Hơi ấm giữa dòng trôi

08/10/2022 09:30 GMT+7

Mùa đoàn tụ đã về rồi. Nhưng mùa đoàn tụ này ai là người đón nhận trong ngậm ngùi? Những cuộc ra đi tưởng chỉ đi mươi bữa rồi về đã trở thành những chuyến đi mãi mãi…

Cái từ cách ly đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đã được xài trên tất cả mọi hoàn cảnh. Những hoang tàn bao trùm mọi lối nghĩ lối sống. Thâm tình cốt nhục phân ly không còn là của riêng ai nữa, nó đồng loạt diễn ra như một lẽ đương nhiên. Lúc đó tôi hay hỏi bao lâu nữa mới được sum vầy? Một bữa nọ tôi muốn bật khóc khi người bạn nói làm gì có sum vầy, chắc phải đợi tới ngày tận thế.

Nhưng may thay tình người còn lớn lao hơn mọi thứ, nó có thể xé những mảng tối âm u để gieo những hạt ánh sáng tươi nguyên ấm áp giữa những ngày mịt mờ giá lạnh...

TÍN DI

Trong những ngày tưởng như sắp tận thế ấy, trên cù lao nằm giữa sông Tiền sông Hậu mênh mông, tôi ra vào tiếp tế một khu điều trị F0 đã chứng kiến những người không cam lòng nhìn người thân một mình tận thế. Họ thà được bên nhau dẫu phía bên nhau là con đường vào sinh ra tử.

Đó là một đứa bé 10 tuổi ăn chưa no lo chưa tới lại nói với nội nó một câu rất già: “Không sao đâu, nội còn con còn, nội mất con mất”. Hôm đó nó âm tính lại xin vào khu điều trị hàng trăm người dương tính. Nó mồ côi mẹ nên ghiền nội, lúc nào cũng chỉ muốn cận kề bóp tay bóp chân cho nội.

Đó là một bà cụ 70 tuổi, “Tôi được ra viện nhưng tôi không về. Tôi muốn ở lại chăm sóc ổng. Ổng mới bị dương tính hôm qua”.

Đó là một người cha âm tính nhưng quyết tâm vào khu cách ly vì hai đứa con dương tính ngủ không thể thiếu cha.

Những ngày nặng nề quy tắc “âm dương” không thể đồng hành, có những cái phủi tay chọn ngoại lệ đã phá tan ranh giới lạnh lùng vô cảm. Là âm hay là dương còn nghĩa lý gì khi mình ở phương này vò võ ngóng trông còn phương kia người yêu thương đang oằn oại cùng con bệnh không biết sống chết lúc nào. Tôi nhớ về một nỗi sợ mơ hồ của riêng tôi, nếu một ngày mai tất cả mất đi, sự còn lại một tôi hay một số ít nào đó thì liệu sự còn lại đó đáng chờ mong?

Xung quanh còn ta còn. Mọi người nơi này luôn nghĩ vậy. Nơi này người ta có sợ chết vì dịch không? Sợ lắm. Nhưng cái sợ bị đơn độc còn lớn hơn. Cái sợ bị đói khổ vì không bán được món mình muốn bán, không mua được món thiết yếu cho đứa con, cho người mẹ già bệnh tật còn đáng sợ hơn. Cái sợ mình trở thành người ác còn lớn hơn nỗi sợ cơn đại dịch trùm phủ toàn cầu

Ngay khi tất cả họ còn dương tính, tôi đã thầm cám ơn ai đó đã chọn con đường trái luật giữa mùa dịch bạo tàn để nuôi dưỡng nghĩa tình. Tôi cám ơn vì tôi tin chắc nếu không được bên nhau họ còn đau khổ hơn cái chết. Nỗi ám ảnh đó theo họ suốt đời. Di chứng Covid không phải chỉ ở phía những cục máu đông trong từng ngóc ngách nội tạng của người bệnh mà còn ở phía những hồi ức bị nhai lại trong tâm tưởng người thân không hề nhiễm bệnh.

Quyết định để những người cần nhau được bên nhau không phải là đơn giản. Tự nguyện là việc cá nhân nhưng bảo vệ từng con người lành mạnh là trách nhiệm của những người phòng chống dịch. Chữ trách nhiệm nặng nề và lớn lao hơn cả bầu trời, nó gần như che tối tâm trí mỗi người. Nhưng may thay tình người còn lớn lao hơn mọi thứ, nó có thể xé những mảng tối âm u để gieo những hạt ánh sáng tươi nguyên ấm áp giữa những ngày mịt mờ giá lạnh.

Dịch có thể bùng thật nhanh. Dịch có thể lan qua nhiều nhà. Nhưng sự sống bằng những phía tình người vẫn không hề bị giới hạn. Từ những hạt giống tình người được gieo xuống, tôi thấy nó nảy chồi, lan rộng. Tình người đã chuyển giao cho nhau và rộ nở... Tình ở phía ngoài gửi vào khu cách ly. Tình ở phía những trung gian đang “đông cứng” cuộc sống bản thân để kết nối hai thế giới “âm dương”. Những người đã âm tính đi khắp khu cách ly để tìm hiểu những người dương tính mới chỉ cho họ cách tự chăm sóc mình và chăm sóc người khác. Có những bệnh nhân lơ ngơ được những bệnh nhân tỉnh táo hơn giúp đỡ chỉ cho họ cách uống thuốc. Có những bệnh nhân tâm thần, những bệnh nhân già đơn độc bị lãng tai được những người cùng phòng nấu cho từng chén cháo rồi ép nhau ăn…

Chăm sóc cho nhau, cười nói bên nhau họ quên dần mình từng rất hoảng loạn khi nhận được hai từ dương tính. Họ quên rằng mình từng cảm nhận cái chết đang ở rất gần. Khi quên đi căn bệnh khủng khiếp, họ mang một sức sống mới trong một cơ thể vẫn còn mầm bệnh.

Rồi tất cả ra về.

Nhìn những đoàn người xuất viện được đọc tên trên loa, nghe họ í ới gọi nhau, gọi điện báo tin cho tôi mừng, tôi thầm cám ơn thêm lần nữa. Tôi cám ơn cuộc sống đã không phải phản vệ thái hóa làm một cơn bão cytokin trên miền quê Phú Tân còn nhiều gian khó. Đại dịch đã đến, đã quen dần và không biến chứng. Tôi cám ơn ai đó đã không cưỡng chế bà cụ 70 bỏ rơi ông cụ trên 70 vò võ với nỗi sợ dịch giã phủ trùm. Cám ơn ai đó đã không để những người đang khổ đau phải hoảng sợ giữa đơn côi. Lời cám ơn chưa rõ đối tượng. Xin thả nó vào không trung của vùng sông nước với tất cả niềm thành kính. Bởi chính sông nước quê hương đã sản sinh ra những thế giới nghĩa tình kia. Chính sông nước quê hương đã tạo nên những tiền lệ về kiểu sống xả thân giữa đời thường cũng như giữa thời hoạn nạn. Dịch giã sẽ quen dần và những mùa tết mới sẽ dịu dàng hơn. Bởi sau đại nạn, người vẫn có thể nắm lấy bàn tay ấm của nhau kể cho nhau nghe về tất cả với thật nhiều yêu thương còn đọng lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.