Huyền bí đảo Lý Sơn: Bóng ma ở suối Chình

04/02/2023 07:29 GMT+7

Suối Chình nằm ở chân núi Thới Lới, thuộc địa phận thôn Đông, xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn), cách khu vực trung tâm hành chính huyện chừng 3 km về phía đông bắc. Cách nay không lâu trên núi Thới Lới, nhất là khu vực quanh miệng hồ nước trên đỉnh núi, có rất nhiều vạt rừng tự nhiên.

Câu chuyện về những bóng ma Hời chập chờn trong đêm bắt nguồn từ khung cảnh thâm u, trầm khuất ở nơi này. Người già kể rằng những bóng ma Hời thường hiện ra giữa đêm khuya, men theo dòng suối đi dần ra phía biển. Họ đi theo từng hàng, lượn vòng theo bờ suối. Rừng núi lặng im, chỉ nghe có tiếng suối thì thầm và tiếng sóng biển vọng lại từ xa. Khi ra đến bờ biển, những bóng vật vờ ấy đột nhiên xoay thành vòng ma mị, mỗi lúc một nhanh, tạo thành những xoáy lốc, bốc cát biển tung lên cao. Có người còn khẳng định rằng trong cơn lốc xoáy còn nghe cả tiếng người khi cười vang, khi gào khóc, âm thanh nghe đến rợn người. Một lát sau, lốc xoáy không còn nữa, những bóng ma kia cũng không còn.

Đã có 2 lần các nhà khảo cổ học Việt Nam tiến hành đào thám sát (1999) và khai quật vào các năm 2000 và 2005.

Huyền bí đảo Lý Sơn: Bóng ma ở suối Chình  - Ảnh 1.

Xử lý hiện vật mộ chum Suối Chình

Bảo Tàng Quảng Ngãi

Báo cáo kết quả cuộc khai quật khảo cổ học năm 2000 tại Suối Chình của TS Phạm Thị Ninh, người chủ trì cuộc khai quật, cho biết: Di tích Suối Chình là một di chỉ cư trú xen lẫn mộ táng. Trong di tích này đã tồn tại hai lớp cư dân thuộc hai giai đoạn văn hóa sớm và muộn. Giai đoạn văn hóa sớm mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh muộn. Giai đoạn văn hóa muộn đã có xu hướng vượt ra khỏi phạm trù của văn hóa Sa Huỳnh với xu hướng nổi trội của đồ gốm phong cách Hán và sự phát triển của đồ gốm Chăm sớm.

Tầng văn hóa của di chỉ Suối Chình là một thể thống nhất. Mặc dù có 2 lớp văn hóa I và II nhưng đó chỉ là thể hiện tính chất văn hóa giai đoạn sớm và giai đoạn muộn của di chỉ. Sự tồn tại và phát triển liên tục của đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh trong địa tầng đã chứng minh điều đó.

Tại di chỉ Suối Chình, một mặt cư dân cổ vẫn bảo lưu truyền thống kỹ thuật chế tác đồ đá và sử dụng chúng trong sinh hoạt hằng ngày. Mặt khác đã có sự giao lưu trao đổi văn hóa với các khu vực xung quanh, đặc biệt là với khu vực Hoa Nam (Trung Quốc).

Về mặt niên đại, dựa trên diễn biến của địa tầng và sự phát triển của đồ gốm Sa Huỳnh, cùng với sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của những yếu tố đồ gốm mới như loại hình bình hình trứng Trà Kiệu, đồ gốm phong cách Hán, cho phép đoán định rằng hai lớp cư dân sớm và muộn tụ cư tại di chỉ Suối Chình có khả năng tồn tại từ thế kỷ I đến thế kỷ II.

