6 thảo mộc và gia vị chống ung thư

17/04/2015 11:51 GMT+7

Thảo mộc và gia vị từ lâu được dùng cho các mục đích chữa bệnh. Dù khoa học chưa chắc chắn về lợi ích trực tiếp của việc dùng các gia vị và thảo mộc này trong việc hỗ trợ chống ung thư và các tác dụng phụ của chúng, song các tác dụng gián tiếp của chúng dễ dàng nhận thấy.

Một trong những tác dụng của thảo mộc là hương thơm độc đáo của chúng, giúp kích thích vị giác. Những người điều trị ung thư bị mất cảm giác ngon miệng và sự thay đổi vị giác có thể khiến họ ăn kém, bị giảm cân và suy giảm hệ miễn dịch. Việc bổ sung thảo mộc và gia vị vào các món ăn có thể tăng cảm giác ngon miệng.

1.    Gừng
Gừng được sử dụng trong các loại thuốc dân gian để trị nhiều chứng bệnh, từ cảm lạnh cho tới vấn đề tiêu hóa. Có thể dùng gừng dạng tươi, dạng bột, hoặc mứt đường. Thông thường 1/8 muỗng bột gừng tương đương 1 thìa gừng tươi.
Ăn gừng và các sản phẩm từ gừng giúp chống buồn nôn, do đó có thể giúp loại bỏ cảm giác buồn nôn ở những bệnh nhân đang điều trị ung thư.

2.    Lá hương thảo
Lá hương thảo (Rosemary) có nhiều chất chống ô xy hóa, được dùng trong chế biến món ăn của một số nước, đặc biệt là đồ ăn Ý. Lá hương thảo được dùng để làm nước sốt, ướp thịt, đem lại hương thơm độc đáo.
Lá hương thảo có thể hỗ trợ giải độc trong cơ thể, giúp bệnh nhân thấy ngon miệng hơn, hỗ trợ tiêu hóa, chống đầy hơi và các vấn đề về tiêu hóa khác. Khi gặp vấn đề về tiêu hóa, hãy thử uống 3 tách trà lá hương thảo mỗi ngày.

3.    Củ nghệ
Nghệ - thảo mộc thuộc họ gừng, là một trong những nguyên liệu được dùng phổ biến cho các món cà-ri có màu vàng với mùi hương đặc trưng. Hợp chất trong củ nghệ được chứng minh là giàu chất chống viêm, có khả năng ngăn sự phát triển của ung thư.
Hiện tại, chiết xuất từ củ nghệ đang được nghiên cứu xem liệu nó có vai trò ngăn ngừa và điều trị một số bệnh ung thư hay không, bao gồm ung thư ruột kết, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và ung thư da. Các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật khá là hứa hẹn, nhưng vẫn cần các bước nghiên cứu để áp dụng cho người.

4.    Tỏi
Tỏi nhiều sulfur và dồi dào các chất như arginine, oligosaccharides, flavonoid và selen, rất tốt cho sức khỏe. Hoạt chất allicin của tỏi khiến cho sản phẩm này có mùi, được giải phóng khi giã, nghiền tỏi.
Nhiều nghiên cứu cho thấy dùng tỏi đều đặn giúp giảm nguy cơ bị ung thư dạ dày, ruột kết, ung thư thực quản, ung thư tuyến tụy và ung thư vú. Tỏi chống ung thư qua nhiều cơ chế, bao gồm ngăn chặn sự nhiễm khuẩn và sự hình thành các chất gây ung thư, hỗ trợ sự tái tạo DNA…. Tỏi hỗ trợ quá trình giải độc cơ thể và cũng hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp giảm huyết áp.

5.    Bạc hà
Bạc hà được sử dụng hàng ngàn năm trước như một phương pháp hỗ trợ tiêu hóa để giảm đầy hơi, chứng khó tiêu, vọp bẻ và tiêu chảy. Nó cũng có ích với các vấn đề của hội chứng ruột kích thích và ngộ độc thực phẩm. Bạc hà giúp làm dịu các cơ của dạ dày và cải thiện sự lưu thông của mật, giúp thực phẩm đi qua dạ dày nhanh hơn.
Nếu bệnh ung thư hoặc phương pháp điều trị gây ra khó chịu ở dạ dày, hãy thử uống một ly trà bạc hà. Nhiều loại trà bạc hà bán trên thị trường, bạn cũng có thể tự hãm trà từ lá bạc hà khô hay cho vài lá bạc hà tươi vào nước sôi, để vài phút trước khi dùng. Bạc hà còn có tác dụng làm dịu đau họng. Vì thế, nó đôi khi cũng được dùng để giảm đau miệng do hóa trị hoặc xạ trị.

6.    Hoa cúc
Hoa cúc (Chamomile) được xem là có tác dụng chữa bệnh, được sử dụng trong lịch sử y học thế giới khi điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Hoa cúc cũng giúp dễ ngủ; nếu bạn gặp vấn đề về giấc ngủ, hãy thử uống một ly trà hoa cúc đặc ngay trước khi lên giường.
Nước súc miệng hoa cúc cũng được nghiên cứu cho thấy giúp phòng tránh và điều trị đau miệng do hóa trị và xạ trị.
Trà hoa cúc cũng được xem như một biện pháp giải quyết vấn đề tiêu hóa, bao gồm co thắt dạ dày. Trà hoa cúc giúp làm dịu cơn co thắt cơ, đặc biệt là cơ trơn của ruột.

TUẤN ANH (Theo http://www.everydayhealth.com)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.