Huyền thoại vùng lõm Bảy Hiền

02/09/2012 03:30 GMT+7

Dù bị kìm kẹp bởi nhiều căn cứ quân sự của chế độ Sài Gòn nhưng hơn 3.000 người dân vùng Bảy Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM) vẫn xây hầm giấu cán bộ, vũ khí, đóng góp tài chính, che chở cho lực lượng cách mạng đến ngày hoàn toàn giải phóng.

>> Tọa đàm về vùng lõm chính trị Bảy Hiền

Đất thiêng

Nói như một số cán bộ cách mạng lão thành từng hoạt động tại vùng Bảy Hiền thì đây là một vùng đất thiêng. Ông Nguyễn Hồng Giáo, cán bộ tuyên huấn cánh Y4, nhớ lại: “Những năm 1960, Mỹ - Diệm thực hiện luật 10/59, đàn áp dã man. Nhân dân từ các tỉnh miền Trung đã rời quê vào đất Sài Gòn và chọn vùng đất Bảy Hiền làm nơi di cư lập nghiệp. Chỉ vài năm dân số đông dần và trở thành vùng chuyên canh dệt vải”. Trong số những người di cư, rất nhiều người từng là cán bộ cách mạng. Sau khi vào Nam, họ mất liên lạc với tổ chức, nhưng tinh thần cách mạng vẫn sục sôi trong họ. Cho đến ngày gặp được cán bộ cách mạng về đây gây dựng cơ sở, họ như “cá gặp nước” và sẵn sàng tham gia bằng sức người, sức của, không ngại hiểm nguy. Cũng vì lẽ đó mà các tổ chức cách mạng nhanh chóng hình thành ngay trong vùng này.

 Bảy Hiền
Sơ đồ vùng lõm Bảy Hiền trong vòng vây của căn cứ địch (vùng lõm màu xám)

Bảy Hiền là cửa ngõ quan trọng đi vào nội thành Sài Gòn. Chế độ Sài Gòn bố trí dày đặc các căn cứ quân sự quanh đây. Phía bắc có sân bay Tân Sơn Nhất với vành đai quân sự phòng thủ bảo vệ đặc biệt. Kế đó là Bộ Tổng tham mưu của quân đội Sài Gòn. Phía tây có căn cứ quân sự của sư đoàn dù trại Hoàng Hoa Thám. Phía đông nam, hãng thầu xây dựng RMK phục vụ chiến tranh Mỹ được bảo vệ nghiêm ngặt. Ngoài ra, khu vực còn bị vây bởi bót cảnh sát Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Cự và nhiều chốt chặn của lính dù. Trong khu dân cư, chính quyền trang bị súng ống cho một lực lượng để lùng sục ngày đêm. “Thế nhưng chưa một đơn vị nào bị lộ, chưa một cán bộ nào bị bắt nơi đây”, ông Trần Trọng Tân (nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, từng là Phó ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định) tự hào khẳng định.

Con người anh dũng

Bà Phạm Thị Đào (là Ủy viên Ban Tuyên huấn lúc bấy giờ) hoạt động ngoài miền Trung bị lộ nên được cử vào Nam. Mẹ bà Đào cùng nhiều người họ hàng cũng di cư vào Bảy Hiền nên bà nhanh chóng xây dựng được những cơ sở cách mạng. Hơn 10 năm gắn bó với vùng đất này (từ năm 1958), không ít lần bà phải nhờ đến sự bảo bọc của bà con mới thoát được sự lùng sục của lính. Bà Đào kể: “Có một đêm tôi về nhà chị Mười Thọ (tức Nguyễn Thị Thọ - PV). Địch theo dõi rồi bất ngờ vào kiểm tra. Lúc đó, giấy căn cước của mình là giả nên không thể lộ mặt. Trong nhà chị Thọ sẵn có thùng đựng tơ dệt vải và bà con nhanh trí đưa tôi vào thùng tơ nằm lẫn trong đó. Mặt khác, bà con tiếp đãi bọn lính chu đáo, vừa thuyết phục vừa dỗ ngọt. Họ bình tĩnh đến lạ lùng. Cuối cùng, bọn lính cũng đi mà không làm gì được”.

Bảy Hiền 
Một góc đường của vùng lõm Bảy Hiền (P.11, Q.Tân Bình) ngày nay - Ảnh: Thanh Thùy

Một lần khác, bọn chúng theo dõi và biết bà Đào hay đến nhà người anh họ nên bất ngờ ập vào đó chờ đúng lúc bà có kế hoạch về thăm cơ sở. Chúng bắt mẹ bà vì nghi làm giao liên và đợi để bắt bà. Bà con nơi đây nhanh chóng tỏa khắp các ngã đường có thể dẫn về chỗ bọn lính đang canh để thông báo cho bà biết. Bà Đào xúc động: “Khi đó, tôi đang chạy xe máy băng băng về để xem tình hình ở cơ sở thế nào thì bất ngờ gặp anh Võ Ngọc Tránh. Anh nói chúng đang đợi bắt nên không cho tôi về. Nhờ vậy mà tôi nhanh chóng quay lại và thoát thân. Trong tình hình đen tối đó, bà con đã tin tưởng mình và luôn luôn giúp đỡ. Có người dân như anh Nguyễn Văn Trữ hoạt động xuất sắc nên năm 1967 được xem xét kết nạp Đảng. Hồi này mới vỡ lẽ, anh cũng từng hoạt động cách mạng và đã được kết nạp Đảng trước đó rồi”.

Bà Hoàng Thị Khánh (Đội trưởng Đội võ trang tuyên truyền thuộc khu tuyên huấn Sài Gòn - Gia Định) kể lại, từ tháng 11.1968, dưới sự hỗ trợ của người dân vùng lõm Bảy Hiền, đội của bà đã tiêu diệt được Trần Kim Thành (còn gọi là Khả) của sư đoàn dù Hoàng Hoa Thám. Khả từng hoạt động cách mạng một thời gian nên biết rất rõ gia đình nào theo cách mạng. Hắn theo dõi, lùng sục và tổ chức đánh phá vùng Bảy Hiền, tìm bắt những người theo cách mạng mà hắn biết. Trong tình hình đó, gia đình anh Khuê ở vùng lõm đã nhận bà Khánh vào làm trong xưởng dệt để bà lên kế hoạch tiêu diệt Khả. “Anh Khuê còn dặn dò tôi nếu có mang súng trên người thì để anh cất, khi nào dùng anh đưa chứ để vậy nguy hiểm!”, bà Khánh nói. Sau gần 3 tháng theo dõi, đội của bà Khánh đã tiêu diệt Khả mà không hề bị tổn thất.

 

Nơi trưởng thành của nhiều cán bộ

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân vùng Bảy Hiền đã kề vai sát cánh cùng cán bộ chiến sĩ kiên quyết đấu tranh giành độc lập. Bảy Hiền từng là nơi tôi luyện và giúp cho nhiều cán bộ trưởng thành, trong đó có bà Trương Mỹ Hoa (nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam), ông Lê Thanh Hải (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM), ông Trương Hòa Bình (Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao)...

Thanh Thùy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.