Hơn 53% tín nhiệm thấp, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành có thể xin từ chức

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/12/2023 18:50 GMT+7

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất.

Chiều 15.12, ngay sau phiên bế mạc, Cổng thông tin UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 28 người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo đó, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, có số phiếu tín nhiệm thấp là 25/47 phiếu, chiếm 53,19% tổng số phiếu. Số phiếu tín nhiệm cao của ông Lê Duy Thành là 19/47 phiếu, chiếm 40,43%; số phiếu tín nhiệm là 2/47, chiếm 4,26% tổng số phiếu.

Hơn 53% tín nhiệm thấp, Chủ tịch Vĩnh Phúc Lê Duy Thành có thể xin từ chức - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành

VINHPHUC.GOV.VN

Ông Thành là người duy nhất trong tổng số 28 người được lấy phiếu tín nhiệm có số phiếu tín nhiệm thấp trên 50% tổng số phiếu.

Theo Nghị quyết 96 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, người có số phiếu tín nhiệm thấp trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu thì "có thể xin từ chức".

Trong trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Quy định cũng nêu rõ, trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

Việc lấy phiếu tín nhiệm với 28 người đã được HĐND tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra từ 13 - 15.12. Kỳ họp vừa bế mạc sáng nay 15.12.

Tại phiên bế mạc, liên quan việc lấy phiếu tín nhiệm, bà Hoàng Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã báo cáo trước HĐND và HĐND đã thông qua nghị quyết. Còn việc công bố, công khai theo quy định thì sau này sẽ giao cho Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện những nhiệm vụ tiếp theo.

"Xung quanh việc lấy phiếu tín nhiệm, có liên quan tới cơ quan nào có thẩm quyền chúng tôi cũng báo cáo và sau đó sẽ báo cáo lại với HĐND ở phiên gần nhất", bà Lan nói.

Đối chiếu với các quy định tại Nghị quyết 96 của Quốc hội, trường hợp ông Lê Duy Thành không từ chức thì Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất.

Theo Nghị quyết 96 của Quốc hội, người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số phiếu đánh giá "không tín nhiệm" thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền sẽ trình HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội và HĐND các tỉnh tiến hành lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 96 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 96 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng là trường hợp đầu tiên có số phiếu tín nhiệm thấp cao hơn 50%.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 15.12

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.