TNO

Hai mẩu chuyện vui trước một tin buồn

27/02/2015 17:25 GMT+7

(iHay) Nhà báo Ngọc Toàn (báo Thanh Niên) báo tin nhà thơ Lê Văn Ngăn vừa mất. Dù là "cái chết đã được báo trước", nhưng cũng thật bất ngờ và buồn. Lý lịch ghi, ông sinh năm 1944 nhưng theo lời của nhà thơ thì ông tuổi Quý Mùi (có lẽ sinh vào cuối năm âm lịch chăng?), ra đi đúng vào năm Mùi. Một sự sắp đặt "ngẫu nhiên" của tạo hóa nhưng lại ngậm ngùi cho những ai yêu mến ông và thơ ông.

(iHay) Nhà báo Ngọc Toàn (báo Thanh Niên) báo tin nhà thơ Lê Văn Ngăn vừa mất. Dù là "cái chết đã được báo trước", nhưng cũng thật bất ngờ và buồn. Lý lịch ghi, ông sinh năm 1944 nhưng theo lời của nhà thơ thì ông tuổi Quý Mùi (có lẽ sinh vào cuối năm âm lịch chăng?), ra đi đúng vào năm Mùi. Một sự sắp đặt ngẫu nhiên của tạo hóa nhưng lại ngậm ngùi cho những ai yêu mến ông và thơ ông.

 Nhà thơ Lê Văn Ngăn
Nhà thơ Lê Văn Ngăn


Theo tôi biết, Lê Văn Ngăn là nhà thơ mà không cần phải "có hai tác phẩm và được dư luận chú ý" như quy định của Hội Nhà văn VN thì mới được kết nạp để trở thành hội viên. Ông quá nổi tiếng từ trước năm 75 để có thể phá vỡ những quy định nặng tính hình thức này. Bài “Sóng vẫn đập vào eo biển” in trên Tập san Đối diện từ năm 1972, được Đài tiếng nói VN phát lại nhiều lần, đã gây ngạc nhiên cho giới cầm bút cả hai miền Nam-Bắc lúc bấy giờ.

Ông mất thì buồn nhưng tôi thì muốn kể chuyện vui về ông. Sau đây là hai câu chuyện do chính ông kể lại.

1. Năm 1991, Lê Văn Ngăn đoạt giải nhất của cuộc thi thơ trên báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn VN. Tin vui đến sớm với làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế quê ông qua hệ thống loa truyền thanh của xã. Một người hàng xóm nghe xướng tên ông trên loa bèn sang nhà mẹ ông "méc". Mẹ ông, vốn quen với ruộng đồng hơn là văn chương thơ phú, "nghe thằng Ngăn bị bêu trên đài", bà rất buồn. Hai ngày sau, từ Hà Nội, nơi ông nhận giải thưởng, trở về, ông lao vào nhà như một mũi tên để ... khoe với mẹ. Chưa kịp khoe, mẹ ông đã nghiêm giọng: "Ngăn! Mi mần chi để người ta bêu tên lên đài mấy bữa ni rứa?". Ông ôm vai mẹ: "Con được giải thưởng thơ nên người ta xướng danh đó mạ!". "Ui chao! Lâu ni tau tưởng mi là người tử tế, ai ngờ mi lại mần thơ! Thôi, không mạ con chi nữa!".

2. Lê Văn Ngăn luôn nhỏ nhẹ trong các tiệc rượu nhưng uống rượu với ông thì khỏi cần mồi. Những câu chuyện hóm hỉnh được ông kể bằng giọng Huế rất mực từ tốn, đủ để trở thành thứ đặc sản làm cạn đáy chai. Vừa qua tuổi 50, toàn bộ "hàng tiền đạo" của Lê Văn Ngăn không còn anh nào. Một lần ông ra Huế thăm quê, mấy người lớp đàn em, nay đã thành bác sĩ nha khoa giàu có ở Huế, nói: "Thôi, anh ở thêm vài bữa, tụi em lắp lại hàng tiền đạo cho. Không nên để trống hoang rứa, làm răng đọc thơ cho chuẩn được, hí?". Và ông đồng ý.

Một tuần sau ông về lại Quy Nhơn. Vợ ông nghe gõ cửa, ra mở. Ông nhìn vợ và cười thật tươi, ngầm khoe hàm răng mới. Vợ ông bảo: "Anh Ngăn đi Huế chưa về, anh!". Nói rồi bà đóng cửa, bỏ mặc nhà thơ tần ngần trước sân nhà mình. Răng mới, đẹp đến mức vợ không nhận ra chồng!

Kể xong chuyện răng, ông bình một câu trước khi nâng cốc: "Mình khuyên các bạn, nhỡ có rụng răng thì cũng ráng chịu, không nên làm mới. Nhà thơ chỉ nên làm mới thơ mình thôi. Răng mà mới, mất vợ như chơi".

Trần Đăng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.