Hương quỳnh - Truyện ngắn của Dương Hằng

23/10/2016 07:42 GMT+7

Đêm đó, mẹ ngủ ngoài sông. Lần theo những vết chân nham nhở của bà trên lối cỏ, tôi mới hay bà đang nằm trên con thuyền tròng trành theo bóng trăng trôi.

Cái chòi kín gió bỏ không. Ánh sáng của trăng chảy đầy như để soi rõ từng tấc nghĩ trên khuôn mặt của mẹ. Tôi tần ngần đứng ở mép sông, muốn kéo con thuyền dạt bờ để bước lên cùng mẹ. Nhưng tôi không đủ sức, đành mặc con thuyền chênh chao giữa dòng nước.
Mẹ thức suốt đêm ở con sông này, bao lần. Những ngày tôi còn bé, mẹ thường bế tôi theo. Tôi gọi đó là chuyến phiêu lưu kỳ thú. Tôi nghịch bóng trăng dưới dòng nước mát, ngửa mặt uống từng giọt trăng đang rớt xuống. Lần nào tôi cũng ngủ ngon lành, bốn bề là gió nước, trăng sao, lòng mẹ thật ấm áp. Sáng ra, nắng rọi đỉnh đầu. Tôi he hé mắt, đưa tay che nắng, dáo dác tìm bóng mẹ. Con thuyền đã neo cạnh bờ và mẹ đã rời đi tự lúc nào.
Lần gần đây nhất, bố đi mấy ngày không về. Những cuộc cãi vã tủn mủn và vụn vặt đến độ tôi đã nghĩ như mấy đứa trẻ giận dỗi nhau một hồi rồi quên đi sạch sẽ và lại cười với nhau những nụ cười tươi rói. Nhưng những cái tủn mủn không ngờ lại nhấn chìm mẹ vào đáy sâu của nỗi buồn. Cái ngày xưa ấy, buồn đến độ nào, mẹ cũng không quên thằng bé con sợ cái trống vắng của căn nhà đến run rẩy, nên mẹ đưa tôi theo.
Bao lần vậy cũng không bằng lần này. Cú sốc tàn nhẫn tạo ra dấu chấm hết của một đời người. Đau điếng hơn khi chính bàn tay bố đã âm thầm bóp nghẹt trái tim mẹ. Ngôi nhà mới đã dựng lên, cách nhà cũ vỏn vẹn một khoảnh sân. Nơi ấy mẹ tôi sẽ sống những ngày nhàu nhĩ mai này và có khi cánh cửa sổ nhìn sang nhà cũ sẽ mãi mãi khép chặt tựa cõi lòng mẹ bây giờ. Tôi đứng như chôn chân dưới đất. Đám cỏ đã ướt sương. Trăng còn thức. Mẹ tôi chưa ngủ. Nỗi buồn miên man chảy.
Sáng hôm sau, xe taxi đỗ ngay trước cổng nhà. Người đàn bà rề rà bước xuống, một tay chống lưng, một tay đỡ cái bụng nặng nề của mình. Nội tôi đon đả chạy ra như bắt được vàng. Một vài đứa trẻ con bỏ những đồ hàng đang chơi dở, xúm xít trước cổng nhà tôi. Có đứa mắt chăm chú nhìn người đàn bà lạ. Có đứa mê mải chạm tay vào chiếc xe ô tô xanh bóng loáng và thi thoảng lại đưa mắt nhìn xuống cái ô tô đồ chơi bé tí đang nằm gọn lỏn trong tay mình. Từ cổng vào đến nhà, bố đi thẳng, nhìn thẳng, nhất mực không ngoảnh lại, dẫu vài ba tiếng rên rỉ, chật vật của người đàn bà phía sau mình vang lên. Ông đang bận diễn sự thanh cao và trong sạch của mình với cuộc đời. Cái đêm nội lựng khựng đi qua khoảnh sân nhà để bước sang nhà tôi, tay cầm tờ đơn ly dị trên tay, tôi đã xé toạc đi và gào lên trong sự yếu đuối bất lực. Mẹ tôi thình lình ngồi dậy, kéo trong ngăn tủ một tờ đơn ly dị khác đã ký sẵn. Mẹ rảo bước thật nhanh và ở bên nhà mới, tôi vẫn nghe thấy tiếng mẹ gằn từng chữ:
- Ông ký ngay đi.
