Hơn 110.000 lao động tại TP.HCM rút BHXH 1 lần mỗi năm, vẫn còn 'bán non' sổ bảo hiểm

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
10/09/2023 13:21 GMT+7

BHXH TP.HCM cho hay thống kê giai đoạn 2020 - 2022, trung bình mỗi năm có hơn 110.000 lao động tại TP.HCM rút BHXH 1 lần.

Sáng 10.9, HĐND TP.HCM tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" với chủ đề công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.

Cử tri Hà Nguyễn đặt câu hỏi: "Doanh nghiệp không có đơn hàng, ngừng sản xuất, người lao động giảm giờ làm, mất việc. Nhiều người phải rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần để trang trải cuộc sống. Vậy TP.HCM có chính sách gì để hỗ trợ việc làm cho người lao động cũng như giảm tình trạng rút BHXH 1 lần?".

Ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, cho hay lợi ích lớn nhất của BHXH là lương hưu. Việc chọn rút BHXH 1 lần khiến người lao động sau này về già không có lương hưu, có thể là gánh nặng cho con cháu hoặc phải lao động sau khi nghỉ hưu.

Hơn 110.000 lao động tại TP.HCM rút BHXH 1 lần mỗi năm - Ảnh 1.

Người lao động TP.HCM xếp hàng chờ làm thủ tục rút BHXH 1 lần

NGUYỄN ANH

Thống kê giai đoạn từ năm 2020 - 2022, trung bình mỗi năm, TP.HCM có hơn 110.000 người rút BHXH 1 lần (tính cả nước, số liệu trung bình mỗi năm rút BHXH 1 lần trong giai đoạn này là khoảng 900.000 người - PV). Ngoài ra, còn có tình trạng người lao động "bán non" sổ BHXH với giá trị chỉ bằng 50 - 60% số tiền mà cơ quan BHXH sẽ chi trả.

Theo ông Hà, để giải quyết căn cơ cho tình trạng rút BHXH 1 lần, cần thực hiện đồng bộ nhiều yếu tố như sửa đổi quy định pháp luật về BHXH, chính sách tiền lương, hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm…

Thời gian tới, BHXH TP.HCM sẽ tiếp tục truyền thông về quyền lợi của việc tham gia BHXH cũng như cảnh báo tình trạng mua bán sổ BHXH của người lao động.

Tiếp tục hỗ trợ công nhân mất việc đến cuối năm

Về chính sách hỗ trợ cho người lao động, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM, cho biết, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền TP.HCM, phía Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ TP.HCM cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động.

Đầu năm 2023, công đoàn đã hỗ trợ người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Riêng TP.HCM đã tiếp nhận hỗ trợ cho hơn 7.903 người lao động với kinh phí hơn 11 tỉ đồng.

Hơn 110.000 lao động tại TP.HCM rút BHXH 1 lần mỗi năm - Ảnh 2.

Số lượng người mất việc tại TP.HCM gia tăng từ cuối năm 2022 đến nay

NHẬT THỊNH

Ngoài ra, các cấp công đoàn TP.HCM cũng có nhiều hoạt động chăm lo như chương trình chăm sóc sức khỏe cho hơn 36.000 người lao động với kinh phí hơn 15 tỉ đồng; động viên 10.000 đoàn viên với kinh phí 5,5 tỉ đồng; xây dựng 16 điểm ở nơi đông lao động để bán hàng thiết yếu chất lượng, giá cả ưu đãi từ 5% - 35% so với thị trường.

Trước tình trạng thiếu đơn hàng vẫn còn tiếp diễn, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1.4.2023 đến hết ngày 31.12.2023 với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là khoảng 145 tỉ đồng.

Cạnh đó, LĐLĐ TP.HCM cũng đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán năm 2024, trong đó mở rộng đối tượng chăm lo và đa dạng hình thức.

Xem nhanh 12h ngày 10.9: Thời sự toàn cảnh

Gỡ khó cho các trường dạy nghề

Một thách thức của thị trường lao động hiện nay là cơ cấu lao động còn lạc hậu, trình độ thấp, thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa đáp ứng thay đổi của công nghệ hiện đại. Vì vậy, việc đào tạo nghề là một trong những chính sách rất quan trọng. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin TP.HCM hiện có 376 trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Dù các trường rất chú trọng mở rộng quy mô và chất lượng, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, nhất là do tồn tại nhận thức của học sinh, gia đình về giáo dục nghề nghiệp là con đường của người yếu kém. Ngoài ra, chưa có chính sách tuyển sinh đại học hướng đến học sinh, học viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để các em có thể phát triển nghề nghiệp.

Nhiều đại diện của các trường dạy nghề cho hay họ đang gặp khó khăn về đầu tư thiết bị, mở rộng quy mô. Đồng thời, mong muốn nhận sự hỗ trợ từ phía nhà nước và doanh nghiệp trong tuyển dụng, học phí cho học sinh, sinh viên khó khăn…

Phát biểu tại chương trình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đề nghị các đơn vị liên quan, quận, huỵện và TP.Thủ Đức tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ chi phí cho người học, doanh nghiệp; thực hiện tốt chương trình kích cầu. 

Song song đó, quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, trình độ giáo viên… tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có đầu ra chất lượng; hướng nghiệp và phân luồng hợp lý...

Q.Bình Tân tổ chức sàn giao dịch việc làm

Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết dự kiến ngày 21.9, Q.Bình Tân tổ chức sàn giao dịch việc làm, sẽ có từ 20 đến 30 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng và khoảng 1.500 người lao động tham gia. 

Địa phương kêu gọi các doanh nghiệp, các trường nghề, người lao động trong và ngoài quận có nhu cầu có thể đến sàn giao dịch việc làm được tổ chức tại Nhà văn hóa lao động Q.Bình Tân, địa chỉ 168 Trần Thanh Mại, khu phố 2, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.