Huy động gần 9.500 tỉ đồng trồng cây xanh trong 3 năm

12/01/2024 20:51 GMT+7

Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 trong 3 năm (2021 - 2023) là gần 9.500 tỉ đồng.

Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 (Đề án) của Thủ tướng Chính phủ ngày 12.1, lũy kế kết quả sau 3 năm thực hiện Đề án, cả nước đã trồng được 769,86 triệu cây, đạt 121,4% so với kế hoạch, gồm 344,51 triệu cây xanh phân tán và trồng mới 435,35 triệu cây xanh tập trung.

Huy động gần 9.500 tỉ thực hiện đề án trồng 1 tỉ cây xanh trong 3 năm- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại hội nghị

HQ

Một số địa phương đạt kết quả cao như: Lào Cai (61,64 triệu cây); Phú Thọ (52 triệu cây); Long An (45,32 triệu cây); Gia Lai (37,28 triệu cây); Nghệ An (34,38 triệu cây).

Nhiều địa phương trồng trên 20 triệu cây như: Lai Châu, Lâm Đồng, Kon Tum, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La và Cà Mau. Các tỉnh trồng trên 15 triệu cây gồm có: Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Trị, Phú Yên.

Các bộ, ngành, cơ quan T.Ư tích cực hưởng ứng tham gia phong trào trồng cây xanh như: T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ GD-ĐT, Bộ TN-MT... Nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng hưởng ứng Đề án, xây dựng các chương trình, quỹ để kêu gọi, tiếp nhận và triển khai trồng rừng, trồng cây.

Đại diện Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Đề án trong 3 năm (2021 - 2023) là gần 9.500 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 23,8%; còn lại vốn ODA, xã hội hóa và các nguồn vốn khác chiếm 76,2%.

Giai đoạn 2024 - 2025, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch trồng với tổng số 492,27 triệu cây; trong đó 275,59 triệu cây xanh và 98.210 ha rừng trồng (tương đương với 216,68 triệu cây).

Thực hiện linh hoạt, chủ động

Đánh giá về những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Đề án, đại diện Cục Lâm nghiệp cho biết, quỹ đất trồng rừng mới ngày càng thu hẹp do diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp đã cơ bản được trồng, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để phát triển kinh tế của địa phương...

Vốn đầu tư phân bổ cho công tác phát triển rừng hàng năm còn chậm so với yêu cầu của sản xuất; mức hỗ trợ trồng cây phân tán và trồng rừng còn thấp so với thực tiễn sản xuất.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, duy trì và phát triển quỹ đất cây xanh đô thị chưa được quan tâm đúng mức. Diện tích đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị hiện nay mới chiếm tỷ lệ khoảng 1,2%, thấp hơn nhiều so với các quy chuẩn về quy hoạch đô thị đặt ra.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đánh giá, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt; kinh tế thế giới dự báo còn tiếp tục khó khăn, các nước có xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, đầu tư cho lâm nghiệp vẫn chưa tăng...

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị các đơn vị, địa phương rà soát đánh giá kết quả đã thực hiện được, nếu cây chết thì tiến hành trồng bổ sung, nếu cây còn trống thì trồng tiếp; tiếp tục trồng cây theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Nhìn nhận tổ chức trồng rừng, trồng cây phân tán là quan trọng, Thứ trưởng Trị cũng nhấn mạnh phải truyền thông để mọi người hiểu, biết lợi ích và tham gia; khi thực hiện phải linh hoạt, chủ động.

"Cục Lâm nghiệp và các đơn vị của bộ tổng hợp các kiến nghị, các đề nghị của các địa phương, cái gì trong thẩm quyền thì giải quyết ngay, cái gì thuộc thẩm quyền cấp trên thì báo cáo ngay", lãnh đạo Bộ NN-PTNT nói.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã tặng bằng khen cho 23 tập thể và 38 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Đề án.

Theo Cục Lâm nghiệp, năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42,02%; trồng rừng tập trung được 281.000 ha, đạt 102% kế hoạch; trồng phân tán đạt 127 triệu cây. Diện tích rừng có chứng chỉ ước đạt 465.000 ha/500.000 ha.

Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 14,5 tỉ USD (giảm 15,8% so với năm 2022), giá trị xuất siêu hơn 12,3 tỉ USD. Khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 21 triệu m3.

Thu dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đạt 3.200 tỉ đồng; trong đó đã chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải (GPT) 10,3 triệu tấn carbon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2 tương đương 51,5 triệu USD.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.