Có những đêm không nén được lòng mình, phần yếu đuối trong tôi lại trỗi dậy. Những ký ức đẹp đẽ về bố cứ ùa về ngập lòng khiến tôi trào nước mắt. Nhớ những ngày thu tháng tám, mưa sụt sùi, đêm đêm tôi lại xách đèn theo bố sục sạo các khu vườn trong xóm để tìm ếch. Hoa bưởi lặng lẽ tỏa hương. Tôi ngồi trên lưng ông, tay ôm lấy cổ ông và soi đèn theo hướng ông bảo. Tôi cũng xem đó là một chuyến phiêu lưu. Mỗi chuyến trở về, trong túi lưới của bố con tôi bao nhiêu là ếch. Mẹ nhặt vài con giữ lại để nấu bữa giấm ếch với bánh đa, phần còn lại đem ra chợ bán. Những đứa trẻ trong xóm cũng thường ghen tị với tôi bởi trò chơi thả diều trên đồng bãi lúc nào tôi cũng có bố theo cùng. Nhờ có bố, diều của tôi bao giờ cũng cao vút và rực rỡ nhất trong đám diều của lũ bạn. Không ngờ, đến bây giờ, bố cách tôi chỉ dăm chục mét mà thực lòng tôi vẫn nghĩ mình là đứa trẻ mất cha rồi. Kỷ niệm quá khứ có đong đầy bao nhiêu cũng bị vài xấu xí lượm lặt từ hiện tại vùi lấp mất. Chúng không còn chỗ để ngoi lên nhưng đêm đêm vẫn quẫy đạp âm ỉ làm lòng tôi nhức nhối. Bố đã phản bội mẹ. Bố đã lừa dối tôi. Tôi không tin. Tôi không muốn tin…
Sự xuất hiện của người đàn bà mới khiến cuộc sống của bố đảo lộn phần nhiều. Mất chút chức vụ ở xã, trở về làm bạn với ruộng cạn, đồng khô là điều tủi hổ nhất của ông. Bao nhiêu năm ngạo nghễ với họ hàng, làng xóm chỉ nhờ cái danh ấy. Quần áo phẳng phiu đã nằm im lìm một góc, dây thắt lưng chẳng mấy khi dùng đến.
Sáng ra tôi đã thấy ông ngồi phì phèo điếu thuốc, rồi mông lung nhìn theo làn khói xám vừa nhả. Người đàn bà ngồi nhặt mớ tép khô ngoài thềm, khe khẽ rên lên ư ứ xoa cái bụng chềnh ềnh của mình. Tôi thoáng chạm mặt đôi ba lần ở cổng, đủ để nhận ra vẻ già nua, môi dày, mũi nở của người đàn bà bụng bầu đã quá tuổi bốn mươi. Hai cái gót chân nứt nẻ như đám ruộng khô cằn, mái tóc rễ tre lòa xòa hiếm khi búi gọn.
Con Ki chạy sang nhà mới kể từ ngày tôi ở đây. Nhà mới chưa quét sơn, bên trong chỉ có một chiếc giường gỗ cũ kê sát tường. Đêm đêm, mẹ vẫn thấp thỏm trở mình trong những tiếng ho khan của bố. Đóa quỳnh trong vườn thơm đậm, mùi hương ngọt ngào một thuở bỗng nhức nhối cả tâm can. Tôi vẫn nhớ như in hàng đêm mẹ thủ thỉ vào tai bố: “Quỳnh đang nở rồi đấy anh”. Những ngày ấy tôi cũng mê quỳnh như một đứa con trai mới lớn biết chớm rung rinh trước cô gái đẹp. Lúc này, có thể bố đã ngủ say mềm trong một mùi hương lạ lẫm khác. Chỉ mẹ con tôi còn thức.
Đứa trẻ chào đời trong một ngày nắng hanh hao của tháng mười. Tiếng khóc ré lên của thằng bé khiến mẹ tôi quay quắt. Như không đủ sức, bà buông thõng bát cơm xuống chiếu. Bà đứng dậy, lặng thinh mà đau đớn. Nỗi căm hờn trong lòng tôi trỗi dậy. Mười chín năm nghĩa tình không bằng cái nhỡ nhàng trong phút chốc. Phải chăng ông không còn thương yêu mẹ tôi? Hay người đàn bà đã dồn ép bố? Những cuộc cãi vã tủn mủn trước đây cũng không khiến mẹ ngậm ngùi xa xót như lần này. Không một lời trách cứ, mẹ thầm lặng gặm nhấm cơn đau trong từng giây, từng phút. Điều đó càng làm tôi muốn giẫm đạp lên sự đớn hèn và tàn nhẫn của bố. Một quyết định cùng lúc đã biến hai phận người trở nên lắt lay qua ngày tháng.