Tại di chỉ Suối Chình cũng tìm thấy công cụ ghè đẽo bằng vỏ ốc tai tượng, mũi nhọn bằng xương thú, xương cá và những hạt chuỗi bằng đốt sống cá, những mảnh vòng được làm bằng vỏ ốc. Đồ đồng có 1 lục lạc hình tròn hơi bầu bị vỡ 1/2, trên bề mặt có những chấm tròn nổi, một số mảnh đồng vụn hoặc bị vỡ từ hiện vật chưa rõ loại hình. Đồ sắt chỉ có một dao và một vài mũi nhọn. Đồ thủy tinh có một số hạt cườm nhỏ và 1 mảnh vòng tay màu xanh tím than mặt cắt hình tam giác.

Đồ gốm có hơn chục chiếc nồi, bát có khả năng phục nguyên và 12 chiếc nồi được dùng làm áo quan. Sau khi xử lý 6 cụm mộ nồi, nhóm khai quật đã phát hiện thấy trong 6 cụm mộ đều có chôn cải táng di cốt trẻ em, có mộ cạnh di cốt còn chôn theo một số đồ tùy táng. Một vài di cốt trẻ em được chôn theo dáng nằm nghiêng chân co. Bên cạnh những đồ gốm nguyên và mộ táng, còn có hàng chục nghìn mảnh gốm vỡ từ những đồ đựng như: nồi, chậu, đĩa, bát mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh ở giai đoạn muộn. Trong tầng văn hóa, cùng với đồ gốm Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ còn tìm thấy 2 bình hình trứng Trà Kiệu với nhiều mảnh vỡ khác, gốm phong cách Hán, hoa văn in ô vuông và gốm Hán phong cách Tam Thọ (Thanh Hóa). Đây là dấu hiệu của sự giao lưu trao đổi của cư dân di chỉ Suối Chình với bên ngoài

Kết quả khai quật di tích Suối Chình thêm một lần nữa cho thấy sự tồn tại của loại hình đảo gần bờ của văn hóa Sa Huỳnh trên dải đất miền Trung Việt Nam, cung cấp thêm bằng chứng củng cố ý kiến cho rằng người Sa Huỳnh từ đất liền đã vượt biển chiếm lĩnh các đảo gần bờ.

Việc tìm thấy di chỉ cư trú và mộ táng của cư dân Sa Huỳnh giai đoạn muộn và Chăm Pa sớm ở Suối Chình đã đem lại tư liệu và nhận thức mới về loại hình văn hóa tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh vùng đảo gần bờ. Trong nhiều di tích đã tìm thấy những mảnh gốm vừa mang đặc điểm của gốm Sa Huỳnh và cả đặc điểm gốm Chăm Pa. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để cho phép nêu lên giả thiết về khả năng một trong những nhánh của Sa Huỳnh đã phát triển và hình thành nền văn hóa Chăm tiếp sau nền văn hóa Sa Huỳnh.

Câu chuyện kỳ bí mà dân gian truyền miệng nhau đã nhắc trên kia, thực ra chỉ là "chuyện ma, chuyện cỏ" hình dung trong trí tưởng tượng của con người bắt nguồn từ một sự thật nào đó trong đời sống hằng ngày. Khi được người viết bài này hỏi về những bóng ma Hời ở suối Chình, một cụ già sống ở An Hải buông ra tràng cười khoái trá rồi bảo:

- Chỉ là chuyện người thôi.

- Sao vậy?

- Cá chình sống ở suối Chình rất ngon nên có giá cao, những người bắt cá chình ở đó bịa chuyện để người khác không dám đến.

- Còn những bóng ma Hời mà người ta nhìn thấy.

- Họ chứ ai, là người đánh cá chình men theo con suối. Tui cũng là một con ma.

Buông xong câu nói, ông già lại cười. Thì ra, thời trẻ ông cũng là người lội suối bẫy cá chình và... bịa chuyện ma Hời!

 (còn tiếp)

Xem nhanh 12h ngày 4.2: Quốc Cơ-Quốc Nghiệp lập kỷ lục | Hai vụ án hy hữu ở Thanh Hóa, Đà Nẵng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.