con đầu đàn” tôi và “sếp nhất” là có thể can, người khác thì không thể. Một lần hai chú chó con cắn nhau đã rách da chảy máu mà không phân thắng bại, em tôi sốt ruột lại tách chúng ra khỏi nhau, lập tức con Tu-ti chồm tới nhe răng định cắn em tôi, dù em tôi rất thân với nó, những lúc em tôi đi đâu về nó vẫn chồm lên mừng rỡ. Con chó có cái lý của nó, chúng ta không nên đem cái lý của con người ra mà làm chuẩn.

(còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 7: Khi chó sống chung với dê
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 6: Lãnh thổ của con chó
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 5: Sạch như… chó
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 4: Khi chó Phú Quốc mất điều kiện tự kháng bệnh
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 3: 'Con đầu đàn' vô tích sự
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 2: Một con chó đi mãi không về
>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 1 : Trở thành “con đầu đàn”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.