Hai năm sau, tôi học trung cấp nghề dưới thành phố. Cứ một tháng một lần, tôi lại ghé về cho căn nhà bớt trống. Những lần về đêm, mẹ vắng nhà, tôi đều ra sông. Thấy tôi, đôi mắt mẹ bỗng sáng rực lên như đốm lửa. Mẹ dẫn tôi về, khoác vai tôi như hai người bạn. Bố tôi đã chặt quỳnh trong vườn, có lẽ mùi hương của nó cũng khiến ông ngổn ngang, thổn thức. Tôi nhận ra trong lòng mình có một sự mất mát nào đó thật lớn.
Nỗi mất mát không thể gọi thành tên.
Cửa sổ nhìn sang nhà cũ không còn khép chặt như trước. Mẹ mở he hé cho nắng sưởi ấm căn nhà và để chiều chiều ngó sang sân nhà cũ, mê mải nhìn thằng bé chập chững từng bước đi. Ánh mắt thật trìu mến và yêu thương như thể thằng bé ấy nằm ngoài ký ức buồn đau của mẹ. Mẹ cười theo tiếng cười của thằng bé, khuôn mặt lộ rõ sự hốt hoảng mỗi lần thằng bé ngã. Rốt cuộc, tôi và thằng bé cũng chỉ là những đứa trẻ đáng thương. Những yêu thương bây giờ bố dồn hết cho thằng bé, với tôi đã cạn từ lâu. Tôi không chào bố, cũng không chào người đàn bà mỗi lần chạm mặt. Họ im lặng trước điều đó như một sự chấp nhận tất yếu. Cho đến một ngày cùng lúc tôi gặp cả hai. Họ vừa ra đồng tát nước về, gương mặt còn đỏ bừng và nhễ nhại mồ hôi. Tôi vẫn lướt qua họ như người dưng, thay vì ngoảnh đầu chạy đi như hai năm về trước. Sự căm hận như lớn dần theo ngày tháng để tôi có đủ dũng cảm nghênh ngang đối mặt.
- Thằng mất dạy, thấy bố mà mắt cứ chống ngược lên.
Bố tôi cúi đầu bước tiếp. Chỉ có người đàn bà vẫn đuổi sau lưng tôi bằng những câu chửi làu bàu.
Tôi đi làm và kiếm được những khoản tiền kha khá hằng tháng. Việc đầu tiên tôi làm là quét lên căn nhà một màu sơn tươi tắn. Ngôi nhà cũ càng trở nên lụp xụp và xấu xí hơn khi ở gần nhà mới. Người đàn bà tấm tức lắm, cái vẻ mặt lúc nào cũng đanh lại khi nhìn sang nhà tôi. Từ ngày bố tôi không còn làm trên xã, cuộc sống cũng trầy trật hơn. Bố tôi đã đánh đổi những ngày bình yên của mình vì những ham vui nông nổi. Rồi chính tôi - kẻ căm hận ông khôn xiết lại giẫm lên vết xe đổ của ông hai năm về trước. Hương là cô gái miền sơn cước có làn da trắng và đôi má lúm đồng tiền khiến một người căm ghét đàn bà như tôi cũng phải rung động. Em trở thành mối tình đầu của tôi.
Cái tin Hương có thai hơn một tháng khiến tôi chết lặng. Những ý nghĩ điên rồ cứ luẩn quẩn trong đầu tôi và đã thốt lên thành lời:
- Em có thể bỏ cái thai được không?
Tôi nhận một cái tát ngay tắp lự. Đôi mắt em ầng ậc nước, chốc lát đã chảy dài hai bên má. Em nhìn tôi bằng ánh mắt dành cho kẻ hèn nhát cùng với nhằng nhịt những ý nghĩ xấu xí. Cái thai sẽ làm cuộc đời em rẽ ngoặt sang hướng khác, có thể nhìn đâu cũng thấy màu xám xịt. Tôi không trốn chạy và ruồng bỏ. Đôi khi tôi vẫn nhìn vào những lỗi lầm của bố và cuộc đời như một thảm kịch của mẹ con tôi trong quá khứ. Tất cả khiến tôi rùng mình và tôi không muốn em phải vùi lấp thanh xuân khi vừa mới qua tuổi đôi mươi.
