Học thật giỏi để không tiếc thời sinh viên

09/01/2011 00:11 GMT+7

Chiều 8.1, tại Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM đã diễn ra cuộc tọa đàm, giao lưu “Giá trị nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao” giữa sinh viên 5 tốt với 3 doanh nhân thành đạt.

Tại cuộc giao lưu, các doanh nhân trẻ đều khẳng định nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao có tính quyết định sống còn đối với các doanh nghiệp hiện nay. Trong những năm qua, hầu hết SV 5 tốt (đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, kỹ năng tốt, hội nhập tốt) ra trường đều có cơ hội làm việc và thăng tiến rất tốt. Đến nay, SV 5 tốt đã trở thành danh hiệu mà rất nhiều doanh nghiệp nhắm đến.

Phải có ước mơ

Mở đầu buổi giao lưu, bạn Trọng Hoàng - SV trường ĐH Tôn Đức Thắng đặt vấn đề, lúc các doanh nhân đang ở lứa tuổi như tụi em, các anh có định hướng suy nghĩ như thế nào để thành công?

Ông Cao Tiến Vị - Tổng giám đốc Công ty cổ phần giấy Sài Gòn - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM chia sẻ: “Thời còn trẻ, bản thân tôi trải qua nhiều nghề, mỗi giai đoạn có một bước ngoặt. Lúc trẻ, chúng tôi nghĩ làm điều gì đó để ổn định cuộc sống tích lũy kinh nghiệm đồng thời có ước mơ chuẩn bị công việc sau này. Ngày nay các bạn có nhiều chọn lựa, hãy biến sở thích đam mê của mình để thành công. Các bạn cần đào sâu chuyên môn để trở thành người giỏi nhất, tạo sự khác biệt thì sẽ thành công”.

Bạn Bùi Thị Thu Hạnh - SV trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM đặt câu hỏi: “Làm trái nghề có tốt không?”. Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn trả lời: Bạn phải xác định mục tiêu của mình là gì. Đã là kỹ sư thì bạn nên bắt đầu công việc liên quan đến việc học của mình. Theo tôi làm trái nghề không xấu. Tôi học ngành cơ khí, khi tốt nghiệp ra trường lại làm ngành phế liệu. Tôi xác định mục tiêu của mình là làm để ổn định cuộc sống, học hỏi kinh nghiệm. Đến nay công ty của tôi đã trở thành tập đoàn vừa sản xuất bao bì, xuất nhập khẩu, kinh doanh bất động sản... các trưởng phòng của chúng tôi cũng đều trái nghề nhưng họ cũng làm rất thành công. Vì vậy bạn hãy xác định mục tiêu nghề nghiệp của mình.

Trình độ không bằng thái độ

Đặt câu hỏi về mức lương, bạn Hồng Vân - SV trường ĐH Tài chính - Marketing hỏi: “Khi đi xin việc, các doanh nghiệp đều để trống mức lương, vậy làm thế nào để có thể đưa ra mức lương phù hợp mà không bị… hớ?”. Ông Cao Tiến Vị trả lời: “Mỗi công ty đều có chính sách lương khác nhau. Các bạn đừng nên nghĩ mình đề nghị mức lương bị hớ vì nếu khi vào làm việc, bạn chứng minh được tôi vượt trội thì chính sách của công ty về thu nhập, xét thưởng sẽ đến với bạn kịp thời và công bằng”.

Ông Tuấn Quỳnh chia sẻ thêm: “Lương là mức khởi đầu. Doanh nghiệp sẽ đánh giá bạn trong quá trình làm việc. Bạn hãy đặt mục tiêu tôi sẽ làm được gì, trong thời gian bao lâu tôi sẽ khẳng định được giá trị bản thân thì bảo đảm doanh nghiệp sẽ tự nâng mức lương thưởng mà không cần bạn lên tiếng”.

Trong thời gian gần 2 giờ giao lưu, rất nhiều câu hỏi về việc làm, cách ứng xử, học các kỹ năng mềm… đã được các doanh nhân trẻ trả lời. Ông Trần Việt Anh kết luận bằng một câu nhắn nhủ: “Hãy học tập, rèn luyện thật giỏi để không hối tiếc thời SV. Khi đã bắt đầu bước vào môi trường làm việc ở công ty thì hãy cố gắng hết mình, đam mê với công việc. Thực hiện được điều đó là các bạn đã thành công”.

Thiên Long - Lê Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.