Người trẻ nhìn vào bình đẳng giới ra sao?

23/01/2010 19:54 GMT+7

“Bất bình đẳng giới chẳng ở đâu xa mà ngay bên cạnh. Thậm chí đôi khi mình còn là nạn nhân hay tác nhân của nó”.

Đó là nhận xét chung của 20 bạn trẻ sau gần bốn ngày tham gia hội thảo - tập huấn nghiệp vụ về “Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình” do Unifem (Quỹ phát triển phụ nữ Liên Hiệp Quốc) và Trung ương Đoàn tổ chức ở Đà Nẵng. Họ sẽ là những tuyên truyền viên chống tệ nạn trên ở bốn tỉnh thành TP.HCM, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Thái Bình.

Bất bình đẳng từ suy nghĩ...

Cha mẹ phải thay đổi trước...

Ông James Lang, chuyên gia của Unifem, nhận định bạo lực gia đình bắt nguồn từ bất bình đẳng giới, và bất bình đẳng giới lại có nguồn gốc từ việc giáo dục trong gia đình. Ông James lý giải khi còn nhỏ, những đứa trẻ không hề biết giới của mình được quyền làm những gì. Dần dần, qua quan sát, trẻ nam sẽ xem bố mình hành động gì, trẻ nữ sẽ xem mẹ mình cư xử sao và chúng làm theo.

Trong mắt chúng, bố luôn là người quyết định mọi việc quan trọng, được quyền quát mắng, thậm chí dùng bạo lực với phụ nữ. Còn mẹ bị giới hạn trong sự dịu dàng, nết na, nhường nhịn, thậm chí là phục tùng. Chúng sẽ xem đó như là những mặc định của tạo hóa, lớn lên chúng cũng làm theo như vậy.

Ông James nhấn mạnh muốn thay đổi những mặc định trên, những ông bố bà mẹ phải thay đổi trước.

Người đầu tiên dẫn dắt các bạn trẻ tiếp cận bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình là Ths.BS Nguyễn Thu Giang - phó viện trưởng Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng. Bác sĩ Giang chia các bạn trẻ làm hai nhóm nam và nữ. Nhiệm vụ của nhóm nam là viết những điều mà nam giới cho rằng nó thuộc về phụ nữ. Nhóm nữ cũng sẽ viết những điều họ nghĩ về một người đàn ông. Kết quả, trên tấm bảng, nhóm nam ghi: người nữ phải dịu dàng, duyên dáng, biết nhường nhịn, thêu thùa, nội trợ, làm việc nhà...

Còn nhóm nữ thì “vẽ” ra một người đàn ông mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin, có thể làm chỗ dựa vững chắc cho phụ nữ... Cả 20 bạn trẻ đều há hốc khi bác sĩ Giang hỏi ngược: “Nếu đàn ông đi chợ, nội trợ, làm việc nhà... còn phụ nữ làm trụ cột gia đình và quyết định những việc hệ trọng thì có sao không?”. Cả hai nhóm đều ngỡ ngàng, sau đó là những cái bặm môi gật đầu: “Vậy lâu nay mình cũng đã... bất đình đẳng ngay từ trong suy nghĩ?”.

Thật bất ngờ, bạn Nguyễn Đức Cương (đoàn Thái Bình) tự hỏi: “Ừ nhỉ, mấy lần đi taxi, thấy lái xe là nữ, mình thấy kỳ kỳ, cũng không yên tâm. Chẳng phải đó là sự bất bình đẳng?”. Bạn Mỹ Duyên (đoàn TP.HCM) kể nhiều lần xem tivi, riêng phần quảng cáo bột giặt, nước rửa bát hay thực phẩm... thì thấy toàn là nữ đóng.

Duyên nhớ lại khi đi học, sách giáo khoa mô tả về các cảnh học tập chăm ngoan, sinh hoạt mẫu mực thì hình bé gái được dùng nhiều hơn bé trai. Tại sao vậy?

Đánh thức nhận thức

Theo hội thảo suốt gần bốn ngày, ông James Lang - chuyên gia của UNIFEM - cho biết trong nạn bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình thì nạn nhân hầu hết là nữ, nên việc ngăn chặn tình trạng này cũng phải bắt đầu từ phụ nữ.

Để chống bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình, hiện nhiều nước trên thế giới đang áp dụng phương pháp giáo dục về quyền của phụ nữ cho nữ giới để đánh thức nhận thức của họ. Khi nắm được những quyền của mình, phụ nữ có thể chủ động bảo vệ mình trước bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình.

Tiến sĩ Lê Văn Cầu - giảng viên quốc tế về bình đẳng giới của Tổ chức UNFPA (Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc) - nhấn mạnh thêm: không chỉ biết luật, nữ giới còn cần phải được sự hỗ trợ tích cực từ pháp luật. Ông Cầu kể câu chuyện hai vợ chồng người quen. Người chồng bù khú với bạn bè suốt ngày. Người vợ đầu tắt mặt tối buôn bán ngoài chợ, đêm về còn bị chồng chửi mắng, đánh đập mà không dám kêu la. Đến khi hàng xóm thương tình báo chính quyền thì anh chồng cũng chỉ bị nhắc nhở hay phạt hành chính.

“Nếu chỉ hớt phần ngọn mà không thay đổi được cái gốc vấn đề - nhận thức của người đàn ông về phụ nữ, và nhận thức của phụ nữ về bản thân - thì có làm gì cũng thất bại. Pháp luật không răn đe nghiêm khắc thì không giải quyết được bạo hành gia đình và bất bình đẳng giới” - ông Cầu kết luận.

Đồng tình với quan điểm trên, bác sĩ Giang tâm sự: “Cũng là nữ nên tôi hiểu phụ nữ thường an phận như thế nào khi sống trong bạo lực gia đình. Họ chấp nhận như một sự mặc định. Với phụ nữ, đàn ông luôn là chỗ dựa vững chắc. Chính tôi từ nhỏ cũng được giáo dục như thế. Vì vậy, giáo dục về bình đẳng giới phải được can thiệp ngay từ đầu để định hình nhận thức. Nếu một người vợ không biết bảo vệ mình trước sự áp đặt của chồng, thì sau này con cái họ cũng sẽ không muốn thoát khỏi sự mặc định đó”.

Quốc Nam
Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.