Hội thảo về phương thức hoạt động Đoàn: 'Nhiều đề xuất có giá trị thực tiễn cao'

Huy Đạt
Huy Đạt
10/08/2023 21:24 GMT+7

Đó là nhận xét của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy tại hội thảo "Thực trạng nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh thiếu nhi Việt Nam" tổ chức chiều nay tại TP.Đà Nẵng.

Nhiều đề xuất, giải pháp cho hoạt động Đoàn

Chiều 10.8, tại TP.Đà Nẵng, T.Ư Đoàn và Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học đề tài cấp quốc gia với chủ đề "Thực trạng nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh thiếu nhi Việt Nam". 

Anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Dũng chủ trì hội thảo. 

Tham dự hội thảo có ông Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng và các đại biểu là lãnh đạo các tỉnh, thành Đoàn khu vực miền Trung - Tây nguyên...

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn lắng nghe đề xuất thay đổi phương thức hoạt động Đoàn - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo "Thực trạng nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh thiếu nhi Việt Nam"

HUY ĐẠT

Hội thảo nhằm tìm hiểu, phân tích, đánh giá thực trạng và giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam; vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức thanh niên Việt Nam hiện nay.

Các đại biểu đã trao đổi một số vấn đề liên quan đến thực trạng và giải pháp: đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh,  Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam trong tình hình mới; giải pháp về việc nắm bắt tình hình thanh thiếu nhi; nhu cầu và lợi ích của các đối tượng thanh niên trong tình hình mới; giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh thiếu nhi Việt Nam trong tình hình mới; tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác thanh niên và hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn lắng nghe đề xuất thay đổi phương thức hoạt động Đoàn - Ảnh 2.

Đại biểu các tỉnh, thành Đoàn khu vực miền Trung - Tây nguyên tham gia hội thảo tại TP.Đà Nẵng

HUY ĐẠT

Trình bày tham luận, chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, nêu rõ với số lượng đoàn viên, thanh niên được thống kê hiện nay (khoảng 317.000 người, chiếm gần 30% dân số TP.Đà Nẵng), để phát huy sức trẻ, tinh thần xung kích tình nguyện, thời gian qua các cấp bộ Đoàn và lực lượng đoàn viên, thanh niên đã đoàn kết, xung kích phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động Đoàn - Hội ở TP.Đà Nẵng mang tính bao quát, hiệu quả, tạo dấu ấn và nhận được nhiều tình cảm của cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi âm mưu diễn biến hòa bình, sự chống phá của các thế lực thù địch vẫn là những "làn sóng ngầm" đối với thanh niên. Bên cạnh đó, các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, tội phạm nguy hiểm trên địa bàn diễn biến phức tạp, có tác động xấu đến một bộ phận thanh niên.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn lắng nghe đề xuất thay đổi phương thức hoạt động Đoàn - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, trình bày tham luận tại hội thảo

HUY ĐẠT

Từ đó, Phó bí thư Thành đoàn Đà Nẵng đã đưa ra 7 đề xuất cụ thể và một số mô hình nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn, giúp cán bộ Đoàn nắm bắt kiến thức một cách toàn diện hơn và đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Mục tiêu hướng đến là xây dựng được đội ngũ cán bộ Đoàn "vừa hồng vừa chuyên", tạo bước chuyển có tính đột phá trong bố trí và sử dụng cán bộ Đoàn trên tất cả các lĩnh vực công tác của hệ thống chính trị.

Anh Phạm Hồng Hiệp, Phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Định, cũng cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, các cấp bộ Đoàn cần thẳng thắn nhìn vào những hạn chế còn tồn tại trong phương thức hoạt động.

Theo anh Hiệp, thực tiễn từ Bình Định cho thấy có 3 tồn tại, hạn chế, khó khăn trong nội dung, phương thức hoạt động Đoàn. 

Cụ thể, thứ nhất là công tác đoàn kết tập hợp thanh niên và sinh hoạt Đoàn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với khu dân cư. Thứ hai, nội dung hoạt động Đoàn hiện nay rất nhiều, dàn trải trên tất cả các lĩnh vực, khối lượng công việc của cán bộ Đoàn cấp cơ sở cực kỳ nặng nề dẫn đến chất lượng công việc chưa cao, chưa sâu và chưa đầy đủ. Thứ ba, việc chủ động đổi mới phương pháp, nội dung hoạt động Đoàn chưa cao; nhiều địa phương chưa mạnh dạn sáng tạo.

Từ đó, Phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Định đưa ra giải pháp ngoài việc thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và lòng yêu nước, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp thực sự là người bạn, người đồng hành của thiếu nhi, thì cần quan tâm về các nội dung liên quan đến cơ chế và công tác cán bộ.

Đó là việc tạo cơ chế thuận lợi để cán bộ Đoàn có cơ hội chuẩn hóa về trình độ, lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác. Cùng với đó, phải chủ động trong công tác tham mưu với cấp ủy về hoạt động của tổ chức Đoàn, các tổ chức thiếu nhi và công tác cán bộ Đoàn; tăng cường mối liên hệ, liên kết giữa cán bộ Đoàn các cấp, các địa phương...

Thay đổi để nâng cao chất lượng

Phát biểu chỉ đạo, anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cho biết nội dung trao đổi tại hội thảo là những đóng góp rất có giá trị thực tiễn. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để đưa vào đề tài về đổi mới phương thức hoạt động Đoàn - Hội, góp phần tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành văn bản về đổi mới phương thức.

Tuy nhiên, anh Bùi Quang Huy cũng nhìn nhận trong công tác giáo dục của Đoàn cũng có một số mặt hạn chế, như công tác nắm bắt tư tưởng, công tác giáo dục đạo đức lý tưởng, thiếu niềm tin ở một số bộ phận đoàn viên, thanh niên, không có khát vọng, không có ý chí tự lực tự cường… 

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn lắng nghe đề xuất thay đổi phương thức hoạt động Đoàn - Ảnh 4.

Anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

HUY ĐẠT

Anh Bùi Quang Huy đã chỉ ra một số hạn chế khác liên quan đến đội ngũ, công tác cán bộ, tổ chức, cán bộ cơ sở. Cụ thể, tính chưa bền vững trong một số hoạt động Đoàn, chưa đúc kết được thực tiễn thành một số vấn đề lý luận để nhân rộng; hoạt động chưa rộng khắp, chưa gắn với các vấn đề thiết thân với thanh niên như đời sống, việc làm. Thực tế này đặt ra yêu cầu hoạt động Đoàn muốn thiết thực thì phải gắn vào những lợi ích, vấn đề thiết thân của thanh niên (như khởi nghiệp, phát huy tài năng trẻ, việc làm…).

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn lắng nghe đề xuất thay đổi phương thức hoạt động Đoàn - Ảnh 5.

Đại biểu phát biểu tham luận, chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên

HUY ĐẠT

"Việc đổi mới phương thức có nhiều đề xuất có giá trị thực tiễn cao, các nội dung hướng đến chăm lo quyền lợi ích chính đáng, phát triển tổ chức Đoàn cơ sở, tăng cường đi cơ sở, phát huy chuyển đổi số, các nền tảng sinh hoạt", anh Huy nhấn mạnh.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cũng đã đề nghị các tỉnh, thành Đoàn rà soát lại những vấn đề trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, những nội dung, phương thức chỗ nào còn vướng mắc, cần thay đổi và hướng thay đổi như thế nào thì báo cáo T.Ư Đoàn. "Chúng ta bỏ qua các quy định, mạnh dạn đề xuất để thay đổi phương thức hoạt động Đoàn có chất lượng", anh Huy yêu cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.