Tôi trở về nhà sau những ngày cảm thấy mình như kiệt quệ. Tôi ra sông một mình và nằm trên con thuyền trôi giữa dòng nước như bao lần mẹ vẫn vậy. Tôi không còn thấy đó là chuyến phiêu lưu kỳ thú như ngày thơ bé. Đối diện với vầng trăng tròn vạnh, bỗng những tấc lòng tấc nghĩ của tôi phơi ra tất thảy. Con thuyền chợt động đậy bởi ai đó trên bờ đã kéo dây. Là mẹ tôi. Nằm trên con thuyền cùng mẹ, tôi không biết phải bắt đầu câu chuyện từ đâu. Tôi sợ những sai lầm non dại của mình có thể khiến bà một lần nữa quay quắt trong những đêm mất ngủ.
- Hương có thai rồi mẹ ạ.
Mẹ sững người một lúc - điều không thể tránh khỏi. Rồi mẹ ngửa mặt lên nhìn vầng trăng:
- Con yêu Hương chứ?
- Con yêu cô ấy. Nhưng…
- Con bé có muốn bỏ thai không?
- Cô ấy muốn giữ mẹ ạ.
- Vậy là con bé đã sẵn sàng làm mẹ rồi. Con bé chỉ cần ở con tình yêu và trách nhiệm. Hôn nhân tuổi này có thể còn sớm nhưng các con yêu nhau thì mẹ nghĩ đó không phải một sai lầm.
Sao lúc này tôi thấy mẹ mạnh mẽ và kiên cường quá, chỉ có tôi vẫn bé nhỏ và mềm yếu như ngày nào.
Trong đám cưới của tôi, bố chủ động ngồi cùng bàn với họ hàng nhà gái. Có lẽ đó là phần trách nhiệm cuối cùng mà ông có thể làm cho đứa con trai của mình. Xong xuôi, nhà gái vừa kịp rời đi thì người đàn bà đã sang thúc bố tôi về. Khuỷu tay của bà liên tục thụi vào lưng bố nhưng bố vẫn nén cơn đau lẫn cơn giận để cố mỉm cười với vài vị khách quen trước khi ra về. Thấy chiếc mũ vải bỏ quên trên ghế, tôi liền đuổi theo ông. Từng lời dằn dữ của người đàn bà rớt lại phía sau và dội vào tai tôi: “Nó là con ông à mà đến phần ông lo. Con ông ở nhà đang khát sữa kia kìa. Toàn lo con thiên hạ…”. Bố tôi đứng sững lại, trừng mắt lên nhìn người đàn bà:
- Bà có im ngay không!
Cả ông và người đàn bà đều nhận ra tôi đã ở phía sau lưng từ lúc nào. Tôi giơ chiếc mũ ra, ông run rẩy đưa tay nhận lấy, môi liên tục mấp máy nhưng không thốt nổi lời nào.
Sợ những ý nghĩ sẽ vò nát tim mình, tôi đi tìm nội. Nội đang ở ngoài bãi ngô. Trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Thấy tôi, nội thoáng giật mình. Và sự xa lạ của nội kể từ ngày tôi rời nhà cũ khiến tôi tin hoài nghi của mình là đúng. Nhưng những câu từ vẫn trôi ra khỏi cửa miệng tôi:
- Cháu có phải là con của bố không?
Nội lặng im né tránh cái nhìn của tôi đang xoắn chặt vào đôi mắt nội để tìm lời giải đáp. Sự bàng hoàng bắt đầu xâm chiếm khối óc và tâm can tôi. Tôi cố gắng gượng hỏi nội để vớt vát một điều an ủi:
- Cháu là con của mẹ chứ?
Nội quay lại nhìn tôi, cái nhìn khiến tôi chết lặng.
- Mẹ cháu không thể sinh con nên bố cháu mới phải…
Tai tôi bỗng nhiên ù đi. Bầu trời tối sầm lại. Quá khứ và hiện tại giằng xé nhau. Lòng tôi như mưa dội.
Những bước chân dẫn tôi tới lối sông khi tâm trí vẫn mông lung, vô định. Tôi nằm dài trên thuyền. Đêm nay, tứ bề gió hiu hiu thổi. Con thuyền tròng trành theo sóng nước như một phận người dật dờ, trôi nổi.
Tôi lặng im nghe trăng hát. Đâu đó, tôi nghe thấy mùi hương quỳnh dìu dịu. Hình như đó là mùi hương dậy lên từ trong ký ức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.